Thứ Ba, 23/11/2021, 10:45

Màu sắc ánh sáng ảnh hưởng ấu trùng cá chim vây vàng như thế nào?

Cá chim vây vàng (Trachinotus blochii) là một trong những loài nuôi trồng thủy sản có triển vọng mặc dù tỷ lệ ấu trùng chết đặc biệt cao.

Cá chim vây vàng (Trachinotus blochii) phân bố ở biển Việt Nam nhưng ít khi bắt gặp, chúng có giá trị kinh tế cao. Ảnh minh họa.

Đây được xem là một nút thắt trong việc đạt đến sản lượng tối ưu trên toàn cầu. Các yếu tố tạo nên sự thành công trong quá trình chuyển tiếp của ấu trùng sang tuổi trưởng thành bao gồm yếu tố ánh sáng.

Ánh sáng xung quanh giúp cá hình thành hình ảnh trực quan, rất quan trọng đối với khả năng phát hiện, phân biệt, lựa chọn và bắt mồi. Do đó, môi trường ánh sáng còn ảnh hưởng đến quá trình kiếm ăn, tăng trưởng, khả năng sống sót sau khi nở, hiệu suất tăng trưởng, phản ứng căng thẳng, thành phần cơ thể và hoạt động của enzym tiêu hóa trên các loài cá khác nhau trong điều kiện nuôi nhốt. Ví dụ như ánh sáng xanh lục gây ra tỷ lệ sống thấp ở ấu trùng một số loài cá thân bẹt họ Scophthalmidae nhưng lại có ảnh hưởng ngược lại giúp tăng tỷ lệ sống ở tôm thẻ chân trắng (Penaeus vannamei).

Các enzym quan trọng được tìm thấy trong giai đoạn đầu của ấu trùng cá bao gồm trypsin, pepsin và amylase. Các hoạt động của chúng trước hoặc sau khi bắt đầu kiếm ăn ngoại sinh khác nhau tùy theo loài. Sự phối hợp của các enzym này là rất quan trọng để thúc đẩy quá trình tiêu hóa thức ăn ăn vào và chất dinh dưỡng của ấu trùng để giúp ấu trùng sống sót, tăng trưởng và phát triển thành công.

Tuy nhiên, các nghiên cứu về ảnh hưởng của màu sắc ánh sáng đến hoạt động của enzym tiêu hóa còn hạn chế. Màu sắc ánh sáng không phù hợp sẽ ảnh hưởng đến sản lượng và chất lượng cá nuôi ở các nhóm tuổi khác nhau cũng như làm giảm lợi nhuận của người nông dân.

Vì vậy, vấn đề sử dụng màu sắc ánh sáng tốt nhất cho từng giai đoạn phát triển của các loài cá cụ thể bao gồm cả cá chim vây vàng là rất quan trọng. Ở cá chim vây vàng, ánh sáng trắng thường được sử dụng. Tuy nhiên, không có nghiên cứu nào ủng hộ sự lựa chọn này và tác động của ánh sáng trắng đối với hiệu suất vẫn chưa được biết đến.

Nghiên cứu này được thực hiện để khảo sát ảnh hưởng của các màu sắc ánh sáng khác nhau bao gồm ánh sáng xanh lá cây, xanh lục, vàng, tím và trắng lên sự tăng trưởng, tỷ lệ sống, mức cortisol, thành phần cơ thể và các hoạt động của enzym tiêu hóa của ấu trùng cá chim vây vàng trong vòng 25 ngày. Đây là một nỗ lực nhằm xác định màu sắc ánh sáng tối ưu có thể giúp cải thiện hiệu quả sản lượng trại giống.

Các giai đoạn phát triển của cá chim vây vàng. Hình 1: Trứng đã được thụ tinh (hợp tử). Hình 2, 3: Giai đoạn cá bột. Hình 4: Con non

Kết quả phân tích cho thấy rằng màu sắc ánh sáng ảnh hưởng đáng kể đến năng suất sinh trưởng, tỷ lệ sống, mức độ cortisol, thành phần cơ thể và hoạt động của các enzym tiêu hóa của ấu trùng cá chim vây vàng. Trong đó, ánh sáng trắng, tím, xanh lục (bước sóng ngắn dưới 480 nm) tạo thành môi trường ít căng thẳng nhất trong suốt thời gian nuôi ấu trùng cá chim đem lại hiệu suất tăng trưởng tốt nhất, ngược lại màu xanh lá cây và màu vàng có những tác động tiêu cực làm giảm tỉ lệ sống của ấu trùng lên đến hơn 80% trong giai đoạn đầu sau khi trứng nở.

Chính vì thế, các nhà nghiên cứu khuyến khích nên sử dụng ánh sáng trắng trong lần cho ăn đầu tiên (5 ngày sau khi nở) và ánh sáng tím trong các giai đoạn còn lại đồng thời không khuyến khích việc sử dụng ánh sáng màu xanh lá cây và vàng trong quá trình nuôi ấu trùng của cá chim vây vàng.

Nhìn chung, bước sóng ánh sáng ngắn hơn (dưới 480 nm) đã được chứng minh là có lợi cho hoạt động của ấu trùng cá. Kết quả thu được có ý nghĩa nhất định đối với giới khoa học vì đây là nghiên cứu đầu tiên báo cáo ảnh hưởng của môi trường màu sắc ánh sáng đến hoạt động của enzym tiêu hóa và cấu tạo cơ thể của ấu trùng cá chim vây vàng.

Do đó, nó cung cấp những hiểu biết cũng như thông tin mới về sinh lý tiêu hóa, các chỉ số dinh dưỡng quan trọng, lựa chọn màu sắc ánh sáng tối ưu trong quy trình nuôi ấu trùng cá chim vây vàng. Tuy nhiên, trong tương lai, việc thực hiện thêm nhiều nghiên cứu chuyên sâu hơn để tìm hiểu về hiệu ứng màu sắc ánh sáng ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động kiếm ăn, đặc biệt là tốc độ bắt và ăn thịt con mồi là điều cần thiết.

Nguồn: Muflich, N., & Akbar, S. (2004). Breeding and seed production of silver pompano (Trachinotus blochii, Lacepede) at the Mariculture Development Center of Batam. Aquaculture Asia Magazine, 46–48.
Uyên Đào (Tepbac.com)