Thứ Tư, 8/02/2023, 8:54

Kỹ thuật quan sát bệnh lý ở tôm

Quan sát để phát hiện bệnh ở tôm là một việc rất khó, trù khi có hiện tượng tôm chết hàng loạt. Dấu hiệu bệnh lý thường xuất hiện ở một số ít cá thể trong ao nuôi.

Sức khỏe tôm nuôi

Động vật thủy sản nói chúng và tôm nói riêng có môi trường sống và sinh trưởng đều trong môi trường nước, cũng như việc sử dụng thức ăn hay vấn đề tôm chết đều diễn ra trong thủy vực, mà môi trường này khá phức tạp và nhiều biến động.

Bên cạnh đó, số lượng các bệnh tìm thấy trên tôm cũng thay đổi, một số bệnh đặc trưng của vật chủ thấp hoặc không biết, và nhiều bệnh lại có triệu chứng không đặc trưng như động vật trên cạn.

Do đó, yếu tố môi trường nước là một trong những yếu tố tác động đến sức khỏe của động vật thủy sản. Cụ thể, không chỉ các yếu tố pH, oxy, nhiệt độ, độc chất, chất thải, … mà còn cách thức về việc quản lý như đánh bắt, xử lý thuốc, các quy trình vận chuyển.

Theo Snieszko (1974), ở các điều kiện nuôi trồng thủy sản bệnh xuất hiện khi có sự mất cân đối về môi trường, mầm bệnh và vật chủ. Điều đó, có nghĩa là phải có những bước phòng vệ đầu tiên, theo dõi càng đều đặn càng tốt và hành động thích hợp để khi thấy sớm những dấu hiệu đầu tiên về tập tính, tổn thương hoặc dấu hiệu chết.

Tuy nhiên, một số người nuôi vẫn còn do dự khi thấy những dấu hiệu đầu tiên các vấn đề về sức khỏe động vật thủy sản, họ không có những giải pháp kịp thời. Mặt khác, họ không nhận định sớm được những thay đổi về yếu tố môi trường cũng như sức khỏe vật nuôi.

Bệnh là kết quả của sự mất cân đối giữa môi trường (Environment), vật chủ (Host shrimp) và tác nhân gây bệnh (Pathogen) (Snieszko, 1974) Nguồn: Timothy W. Flegel, 2019

Do đó, cần có những quan sát chung về sức khỏe tôm tại ao nuôi và được theo dõi hằng ngày, bên cạnh những chẩn đoán chuyên sâu về bệnh.

Các chỉ tiêu môi trường

Điều kiện môi trường có tác động đáng kể đến sức khỏe của tôm một cách trực tiếp và gián tiếp. Ví dụ như những thay đổi về hàm lượng oxy hòa tan, độ pH sẽ thúc đẩy biểu hiện bệnh đầu vàng, bệnh đốm trắng hay ảnh hưởng của độ mặn sẽ dễ gây xuất hiện bệnh hoại tử khối gan tụy. Nhiệt độ nước, độ mặn, độ đục, chất lơ lửng và sự nở hoa của tảo đều là những yếu tố quan trọng.

Sự thay đổi đột ngột các yếu tố môi trường sẽ làm bột phát ra những mầm bệnh đang tiềm ẩn hơn là những thay đổi từ từ. Do đó, cần phải duy trì điều kiện ao nuôi ở phạm vi thích hợp cho loài và càng ổn định ở phạm vi này càng tốt.

Quan sát chung

Tập tính

+ Tổng quát: tập tính bất thường của tôm được xem là dấu hiệu đầu tiên khi tôm bị sốc hay bị bệnh, đó là những thay đổi nhỏ trong tập tính ăn, hoạt động bơi hoặc tôm tập trung thành từng cụm bất thường. Thậm chí xuất hiện địch hại như các loài chim ăn tôm tập trung quanh ao. Do vậy cần quan sát một số biểu hiện của đàn tôm nuôi gồm: (i) Hoạt động bất thường trong ngày, vì tôm có khuynh hướng hoạt động nhiều về đêm và tụ ở những phần nước sâu hơn vào ban ngày. (ii) Bơi ở hoặc gần mặt ao hay bờ ao thường ở trạng thái bơi lờ đờ (tôm bơi gần mặt nước sẽ thu hút các loài chim ăn mồi sống). (iii) Tăng tiêu thụ thức ăn và ngay sau đó biếng ăn. (iv) Giảm hoặc ngừng ăn. (v) Tỷ lệ chuyển đổi thức ăn, tỷ lệ chiều dài/ trọng lượng không bình thường. (vi) Sức khỏe suy giảm, trạng thái bơi lờ đờ.

+ Tỷ lệ chết: (i) Tỷ lệ chết tương đối giống nhau trong suốt vụ nuôi cần được kiểm tra ngay lập tức và xác định các yếu tố môi trường. (ii) Chết ngẫu nhiên hay chết lác đác cho thấy có vấn đề trong hệ thống nuôi hoặc đàn tôm nuôi. (iii) Hiện tượng chết tràn lan cần phải tìm ra nguyên nhân lây nhiễm.

+ Hoạt tính ăn: Hiện tượng bỏ ăn và không có thức ăn trong ruột là dấu hiệu chỉ thị rõ các bệnh lý còn tiềm ẩn. Việc kiểm tra thức ăn trong ruột được thực hiện hàng ngày. Đồng thời kiểm tra tăng trưởng của tôm khoảng 1-2 tuần/lần. Nếu thấy ruột rỗng nhất là vừa sau khi cho ăn chứng tỏ thức ăn không đủ hoặc tôm bắt đầu ngừng ăn.

Quan sát bề mặt

+ Sinh vật bám và hiện tượng ăn mòn: hiện tượng sinh vật bám trên vỏ hoặc mang tôm điều này do các yếu tố môi trường không đạt yêu cầu hoặc có vấn đề về bệnh. Sự mất dần lớp vỏ ngoài, của lớp cutium hoặc các phần phụ (chân, đuôi, râu, chủy) hoặc mất hẳng các phần phụ, có hoặc không bị hóa đen (melanin hóa) cũng là dấu hiệu bệnh. Hiện tượng đứt râu là một dấu hiệu cảnh báo sớm. Ở tôm he khỏe râu có thể mọc dài hơn 1/3 chiều dài cơ thể. Hơn nữa, chứng ăn mòn và phồng đuôi (chân đuôi và gai đuôi) bị hoặc không bị hóa đen, cũng là một dấu hiệu ban đầu của bệnh.

+ Mềm vỏ, đốm và tổn thương vỏ: hiện tượng mềm vỏ khác với quá trình lột xác, cũng xác nhận sự xuất hiện của bệnh. Xuất hiện đốm trắng trên bề mặt vỏ có thể do virus hoặc vi khuẩn.

+ Màu sắc: Màu sắc của tôm là một chỉ thị khác phản ánh rõ tình trạng sức khỏe của tôm. Nhiều loài giáp xác có màu đỏ khi nhiễm vi sinh vật hoặc bị nhiễm độc, nhất là khi khối gan tụy bị nhiễm bệnh. Hiện tượng này do giải phóng các sắc tố vàng – cam (carotenoid) thường được chứa trong khối gan tụy. Thông thường phần đầu ngực có màu vàng là do nhiễm bệnh đầu vàng hay đốm trắng do virus đốm trắng hoặc do vi khuẩn. Một số trường hợp có sự biến màu trên các phần cuối đuôi như đuôi bơi và các phần phụ.

Các bề mặt mô mềm

Dấu hiệu bệnh trên bề mặt mô mềm là hiện tượng vật bám ở vùng mang. Ảnh: laitimes.com

Sự thay đổi dễ nhận thấy ở các mô mềm là hiện tượng vật bám ở vùng mang, đôi khi kèm theo hiện tượng màu nâu. Khối gan tụy có khuynh hướng biến màu (hơi vàng, tái đỏ) sưng hoặc teo. Quan sát phần ruột giữa của tôm thông qua màu sắc, màu sẫm có thức ăn; màu sáng, trắng, vàng dạng nhày, rỗng hoặc không có thức ăn.

Các yếu tố nêu trên cần được người nuôi quan sát một cách chi tiết và có hệ thống, thông qua việc theo dõi hàng ngày, ghi chép hồ sơ và được lưu trữ. Những thông tin này sẽ là những thông số hữu ích cho các mùa vụ tiếp theo.

Tuy nhiên, việc này cũng đã gây ra nhiều khó khăn cho người nuôi vì phần lớn người nuôi thường không có nhiều chuyên môn về bệnh và hoạt động nuôi trồng thủy sản phần lớn dựa vào kinh nghiệm hoặc những trang thiết bị phục vụ cho quá trình quản lý sức khỏe tôm nuôi còn hạn chế.

Hồng Huyền
Tép Bạc