Cá mú lai có giá trị kinh tế cao, ưu việt hơn các loài cá mú khác về tốc độ sinh trưởng, khả năng thích nghi với môi trường sống. Loài này đã được sản xuất giống thành công bởi các nước như Trung Quốc, Indonesia, Việt Nam.
Cá mú lai có màu sọc vằn đen vàng, thịt dai, chắc và thơm, chứa nhiều chất dinh dưỡng. Hiện nay, cá mú lai được nuôi bằng thức ăn công nghiệp trong ao đất hoặc lồng bè ngoài biển.
Kỹ thuật chọn cá bố mẹ
Cá đực là cá mú nghệ (E. lanceolatus), khối lượng thành thục thường trên 30 kg, tương ứng với tuổi cá thường trên 3 năm; cá cái là cá mú cọp (E. fuscoguttatus), khối lượng thành thục từ 3 kg trở lên, tương ứng với tuổi cá từ 3 năm trở lên.
Nguồn cá bố mẹ này có thể được tuyển chọn từ nguồn cá nuôi thương phẩm hoặc khai thác ngoài tự nhiên. Trứng cá thành thục tốt có những đặc điểm như trứng rời, tròn đều và có màu vàng nhạt, đường kính các trứng đều nhau, đường kính trứng tốt nhất có thể tiến hành cho đẻ là ≥ 0,5mm. Đối với cá đực (cá mú nghệ) khi vuốt nhẹ hai bên lườn bụng từ vây ngực đến gần hậu môn, thấy tinh (hoặc sẹ) đặc màu trắng sữa chảy ra từ lỗ sinh dục, dễ tan trong nước.
Kỹ thuật cho đẻ
Cá bố mẹ thành thục tốt thì tiến hành tiêm hormone. Hormone sử dụng tiêm cho cá mú là hCG (Human chorionic gonadotropin), trước khi tiêm cá bố mẹ cần được gây mê bằng thuốc mê để tránh cá bị sốc, giãy giụa làm mất nhớt và tổn thương cá, ảnh hưởng tới việc cho đẻ.
Đối với cá cái (cá mú cọp): tiêm 2 hai lần với liều lượng mỗi lần là 500 UI/kg cá và thời gian giữa hai lần tiêm cách nhau 24 h. Đối với cá đực (cá mú nghệ): tiêm một lần với liều lượng 500 UI/kg cá, tiêm cùng với thời gian lần tiêm thứ nhất của cá cái. Sau khi tiêm hormone, cá đực và cá cái được nhốt riêng trong các bể khác nhau với mật độ 3 – 5 kg/m3.
Thông thường khoảng 14 h sau lần tiêm thứ hai đối với cá cái thì kiểm tra cá bố mẹ để tiến hành vuốt tinh và trứng. Các đặc điểm nhận biết cá có thể tiến hành vuốt tinh và trứng là: Cá đực dùng tay ép nhẹ vào phần bụng dưới và di chuyển về hướng lỗ sinh dục thấy tinh chảy ra; cá cái bụng phình to, mềm đều, lỗ hậu môn cương phồng.
Kỹ thuật thu trứng
Việc cho đẻ thường tiến hành vào ban đêm khoảng 18h đến 24h để thuận lợi cho việc vận chuyển trứng đến các cơ sở sản xuất giống, do lúc này nhiệt độ thấp, ít ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển phôi của trứng. Trứng cá mú lai trương nước sau khi được thụ tinh, nổi lơ lửng gần mặt nước, có đường kính khoảng 0,8 – 0,9 mm.
Kiểm tra trứng thụ tinh trên kính hiển vi, tiến hành siphon đáy loại trứng hư hoặc không thụ tinh. Dùng vợt thu trứng bằng lưới mềm, mịn, có kích thước mắt lưới 200 – 300 µm để thu trứng, thao tác trong quá trình thu trứng phải nhẹ nhàng và cẩn thận tránh làm vỡ trứng ảnh hưởng đến tỷ lệ nở và chất lượng ấu trùng. Trứng được tiến hành định lượng trước khi đưa vào bể ấp hoặc chuyển cho các trại giống.
