Thứ Bảy, 28/08/2021, 8:32

Góp phần phát triển sản xuất bền vững của Cà Mau bằng kỹ thuật hạt nhân

Sau kế hoạch hợp tác với Mộ Đức (Quảng Ngãi), năm 2020, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam sẽ mở rộng hợp tác với Cà Mau để có thể tiếp tục đưa các kỹ thuật hạt nhân và công nghệ bức xạ vào góp phần giải quyết những vấn đề của địa phương.

Một hộ nuôi tôm ở Cà Mau. Nguồn: Danviet.vn
Một hộ nuôi tôm ở Cà Mau. Nguồn: Danviet.vn

Chương trình hợp tác mới giữa Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (VLNTVN) và UBND tỉnh Cà Mau bắt đầu khá thuận lợi bằng chuyến thực địa của đoàn công tác của Viện tại các cơ sở nuôi tôm tại địa phương, trong đó có hợp tác xã Tổng hợp Nam Bộ – một cuộc khảo sát quan trọng để chúng tôi có thể nắm bắt được những thông tin cần thiết về vấn đề thực tế của các cơ sở nuôi tôm của Cà Mau và những mong muốn của họ. Việc tìm hiểu thông tin này sẽ gợi ý cho Viện những giải pháp cần thiết mà Viện có thể đáp ứng bằng việc sử dụng những kỹ thuật hạt nhân và sản phẩm của công nghệ bức xạ đang sẵn có.

Theo quy hoạch của Chính phủ, Cà Mau là khu vực nuôi tôm quy mô rộng lớn của cả nước với diện tích hơn 300 nghìn héc ta. Ít có nơi nào trong vùng đất Nam Bộ lại phù hợp cho phát triển nuôi tôm như nơi này khi có đủ lợi thế về con nước lợ, vùng rừng ngập nước U Minh và kinh nghiệm nuôi tôm tích lũy từ nhiều năm nay. Dường như tất cả đã sẵn sàng cho Cà Mau một bệ phóng tốt để phát triển nghề nuôi tôm cũng như các mặt hàng thủy sản khác.

Tuy nhiên, những khó khăn mà Cà Mau phải đương đầu lại đang cản trở quá trình phát triển bền vững của nghề nuôi tôm. Trước hết, sau nhiều năm phát triển, cơ sở hạ tầng của cả khu vực còn yếu, trong đó kết cấu đường giao thông chưa thuận lợi, hệ thống cấp nước ngọt cho khu vực và dân cư còn chưa phát triển, hệ thống chế biến thủy hải sản vẫn chưa phát triển mạnh… Không chỉ có vậy, bản thân những người dân nuôi tôm cũng phải đối diện với khó khăn khác, đó là nguồn vốn đầu tư để có thể mở rộng diện tích nuôi hoặc áp dụng những kỹ thuật nuôi và chăm sóc mới. Dẫu vậy, ngay cả trường hợp có thể vay vốn thì họ cũng khó có thể thực hiện được điều mình muốn, đó là chưa tiếp cận được với những kỹ thuật tiên tiến ở quy mô hộ gia đình bởi những kỹ thuật mà nhiều nơi cung cấp lại chỉ phù hợp với những cơ sở nuôi có quy mô lớn và nguồn vốn lớn.

Một vấn đề khác tác động đến sản xuất bền vững ở Cà Mau là hiện trạng thiếu nước ngọt. Để giải quyết thiếu hụt này, người dân thường khai thác nước bằng khoan giếng một cách tự phát. Việc khai thác nước ngầm không qua quy hoạch có nguy cơ làm ô nhiễm nguồn nước ngầm, hoặc nước ngầm bị nhiễm mặn… và về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến trữ lượng của các túi nước ngầm của khu vực Nam Bộ, cạn kiệt nguồn nước, thậm chí dẫn đến sụt lún vùng đất, dẫn đến vùng đất có thể bị chìm xuống nhanh hơn cùng với biến đổi khí hậu. Năm 2020 là năm hạn mặn nặng tại khu vực Nam Bộ, do đó việc sản xuất kinh doanh, đời sống của người dân cũng gặp nhiều khó khăn hơn so với các năm khác.

