Hiện nay, ương nuôi cá tra bột đang phát triển mạnh ở các huyện phía Bắc của tỉnh Long An. Tuy nhiên, hầu hết các hộ nuôi chưa có ao lắng đầu vào và ra, nguồn nước thải từ ao nuôi xả trực tiếp ra kênh rạch mà không qua xử lý, gây ô nhiễm môi trường, nhất là những ao bị nhiễm bệnh, có chứa trùn bánh xe, trùn loa kèn, nấm,… làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên diện rộng. Để hạn chế mầm bệnh xâm nhập, phát sinh và gây hại, người ương nuôi cá tra giống cần thực hiện tốt một số biện pháp cải tạo ao trước khi thả cá bột, cụ thể như sau:
Thứ nhất là, chọn ao nuôi: Ao phải gần nguồn nước cấp vào, có chất lượng tốt và chủ động, cần có ao lắng đầu vào và đầu ra.
Thứ hai là, chuẩn bị ao ương cá giống, cần thực hiện tốt các yêu cầu:
Thực hiện diệt tạp, khử trùng ao ương là khâu rất quan trọng. Ao sau khi được tháo cạn nước và hút bùn đáy (chỉ còn lớp bùn đáy khoảng 10 cm), dùng vôi bột (CaCO3) rải đều khắp đáy ao với liều lượng là 7 – 10 kg/100 m2.
Phơi ao từ 3 – 5 ngày, trong thời gian đó nên sử dụng BKC với liều lượng 1 lít BKC pha loãng với 200 lít nước rồi phun đều khắp đáy ao và xung quanh ao để tiêu diệt mầm bệnh.
Đối với ao cũ, ao đã có dịch bệnh xảy ra: Khi cấp nước vào ao (có hệ thống lọc) được 15 – 20 cm thì rải TCCA (dạng viên) xuống ao, với liều lượng là 2 kg TCCA/ 1.000 m2, ngâm từ 10 – 12 giờ. Sau đó tiến hành cấp nước tiếp tục cho đến khi đủ lượng nước cần thiết để thả cá bột (từ 1,3 – 1,5 m).
Thứ ba là, chuẩn bị thức ăn cho cá:
Tạo thức ăn tự nhiên: truớc tiên cấp nước vào ao từ 40 – 50 cm rồi tiến hành gây màu nước, sau đó tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho cá bột bằng cách:
– Bón phân vô cơ (urea hay NPK) với liều lượng 1 – 2 kg/1.000 m2 hòa với nước rồi tạt đều xuống ao.
– Dùng bột sữa hay bột đậu nành hòa với nước rồi tạt đều xuống ao, liều lượng từ 0,5 – 1 kg/1.000 m2 ao.
Thức ăn nhân tạo: ủ thức ăn bằng các sản phẩm vi sinh chuyên dùng. Cách ủ thức ăn như sau:
– 20 lít nước sạch + 02 lít mật đường + 02 lít chế phẩm sinh học EM hay bộ men ủ thức ăn (theo hướng dẫn của nhà sản xuất).
– Sục khí trong 12 giờ, sau đó trộn đều vào 10 kg thức ăn số 0. Buộc kín miệng bao và tiếp tục ủ yếm khí từ 36 – 48 giờ. Sau khi ủ kiểm tra thức ăn có mùi chua, dễ chịu là tốt. Sử dụng thức ăn đã ủ này cho ăn liên tục trong tuần đầu tiên.
Có thể dùng thức ăn đã ủ, tạt trực tiếp vào ao nuôi trước khi thả cá bột từ 3 – 5 ngày để tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho cá bột (liều lượng 30 kg/ha).
Thứ tư là, kiểm tra chất lượng nước
Trước khi thả cá bột, cần kiểm tra một số yếu tố chất lượng nước như: độ trong, nhiệt độ, pH, hàm lượng oxy, NH3. Thông thường cá phát triển tốt trong môi trường nước có độ trong từ 30 – 40 cm, nhiệt độ từ 28 – 31°C, độ pH từ 7 – 7,5, hàm lượng oxy (DO) ≥ 4 mg/l, hàm lượng NH3 ≤ 0,1 mg/l.
Lưu ý: Trong thời gian đưa nước vào ao thì mỗi buổi sáng cần kiểm tra vớt loại bỏ trứng ếch, nhái thật kỹ.
Thứ năm là, đảm bảo cá bột đạt chất lượng tốt
Chọn mua cá bột theo các tiêu chuẩn sau: Cá bột được mua từ cơ sở sản xuất uy tín, có nguồn gốc rõ ràng, thực hiện tốt khâu chọn lọc cá bố mẹ hàng năm. Cá bơi lội linh hoạt, không dị hình hoặc tỷ lệ dị hình thấp (≤ 3%). Cần chọn mua cá bột có độ tuổi thích hợp, tuổi cá tốt nhất khi mua về đến ao ương là lúc cá bột được 24 – 28 giờ tuổi.
Thứ sáu là, thả nuôi với mật độ thích hợp
Thông thường, mật độ thả nuôi tốt nhất là từ 700 – 1.000 cá bột/m2. Tùy theo mùa vụ, chất lượng ao và kinh nghiệm ương nuôi mà có mật độ thả nuôi phù hợp.
Thứ bảy là, chọn thời điểm thả cá bột
Tốt nhất thả cá vào lúc trời mát (sáng sớm, chiều mát). Trước khi thả cá vào ao cần ngâm bao cá trong ao ương khoảng 10 phút để giúp cá thích nghi, không bị “sốc” nhiệt./.
Phạm Phú Hùng
Sở NN&PTNT tỉnh Long An