(Aquaculture.vn) – Nghiên cứu chứng minh rằng tôm thẻ chân trắng được ủ 24h trong 2–6 g/L chiết xuất từ lá dứa gai (Pandanus tectorius) tăng sức đề kháng và khả năng chống lại vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus gây ra trên tôm thẻ chân trắng.
Việc sử dụng chiết xuất thực vật hoặc thảo dược được cho là an toàn cho động vật thủy sinh và ít gây hại cho môi trường, trái ngược với các phương pháp điều trị thay thế thông thường như kháng sinh, tiềm ẩn nguy cơ kháng thuốc kháng sinh khi sử dụng thuốc không đúng cách.
Dứa gai (P. tectorius), được coi là cây thuốc sử dụng để điều trị nhiều loại bệnh cho con người bao gồm co thắt dạ dày, đau đầu và viêm khớp. Lá và quả dứa gai giàu chất chống viêm, chống oxy hóa, chống tăng đường huyết, chống tăng lipid máu, chống ung thư…, và đặc tính chống tiểu đường, với kết quả phân tích hóa chất thực vật định tính đã xác nhận sự hiện diện của phenolics, flavonoid, terpenoid, steroid, saponin và glycoside là thành phần hóa học trong chiết xuất P. tectorius.
Một phân tích đã chứng minh rằng P. tectorius thể hiện hoạt tính kháng khuẩn mạnh (Yosie Andriani & cs., 2019). Việc bổ sung chiết xuất P. tectorius trong chế độ ăn ở mức 20 g/kg đã cải thiện đáng kể mức tăng trọng lượng, các thông số chống oxy hóa trong huyết thanh, khả năng miễn dịch và sức đề kháng của cá chép Cyprinus carpio chống lại vi khuẩn Aeromonas hydrophila (Chi Cheng & cs., 2022).
Thiết lập thử nghiệm
Hậu ấu trùng tôm thẻ chân trắng P. vannamei có kích thước khoảng 1cm được mua từ iSHARP Sdn. Bhd., Terengganu và được nuôi thích nghi trong 2 tuần ở nhiệt độ 28°C và độ mặn 38‰ với sục khí liên tục trước khi được sử dụng trong thí nghiệm. Hậu ấu trùng được nuôi với mật độ 2.000 con/L và cho ăn ấu trùng Artemia sống 2 lần/ngày. Tình trạng sức khỏe của tôm được theo dõi hàng ngày và nước nuôi được thay 2 ngày/lần để duy trì chất lượng nước. Những con tôm có kích thước khoảng 1 cm được chọn để thí nghiệm.
30 con tôm hậu ấu trùng được đo ở kích thước khoảng 1 cm được tiếp xúc trong 24 giờ với dịch chiết lá P. tectorius ở các nồng độ khác nhau 0,5, 1, 2, 3, 4, 5 và 6 g/L và tôm không được tiếp xúc với chiết xuất (nhóm đối chứng). Tôm sau khi được tiếp xúc với chiết xuất từ lá dứa được cảm nhiễm với V. parahaemolyticus, và tôm không tiếp xúc với chiết xuất được dùng làm nhóm đối chứng.
30 con tôm được gây nhiễm với V. parahaemolyticus trong 24 giờ, nồng độ 1 × 106 CFU/ml, liều gây chết trung bình (LD50) và quan sát tỷ lệ sống và biểu hiện gen liên quan đến miễn dịch (Hsp70, ProPO, peroxinectin, penaeidin, crustin và transglutaminase), và biểu hiện mô học của tôm khi thử thách với Vibrio. Quy trình được lặp lại hai lần, với mỗi lần điều trị được thực hiện ba lần.
Kết quả nghiên cứu
Việc tiếp xúc với chất chiết xuất từ lá dứa gai P. tectorius giúp cải thiện đáng kể tỷ lệ sống của tôm thẻ chân trắng P. vannamei trong cảm nhiễm với vi khuẩn V. parahaemolyticus. Liều chiết xuất tối đa (6 g/L) từ lá dứa gai P. tectorius cho thấy khả năng chống chịu đối với vi khuẩn V. parahaemolyticus tốt nhất, với tỷ lệ sống tăng 15% trong thử thách liều gây chết trung bình.
Tỷ lệ sống của tôm được xử lý bằng 6 g/L chiết xuất lá dứa gai được cải thiện tới 95% so với đối chứng. Tỷ lệ sống được cải thiện có liên quan đến việc giảm đáng kể tải lượng vi khuẩn, cho thấy sự ức chế mầm bệnh đáng kể ở vật chủ.
Mặt khác, P. tectorius có thể bảo vệ tôm chống lại vi khuẩn V. parahaemolyticus bằng cách kích hoạt hệ thống miễn dịch. Tiếp xúc ngắn hạn với chiết xuất từ lá dứa gai đã được chứng minh là làm tăng tích lũy Hsp70 ở tôm. Hsp70 làm trung gian kích hoạt hệ thống prophenoloxidase (proPO). Tôm tiếp xúc với 6 g/L chiết xuất từ lá dẫn đến mức độ mRNA của Hsp70, crustin và prophenoloxidase được quan sát thấy cao hơn tương ứng là 8,5, 10,4 và 1,5 lần.
Tôm được tiếp xúc với chiết xuất lá dứa gai và sau đó được cảm nhiễm với vi khuẩn Vibrio có cấu trúc ống gan tụy nguyên vẹn. Tuy nhiên, nhóm đối chứng âm tính (tôm thử thách với V. parahaemolyticus mà không được tiếp xúc với P. tectorius) cho thấy ống gan tụy thoái hóa và giảm số lượng tế bào biểu mô blassenzelen, fibrillendene và restzellen.
Kết quả nghiên cứu cho thấy chiết xuất từ lá dứa gai P. tectorius đóng vai trò bảo vệ tôm khỏi tổn thương mô, điều này có thể được giải thích là do sự hiện diện của nhiều hợp chất chống oxy hóa trong loại cây này. P. tectorius chủ yếu giàu axit caffeoylquinic, vitamin, isopentenyl, dimethylallyl axetat và cinnamate.
Kết luận
Kết quả kháng mầm bệnh tốt nhất thu được khi ủ tôm trong 24 giờ ở nồng độ 6 g/L dịch chiết lá dứa gai (P. tectorius) có thể liên quan đến việc tăng biểu hiện của Hsp70, prophenoloxidase và crustin và các protein liên quan đến miễn dịch cần thiết để loại bỏ mầm bệnh ở tôm.
Nghiên cứu hiện tại chủ yếu chứng minh rằng chiết xuất lá dứa gai P. tectorius là một giải pháp thay thế khả thi để tăng cường sức đề kháng của tôm thẻ chân trắng P. vannamei chống lại vi khuẩn V. parahaemolyticus.
Minh Ngọc (Lược dịch)