Thứ Hai, 6/03/2023, 7:00

Gỡ điểm nghẽn để chuyển nuôi biển từ truyền thống sang công nghiệp

Nhiều điểm nghẽn nêu ra tại Hội thảo ‘Nghề nuôi biển, chuyển đổi từ truyền thống sang công nghiệp’ nói lên vì sao nghề nuôi biển nước ta chưa phát triển tương xứng tiềm năng…

Nuôi biển công nghệ cao bằng lồng HDPE tại Vịnh Vân Phong, Khánh Hòa.

Nuôi biển còn manh mún, nhỏ lẻ

Sáng 14/2, tại Bình Định, Bộ NN-PTNT, UBND tỉnh Bình Định cùng báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức Hội thảo “Nghề nuôi biển, chuyển đổi từ truyền thống sang công nghiệp” với sự tham dự của nhiều nhà khoa học, lãnh đạo và ngành chức năng các tỉnh trong khu vực Duyên hải Nam Trung bộ.

Theo ông Trần Công Khôi, Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản), Việt Nam có tổng diện tích tiềm năng nuôi biển là 500.000ha; trong đó, vùng bãi triều 153.300ha; vùng vũng vịnh, eo ngách và ven đảo là 79.790ha và vùng biển xa bờ là 100.000ha.

Tuy nhiên, tính đến năm 2022, diện tích nuôi biển cả nước mới chỉ đạt 85.000ha với 8,9 triệu m3 lồng, trong đó chưa tính 202.000ha nuôi xen ghép các đối tượng khác, sản lượng đạt 750.000 tấn. Theo con số thống kê chưa đầy đủ, tính đến cuối năm 2022 Việt Nam có khoảng 7.447 cơ sở nuôi biển với 248.768 lồng, bè. Trong đó, số cơ sở nuôi biển từ bờ đến 3 hải lý là 6.506 cơ sở với 244.402 lồng, bè gồm 3.795 cơ sở nuôi cá; 1.846 cơ sở nuôi tôm hùm và 865 cơ sở nuôi các loài thủy sản khác. Có 914 cơ sở nuôi cá biển xa từ 3 đến 6 hải lý với 4.299 lồng, bè. Nuôi cá ở vùng biển xa trên 6 hải lý chỉ có 27 cơ sở với 137 lồng bè, tập trung tại tỉnh Cà Mau.

Theo đánh giá của Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, 99,9% mô hình nuôi biển tại Việt Nam là nhỏ lẻ, manh mún với quy mô hộ gia đình; trong đó đa số có công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người nuôi, nguy cơ ô nhiễm môi trường. “Hệ lụy của nuôi biển tự phát, thiếu quy hoạch, cơ sở hạ tầng hạn chế, trình độ kỹ thuật sản xuất yếu dẫn tới sản xuất kém hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường, thiếu bền vững. Ngành nuôi biển cần sớm chuyển từ truyền thống sang nuôi công nghiệp để phát triền bền vững, tăng sức cạnh tranh”, ông Khôi nói.

Còn theo TS Võ Sĩ Tuấn, thành viên Hội đồng tư vấn khoa học và công nghệ Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, thì cho rằng thời gian qua nghề nuôi biển đã đem lại nguồn thu đáng kể cho ngư dân, nhưng với cách làm cũ hiệu quả đã đến ngưỡng “kịch trần”, không thể tăng được nữa, đã đến lúc cần phải chuyển đổi.

“Nuôi biển truyền thống nhỏ lẻ, manh mún, không theo quy hoạch; thêm vào đó nuôi bằng bè gỗ rủi ro rất cao và gây ô nhiễm môi trường. Ví như ở Phú Yên, chỉ trong 1 đêm ngư dân mất đứt 70 tỉ đồng do nguồn nước nuôi thiếu nguồn oxy, tôm hùm chết hàng loạt. Chính vì thế, giải pháp là phải thay đổi kỹ thuật, công nghệ nuôi”, ông Tuấn cho hay.

“Hiện nay Việt Nam đang có 55 cơ sở sản xuất giống cá biển, sản lượng đạt 550 triệu con/năm; 390 cơ sở sản xuất giống nhuyễn thể sản lượng đạt 45 tỷ con. Riêng giống tôm hùm hiện nay Việt Nam chưa chủ động, còn đang nghiên cứu công nghệ sản xuất giống, nên hàng năm phải nhập khoảng 5 triệu con giống. Đa phần giống phục vụ nuôi biển đã chủ động sản xuất, song do hiệu quả chưa cao nên nhiều đối tượng vẫn khai thác nguồn giống tự nhiên như loài nhuyễn thể, tôm hùm và một số loài cá biển”, ông Trần Công Khôi, Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản, thông tin.

Còn đó những điểm nghẽn

PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam nêu một loạt những điểm nghẽn khiến nghề nuôi biển ở nước ta chưa phát triển xứng với tiềm năng. Trước tiên, nuôi biển hiện nay thiếu quy hoạch trầm trọng; thủ tục giao khu vực biển cho tổ chức, cá nhân còn vướng mắc; thiếu tiêu chuẩn và quy chuẩn Việt Nam về nuôi biển; chưa có thủ tục đăng kiểm cơ sở và phương tiện nuôi biển; chưa có bảo hiểm cho cơ sở nuôi biển; thiếu nguồn nhân lực được đào tạo về nuôi biển; chưa có chính sách hỗ trợ phát triển nuôi biển; thiếu nguồn tín dụng để đầu tư nuôi biển công nghiệp…

Chuyển từ truyền thống sang công nghiệp để phát triển nghề nuôi biển bền vững.

