Thứ Năm, 14/03/2024, 11:00

Những lưu ý khi nuôi lươn thâm canh không bùn

Hiện nay, phong trào nuôi lươn đã hình thành và phát triển khá mạnh ở nhiều địa phương với nhiều hình thức khác nhau như nuôi lươn không bùn, có bùn, nuôi trong can nhựa,… Trong đó nuôi lươn không bùn trên bể đang được người nuôi lựa chọn và đã đem lại hiệu quả kinh tế nhất định. Do đó, để phong trào nuôi lươn có thể phát triển ổn định và bền vững thì những người nuôi lươn, nhất là những người chuẩn bị nuôi cần lưu ý những vấn đề sau:

1. Xây dựng hệ thống bể

Hệ thống nuôi lươn không bùn trên bể (bể lót bạt, bể xi măng) có thể tận dụng chuồng heo cũ để nuôi, với diện tích đất không nhiều (từ 10 m2 trở lên) nhưng để bảo đảm tính an toàn trong quá trình nuôi thì ngoài hệ thống nuôi chính, người nuôi cần xây dựng thêm bể chứa nước đã được xử lý trước khi cho vào hệ thống nuôi. Công trình nuôi nên che mát hoàn toàn bằng mái che tránh cho lươn tiếp xúc trực tiếp với nước mưa. Ngoài ra, bể nuôi cần có đủ độ cao để tránh lươn thất thoát.

2. Nguồn nước

Nuôi lươn không bùn cần phải thay nước hàng ngày và có thể sử dụng nhiều nguồn nước khác nhau như: nước máy, nước sông, nước giếng,… nhưng tất cả cần phải được xử lý trước khi cấp vào hệ thống nuôi ít nhất 24 giờ.

3. Con giống

Hiện nay giống lươn có thể được tạo ra từ nguồn sinh sản bán nhân tạo. Tuy nhiên, do nhu cầu con giống tăng cao, đôi khi con giống rơi vào tình trạng khan hiếm nên giá cả con giống cũng tăng theo, bên cạnh đó là chất lượng con giống không đảm bảo. Người nuôi cần lựa chọn cơ sở cung cấp giống có uy tín, con giống có kích cỡ đồng đều, khỏe mạnh, màu sắc tươi sáng, có màu vàng đặc trưng của loài, bơi nhanh nhẹn, da không bị trầy xước, mất nhớt và đặc biệt nên chọn mua con giống vào mùa sinh sản của lươn để được con giống có chất lượng tốt nhất.

4. Nguồn thức ăn

Đối với mô hình nuôi lươn không bùn thì sử dụng thức ăn viên công nghiệp là chủ yếu, ngoài ra có thể bổ sung thêm thức ăn tươi sống, trùn quế,… Điều cần lưu ý là thức ăn công nghiệp sử dụng để nuôi lươn phải bảo đảm có hàm lượng đạm cao (>40 %) trong suốt quá trình nuôi thì mới bảo đảm được sự phát triển của lươn mà giá thành loại thức ăn này luôn ở mức cao nên người nuôi cần lưu ý đến khả năng kinh tế và nguồn cung cấp ổn định trong suốt quá trình nuôi.

5. Phân cỡ

Do lươn có tập tính ăn lẫn nhau, nên khoảng 1 tháng nuôi hoặc thấy lươn có phân đàn cần tiến hành phân cỡ ra nuôi riêng để hạn chế lươn hao hụt. Trước khi phân cỡ cho lươn nhịn ăn 1 ngày, dùng sàn trơn láng để phân loại cỡ lươn hoặc dùng vợt để bắt lươn (không dùng tay).

6. Phòng trị bệnh

Mô hình nuôi lươn không bùn có thay nước hàng ngày nên khả năng xảy ra bệnh tương đối thấp. Tuy nhiên cần lưu ý khi rãi thức ăn nếu thấy hiện tượng lươn bắt mồi kém, âm thanh bắt mồi của lươn rời rạc. Lươn bò rải rác trong bể mà không nằm trú ẩn trong giá thể (vĩ tre, sợi ni lông). Các đặc điểm này đồng thời xuất hiện là dấu hiệu cho biết lươn nuôi có triệu chứng bệnh. Vì vậy, người nuôi cần trang bị một số kiến thức cơ bản về cách nhận biết cũng như kỹ thuật phòng trị một số bệnh thường gặp trên lươn để có thể xử lý kịp thời khi có tình huống xấu xảy ra nhằm hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất.

 TT- Vũng Liêm

Nguồn: nongnghiep.vinhlong.gov.vn