Thứ Hai, 6/03/2023, 11:00

Kỹ thuật sản xuất ếch giống

Nhiều năm qua, nghề nuôi ếch công nghiệp ở nước ta phát triển rất nhanh, vì vậy việc nhân giống ếch để đáp ứng nhu cầu của người nuôi là vô cùng cần thiết.

       

 1. Nuôi vỗ ếch bố mẹ

– Nơi nuôi vỗ:

+ Ao có độ sâu: 40 – 50cm.

+ Có nguồn nước sạch và hang trú ẩn, bờ có bóng mát. Thả bèo tây hoặc rau muống chiếm 1/2 diện tích mặt ao.

+ Vệ sinh, tẩy trùng ao trước khi đưa vào nuôi vỗ.

– Lựa chọn ếch bố mẹ: Nên chọn ếch tốt 2 – 3 tuổi từ ao ếch thịt để có thể thu được nhiều trứng, trứng to, nở con mập mạp.

– Mật độ nuôi vỗ: Nếu có điều kiện nên nuôi riêng ếch đực và ếch cái khoảng 1 tháng trước khi cho đẻ. Ếch đực 3 – 5 con/m2; ếch cái 3 – 4 con/m2. Trong thời gian cho đẻ, mật độ: 1 – 5 cặp/m2.

– Chế độ nuôi vỗ: Thức ăn công nghiệp có độ đạm 25% hoặc thức ăn tự chế (40% cá xay + 60% bột ngũ cốc). Lượng thức ăn cho ăn bằng 3 – 4% trọng lượng ếch trong ao.

            2. Cho ếch đẻ

Cho ếch đẻ tự nhiên trong ao. Đầu tháng 3 âm lịch, ếch cái phát dục có bụng phình to và mềm. 3 – 4 ngày sau khi có tiếng kêu thưa thớt của ếch đực, ếch cái sẵn sàng đẻ trứng. Nếu nuôi riêng đực – cái thì tối hôm đó, phải đưa ếch đực vào thả chung với ếch cái.

Ếch đẻ ban đêm, sáng sớm đi vớt trứng ngay bằng cách dùng đĩa hoặc chậu vớt nguyên cả màng trứng rồi đổ nhẹ vào chậu to, xô có chứa sẵn nước sạch. Tránh làm vỡ màng nhầy. Không để các mảng trứng chồng lên nhau dày đặc và vón cục, trứng sẽ ung.
            3.Kỹ thuật ấp trứng và nuôi nòng nọc

– Ương trong  ao:  Vớt ếch bố, mẹ sang ao khác. Để nguyên các ổ trứng trong ao, ương cho nở tự nhiên. Sau khoảng 24 giờ, trứng nở thành nòng nọc. Nòng nọc ăn phù du động vật trong ao; sau khi nở 3 – 4 ngày, cho nòng nọc ăn thêm 200 – 300g bột mỳ, bột gạo/1 vạn con/ngày hoặc dùng thức ăn viên độ đạm 40%. Mật độ ương khoảng 2.000 trứng/m2, tỷ lệ nở trung bình 50%. Sau 15 ngày có thể san thưa nòng nọc, đem nuôi ở ao, bể khác.

– Ương trong giai,  bể:  Dùng giai bằng lưới ny-lông kích cỡ 1 x 0,8 x 0,3m. Mật độ 1 – 2 vạn trứng/m2.

Ở nhiệt độ 22 – 26°C, trứng sẽ nở ra nòng nọc chỉ sau 22 giờ. Khi noãn hoàng tiêu hết, nòng nọc mới tự đi kiếm ăn. Mật độ ương 15.000 – 20.000 con/m2.

         4. Kỹ thuật nuôi nòng nọc lên ếch con

– Cho nòng nọc ăn: Sau khi nở 3 – 4 ngày, vớt phù du động vật từ ao về cho ăn hoặc cho ăn bằng lòng đỏ trứng. Cho nòng nọc ăn 2 bữa sáng, chiều với lượng 4 quả trứng/1 vạn nòng nọc; bóp nhuyễn, rắc đều quanh bể. Trung bình từ nòng nọc lên ếch giống đạt tỷ lệ sống 50%.

– San thưa: Sau 8 ngày nuôi ở bể, san thưa với mật độ 500 – 1.000 con/m2.

– Thức ăn bổ sung gồm: 20 – 30% đạm động vật trộn với 70 – 80% bột ngũ cốc. Khẩu phần ăn/ngày: 0,5 – 1 kg/1 vạn con. Tuỳ nhiệt độ, nòng nọc biến thái thành ếch con trong khoảng 21 – 25 ngày.

         6. Kỹ thuật nuôi ếch con lên ếch giống

– Từ ngày 8 – 14:  Mật độ nuôi 2.000 – 3.000 con/m2. Thức ăn: 30% tôm, tép, cá xay nhỏ trộn với 70% mì sợi, bún khô ngâm nước, cắt đoạn hoặc cơm nguội; ngày cho ăn 2 lần; khẩu phần ăn trong ngày bằng 8 – 10% trọng lượng ếch (khoảng 1kg thức ăn/1.000 con/ngày).

– Từ ngày 15 – 21: Mật độ 500 – 1.000 con/m2. Điều chỉnh thức ăn cho phù hợp.

– Từ ngày 22 – 30: Điều chỉnh thức ăn. Khi ếch rụng đuôi, cho ếch ăn thức ăn viên 40% đạm, lượng thức ăn 7 – 10% trọng lượng thân ếch

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia