Ngoài diện tích nuôi tôm nước lợ, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, nông dân còn phát triển nuôi một số loài thủy sản khác, trong đó có cua biển. Lý do người dân chọn con cua biển để nuôi là do nhẹ công chăm sóc, dễ nuôi… Tuy nhiên, nếu kỹ thuật nuôi không tốt thì tỷ lệ hao hụt đến khi thu hoạch là rất lớn. Do đó, để phát triển nuôi cua biển bền vững, Trạm Khuyến nông thị xã Vĩnh Châu đã hỗ trợ hộ ông Du Quốc Bảo, xã Vĩnh Tân, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) thí điểm mô hình “Nuôi cua biển thương phẩm trong hộp nhựa kết hợp nuôi cá rô phi”. Mô hình này bước đầu đem lại nguồn thu nhập tốt cho người nuôi.
Ông Quốc Bảo chia sẻ: “Tôi nuôi cua biển đến nay đã 3 năm, tận dụng ao nuôi tôm sẵn có của gia đình, sau mỗi đợt thu hoạch tôm xong sẽ thả nuôi cua. Lúc đầu nuôi cua chủ yếu để dùng làm thực phẩm cho gia đình, nhưng khi thấy hiệu quả kinh tế con cua biển đem về lớn, tôi chuyển sang nuôi cua thương phẩm cung cấp trên thị trường. Tôi có tổng số 7 ao nuôi tôm, trong đó dành ra 2 ao (0,4ha) để nuôi cua, mặc dù con cua biển nuôi nhẹ công chăm sóc nhưng tỷ lệ cua hao hụt nhiều khi thả cua trực tiếp vào các ao nuôi tôm theo cách truyền thống. Chính vì vậy khi được Trạm Khuyến nông thị xã Vĩnh Châu hỗ trợ kỹ thuật cũng như hỗ trợ trang thiết bị, tôi mạnh dạn thực hiện mô hình nuôi cua trong hộp nhựa”.
Theo ông Bảo, quy trình nuôi cua cũng giống như một số loài thủy sản khác, trước khi thả giống phải cải tạo ao nuôi bằng cách sên sạch bùn đáy ao, bón vôi và lấy nước vào ao nuôi. Trước khi thả giống cua phải kiểm tra các yếu tố trong ao đạt tiêu chuẩn về độ pH, độ mặn, độ kiềm, nhiệt độ và độ trong của nước theo khuyến cáo của ngành chuyên môn. Hộp dùng nuôi cua có hình chữ nhật làm bằng nhựa PP, có kích thước dài 27cm, rộng 20cm, cao 40cm. Với các hộp nuôi cua như trên, để thả cua vào hộp cố định trên mặt nước, thì toàn bộ số hộp sẽ ghép 5 giàn hộp thành một bè, khoảng cách giữa 2 bè là 2 – 3 mét. Các bè nuôi được cố định chắc chắn bằng cọc tre và dây neo, tạo thành một hệ thống các bè nuôi. Số hộp sẽ được bố trí là 2.000 hộp cho ao 1.000m2.
Tất cả ao nuôi và hộp nhựa chuẩn bị nuôi cua đã sẵn sàng, thì triển khai thả giống cua vào ao nuôi, mật độ thả 4 con/m2. Sau 2 tháng nuôi, cua đạt trọng lượng 50 – 70 gram, thì chuyển dần cua lên nuôi trong hộp nhựa. Cần phải thường xuyên vệ sinh sạch sẽ hộp nuôi cua và kiểm tra yếu tố môi trường nằm trong điều kiện cho phép và ổn định. Khoảng 10 – 15 ngày thay nước ao một lần. Đồng thời, để cua lên gạch tốt thì khẩu phần thức ăn của cua gạch hàng ngày lớn hơn 20% trọng lượng cua, mỗi ngày cho cua ăn 2 – 3 lần vào sáng sớm, chiều mát và lúc đêm.
Bên cạnh đó, phần diện tích còn lại trong ao nuôi cua, ông Bảo thả nuôi cá rô phi, số cá này dùng làm thức ăn bổ sung dinh dưỡng cho cua nuôi trong hộp. Nhờ tự tạo nguồn thức ăn tại chỗ, góp phần tiết kiệm chi phí nuôi cua, đặc biệt là khi mô hình nuôi cua tách biệt cá, tỷ lệ của cua đạt cao. Sau thời gian nuôi cua khoảng 3,5 – 4 tháng là có thể thu hoạch được, lúc này trọng lượng cua đạt 250 – 400 gram, trong đó lượng cua gạch đạt 70%. Số lượng cua thu về trong mô hình khoảng 720kg, giá bán cua dao động 220.000 – 250.000 đồng/kg, trừ chi phí lợi nhuận hơn 37 triệu đồng/0,4ha/4 tháng nuôi cua.
Đồng chí Liễu Nghĩa Tín – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Sóc Trăng đánh giá, mô hình nuôi cua biển thương phẩm trong hộp nhựa kết hợp nuôi cá rô phi là mô hình dễ chăm sóc và quản lý; giảm rủi ro dịch bệnh trên cua. Tỷ lệ sống của cua khi đưa vào hộp sẽ cao hơn so với nuôi dưới ao truyền thống; chất lượng thịt và gạch cua tốt hơn phương pháp nuôi truyền thống nên sản lượng và giá bán cũng cao hơn. Đặc biệt khi áp dụng mô hình nêu trên, cua có thể nuôi được quanh năm và chủ động được đầu ra cung cấp cho thị trường. Do vậy, đơn vị sẽ tuyên truyền đến các địa phương về mô hình, để nhân rộng trong thời gian tới.
THÚY LIỄU
Báo Sóc Trăng