Lươn là một trong đối tượng dễ nuôi, có nhiều loại thức ăn khác nhau và có thể tận dụng những ao mương nhỏ, chuồng heo hoặc xây dựng hồ lót bạt để nuôi. Vì vậy, những năm gần đây mô hình nuôi lươn được nhiều nông dân triển khai. Để giúp các hộ nuôi đạt hiệu quả mô hình, bài biết sẽ đưa ra một số lưu ý trong quá trình lựa chọn con giống, cách thả nuôi và cách phòng trị bệnh trong quá trình nuôi.
Thứ nhất, cách chọn con giống
– Chọn lươn giống đồng đều kích cỡ không quá chênh lệch quá nhiều, có da màu sáng, lươn nhiều nhớt, vận động nhanh nhẹn không có biểu hiện lạ giống lươn đang bệnh, không xây xát lở loét bên ngoài, không bị đỏ rốn.
– Chọn lươn có màu vàng sẫm sẽ phát triển tốt nhất. Lươn màu vàng xanh phát triển bình thường. Lươn màu xám tro chậm lớn hơn so với 2 loại lươn da màu vàng sẫm và vàng xanh.
– Không chọn lươn giống có nguồn gốc từ việc câu bằng lưỡi câu, nhử thuốc, xiệt điện hay bị vuốt làm gãy sống lưng. Lươn giống bắt được do xiệt điện, câu, trúm, mồi thuốc là giống yếu và hao hụt nhiều và tốc độ tăng trưởng chậm.
Thứ hai, một số lưu ý trong quá trình thả nuôi lươn
– Sử dụng nước muối 3-5% tắm lươn từ 3-5 phút trước khi thả; nhằm sát trùng loại bỏ vi khuẩn, nấm trên lươn mà mắt thường không nhìn thấy được và loại bỏ những con yếu.
– Mật độ thả: 80 – 160 con/m2, cỡ giống khoảng 40 – 50 con/kg. (mật độ thả này còn phụ thuộc vào kinh nghiệm, kỹ thuật của mỗi người nuôi)
– Kích thước, trọng lượng lươn giống thả nuôi tốt nhất khoảng từ 40-60 con/kg.
– Mật độ ương: 100-300 con/m2 tùy kích cỡ giống.
– Đảm bảo nguồn nước nuôi phải sạch, hàm lượng oxy hòa tan trên 2mg/l.
– Trong quá trình nuôi, khi lươn nổi đầu hàng loạt lên mặt nước để thở do thiếu oxy thì phải thay nước ngay.
– Khi thiết kế và xây dựng ao nuôi, cần thiết kế bể nuôi để dễ dàng thay nước, tẩy rửa vệ sinh, phơi nắng sau khi thu hoạch. Có thể thả nuôi lươn trong bể xi măng hoặc hệ thống bể nổi khung sắt lót nhựa HDPE.
– Từ 4 – 7 ngày thay nước 1 lần tùy theo mật độ thả và loại thức ăn, chất lượng nước. Việc thay nước định kỳ là cần thiết để giúp hạn chế lươn bị bệnh.
– Khi thả nuôi lươn vào mùa hè, trời nắng nóng có thể nâng mức nước đến 30 – 40cm; duy trì nhiệt độ nước bể nuôi trong khoảng 23-280C.
– Mỗi tháng nên kiểm tra, phân loại cỡ lươn để thuận tiện trong việc chăm sóc và tránh hiện tượng ăn thịt lẫn nhau.
– Định kỳ 10 – 15 ngày dùng thuốc tím (KMnO4), liều dùng 2 – 3 g/m3 nước tạt đều khắp bể để phòng bệnh cho lươn, hoặc một số chế phẩm sinh học dùng riêng cho đối tượng thuỷ sản nước ngọt.
Thứ ba, một số phương pháp phòng trị bệnh trong quá trình nuôi
– Làm sạch môi trường nước và bể nuôi
+ Nguồn nước lấy vào bể nuôi phải sạch. Trước khi thả phải xử lý bể nuôi đúng quy trình kỹ thuật.
+ Định kỳ sử dụng một số chế phẩm sinh học trong quá trình nuôi.
– Tăng sức đề kháng cho lươn
+ Chọn giống phải khoẻ mạnh, kích cỡ đồng đều,….
+ Thường xuyên bổ sung Vitamin và khoáng chất vào thức ăn.
+ Tránh không làm cho lươn bị sốc do môi trường đột ngột biến động, lươn bị stress,….
– Ngăn ngừa bệnh
+ Chọn con giống đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
+ Không thả cỡ lươn quá nhỏ, không nên nuôi với mật độ quá dày và thả nuôi lươn giống cho nguồn gốc không rõ ràng.
K.S Trần Ngọc Quốc Tường (Tổng hợp)
Phòng Kỹ thuật – TTKN TP.HCM