“Muốn tháo gỡ những điểm nghẽn kể trên, Chính phủ cần bổ sung Nghị định 11/2021/NĐ-CP và Nghị định 67/2014/NĐ-CP; xây dựng tiêu chuẩn và quy chuẩn về nuôi biển; xây dựng tiêu chuẩn riêng cho nuôi cá biển, tôm hùm, nhuyễn thể, rong biển; xây dựng quy chuẩn vật liệu sử dụng cho nuôi biển, quy chuẩn bảo đảm an toàn hoạt động nuôi biển và quy chuẩn bảo đảm an toàn môi trường và hệ sinh thái. Đặc biệt là ban hành quy hoạch phát triển nuôi biển bền vững phạm vi quốc gia và từng tỉnh; ban hành cơ chế phối hợp quản lý liên ngành kinh tế biển, đồng thời xây dựng các mô hình nuôi biển công nghiệp tại mỗi địa phương”, PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng nói.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, trong 50.000 cơ sở nuôi biển hiện nay ở Việt Nam có đến 99,9% có quy gia đình do hộ ngư dân làm chủ thể nuôi theo kiểu tự phát. Do thiếu quy hoạch, cơ sở hạ tầng hạn chế, trình độ kỹ thuật chưa cao nên sản xuất kém hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường, thiếu bền vững. Sản xuất con giống còn hạn chế; một số công nghệ chưa chủ động được. Điều kiện tự nhiên thì khắc nghiệt, bão gió thường xuyên uy hiếp, trong khi công nghệ lồng nuôi chưa đáp ứng. Lao động tham gia nuôi biển thiếu cả về con người lẫn trình độ kỹ thuật, thiếu kinh nghiệm trong vận hành và hạn chế về ý thức bảo vệ môi trường.

Theo ông Trần Công Khôi, trong năm 2023, ngành chức năng sẽ xây dựng cơ chế liên kết giữa nuôi biển với hoạt động các ngành kinh tế khác, để tận dụng hệ thống cơ sở hạ tầng và hỗ trợ các hoạt động sản xuất trên biển; khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động cùng lúc nhiều lĩnh vực trên biển như nuôi biển kết hợp du lịch. Ưu tiên phát triển nhóm đối tượng có tiềm năng như cá biển, nhuyễn thể, tôm hùm tại các vùng có lợi thế về điều kiện tự nhiên thành một lĩnh vực sản xuất hàng hóa; áp dụng khoa học, công nghệ tiên tiến để tạo ra sản phẩm có chất lượng, gia tăng giá trị, đáp ứng với nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế. Xã hội hóa công tác nghiên cứu về thức ăn phục vụ nuôi biển, tổ chức đào tạo, phát triển đội ngũ cán bộ chuyên nghiên cứu về dinh dưỡng, thức ăn. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến tầm quan trọng phát triển công nghiệp nuôi biển và xây dựng các chương trình đào tạo nghề nuôi biển.

Theo ông Trần Đình Luân, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản, trước nay Việt Nam chỉ chú trọng khai thác, nuôi triển chưa phát triển được như mong muốn. Chủ trương của Bộ NN-PTNT là trong thời gian tới đây, ngành thủy sản sẽ giảm khai thác và tăng nuôi trồng để đảm bảo sản lượng. Về nuôi biển thì chuyển từ truyền thống sang công nghiệp để phát triển bền vững. Đặc biệt là phải chọn ra đối tượng để nuôi cho đạt hiệu quả, tổ chức lại từ sản xuất con giống đến vùng nuôi thương phẩm để đáp ứng truy xuất nguồn gốc phục vụ xuất khẩu.

“Tới đây, Bộ NN-PTNT và Bộ TN-MT sẽ đề xuất sửa Nghị định 11 và trình Chính phủ phê duyệt Nghị định 67 để có cơ chế, chính sách cho nghề nuôi biển. Lãnh đạo Bộ NN-PTNT và lãnh đạo Bộ TN-MT cũng sẽ sớm ngồi lại để hoàn thiện về không gian biển nhằm gỡ vướng cho việc phát triển nuôi biển. Về tiêu chuẩn, quy chuẩn nuôi biển chúng tôi cũng sẽ sớm xây dựng để các cơ sở nuôi biển được bảo hiểm. Về đào tạo nguồn nhân lực nghề nuôi biển, chúng tôi sẽ phối hợp với ngành khuyến nông đẩy mạnh công tác này. Trong thời gian tới đây, diện tích mặt nước từ bờ đến 3 hải lý, trong thẩm quyền, chính quyền cấp huyện, thành phố chủ động quy định chừng này diện tích thì giao cho bao nhiêu hộ, nuôi bao nhiêu lồng với mật độ cụ thể và thành lập HTX Thủy sản để quản lý chung…”, ông Trần Đình Luân, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản, chia sẻ.

Nguồn: nongnghiep.vn