Kỹ thuật ấp trứng
Bể ấp trứng thường được vệ sinh sạch sẽ và khử trùng bằng chlorine trước sử dụng ấp trứng. Nguồn nước cung cấp vào bể ấp phải sạch được xử lý bằng tia cực tím hoặc chlorine. Các yếu tố môi trường nước đảm bảo thích hợp cho quá trình phát triển phôi cá gồm: độ mặn 30 – 32%, nhiệt độ 27 – 29oC, hàm lượng oxy hoà tan ≥ 5 mg/L, NH4+ < 0,01 mg/L, NO2 – < 0,2 mg/L, pH 7,5 – 8,5.
Sục khí được duy trì để đảm bảo cung cấp đủ lượng oxy hoà tan, đồng thời nước được luân chuyển đều giúp trứng phân tán và đảo đều, tránh quá mạnh sẽ làm vỡ trứng. Mật độ ấp trứng khoảng 1.000 trứng/L. Trứng sẽ bắt đầu nở sau thời gian 17 – 19h (với điều kiện nhiệt độ như trên). Sau khi nở, giảm sục khí nhỏ, ấu trùng cá phân bố tầng mặt và giữa tầng nước, trong khi đó các trứng hư và vỏ trứng sẽ chìm dưới đáy bể, tiến hành siphon để loại bỏ các thành phần này. Định lượng xác định tỷ lệ nở và số lượng cá bột để chuyển sang hệ thống bể ương.
Kỹ thuật ương nuôi từ cá bột lên cá hương
Giai đoạn mới nở: Cá bột được nuôi trong môi trường nước xanh, tảo sử dụng là Nannochloropsis oculate được cấp vào bể ương vào ngày thứ 1 với mật độ ban đầu khoảng 3 – 5 x 105 tế bào/mL. Trong khoảng 3 ngày đầu, nguồn dinh dưỡng chính cho cá bột là noãn hoàng, hết ngày thứ 3 ấu trùng bắt đầu ăn thức ăn ngoài.
Giai đoạn ăn thức ăn ngoài: Ở giai đoạn này, luân trùng (Brachionus plicatilis) được sử dụng như là nguồn thức ăn đầu tiên cho cá bột sau khi sử dụng hết noãn hoàng, tốt nhất là nên cấp luân trùng bắt đầu ở ngày thứ 3 để khi cá mở miệng là có thức ăn sẵn. Thời gian cho ăn luân trùng từ khi cá mở miệng đến ngày thứ 16 – 17.
Từ ngày ương thứ 14 cá bột được tập ăn nauplii Artemia khoảng 2 – 3 ngày với mật độ 2 – 3 con/mL sau đó tăng lên đến 8 – 10 con/mL và thời gian cho ăn nauplii Artemia kéo dài tới ngày thứ 25 – 26. Từ ngày 26 – 35 cho cá ăn Artemia sinh khối với mật độ 1 – 2 con/mL.
Thức ăn công nghiệp 0,2 – 0,3 mm được tập cho cá ăn khoảng ngày thứ 30 – 32, đầu tiên cho một ít thức ăn công nghiệp trước các cử cho ăn Artemia, khi thấy cá bắt đầu ăn được thì tăng dần lượng thức ăn công nghiệp và giảm lượng thức ăn Artemia, cho đến khi cá chuyển sang ăn hoàn toàn thức ăn công nghiệp thì dừng cho ăn Artemia. Kích cỡ thước ăn công nghiệp sẽ tăng dần cho đến 0,5 – 0,8 mm. Cho cá ăn ngày 4 lần/ngày từ 7 – 10% trọng lượng thân.
Kỹ thuật ương nuôi cá hương lên cá giống
Thức ăn thường được sử dụng khi ương nuôi cá mú lai từ cá hương lên cá giống là cá tạp hoặc thức ăn tổng hợp. Cho ăn ngày 4 lần, khẩu phần thức ăn trung bình của cá giai đoạn này dao động từ 7 – 10% trọng lượng thân. Cá giống trước khi tiến hành thu hoạch không cho cá ăn khoảng 1 hoặc 2 ngày (tùy vào quãng đường vận chuyển cá), tránh tình trạng cho cá ăn no, cá sẽ ói thức ăn trong khi vận chuyển làm ảnh hưởng tới tỷ lệ sống. Hạ mực nước xuống thấp, sử dụng vợt, lưới kích cỡ phù hợp để thu cá. Trong quá trình thu hoạch các thao tác phải nhanh và nhẹ nhàng tránh tình trạng cá bị sốc.