Trên cơ sở ghi nhận những vấn đề mà các hộ nuôi tôm ở Cà Mau gặp phải, chúng tôi đã mường tượng ra những gì mà Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam có thể thực hiện trên vùng đất Nam Bộ này để hỗ trợ những hộ gia đình nuôi tôm có được quy trình nuôi trồng và sản xuất bền vững hơn, ví dụ như ứng dụng công nghệ đất hiếm trong nông nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản, ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong quản lý nước ngầm, truy xuất nguồn gốc và ứng dụng của chiếu xạ phục vụ hoạt động xuất khẩu. Việc ứng dụng những kỹ thuật hạt nhân này trong xử lý ô nhiễm môi trường nước, đất có thể giúp họ giải quyết được rất nhiều vấn đề như tận dụng được nguồn phụ phẩm từ chính các hoạt động nuôi trồng, chế biến hải sản, tránh được sự ô nhiễm ngược vào môi trường, hạn chế sử dụng tràn lan phân bón vô cơ, nâng cao chất lượng sản phẩm làm ra…, và cuối cùng là đem lại nguồn thu nhập ổn định cho họ. Đây là cách thức mà Viện Năng lượng nguyên tử đã áp dụng với Mộ Đức (Quảng Ngãi) trong kế hoạch hợp tác năm 2019, tuy nhiên bài toán của Mộ Đức có một số điểm khác biệt với Cà Mau nên không thể bê nguyên mô hình đó để áp dụng cho Cà Mau.

Do đó, trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Cà Mau và các sở, ban ngành địa phương sau đó, đoàn cán bộ Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam để bàn bạc cụ thể các vấn đề để hai bên có thể hợp tác giải quyết. Chủ trì buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho rằng, các kỹ thuật mà Viện giới thiệu có thể áp dụng, triển khai trong phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn, cụ thể là việc ứng dụng các sản phẩm vi lượng đất hiếm trong nông nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản; ứng dụng nghiên cứu đồng vị để khảo sát, đánh giá và quản lý nguồn nước ngầm, ứng dụng tỷ số đồng vị để truy xuất nguồn gốc sản phẩm và ứng dụng của công nghệ chiếu xạ trong xuất khẩu hàng hóa thủy hải sản. Để có thể áp dụng và triển khai thực hiện, UBND tỉnh Cà Mau sẽ ra biên bản về cuộc họp để đốc thúc triển khai các nhiệm vụ hợp tác giữa Viện NLNTVN và Cà Mau.

Trong kế hoạch triển khai này, Viện NLNTVN và VINAGAMMA (đơn vị trực thuộc) sẽ cùng nghiên cứu để đưa ra mô hình nuôi tôm quy mô nhỏ, và hỗ trợ (tài chính) triển khai hai mô hình nuôi tôm với mục tiêu giúp hộ gia đình tại tỉnh có thể tiếp cận và triển khai ngay tại điểm nuôi tôm của gia đình. Điểm sáng của mô hình này chính là một chuỗi các công nghệ khép kín liên hoàn có hệ thống lọc nước nhằm tránh ô nhiễm nguồn nước nuôi tôm và ngăn ngừa khả năng gây bệnh, đi kèm với việc cung cấp thức ăn nuôi tôm có bổ sung vi lượng đất hiếm/hoặc sản phẩm Oligo Chitosan… để tăng khả năng kháng bệnh, kích thích con tôm phát triển nhưng vẫn đảm bảo các yêu cầu về tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Sau khi mô hình được triển khai thành công ở cấp hộ gia đình, tỉnh và các doanh nghiệp Cà Mau sẽ nhân rộng mô hình trên địa bàn. Về thủy văn đồng vị và nghiên cứu nước ngầm, Trung tâm Hạt nhân TP. Hồ Chí Minh (Viện NLNTVN) sẽ phối hợp với tỉnh để cùng nghiên cứu, đánh giá, và đưa ra các biện pháp bảo vệ nguồn nước ngầm, phát triển bền vững. Hai bên cũng sẽ thúc đẩy hợp tác để xây dựng cơ sở dữ liệu và đưa kỹ thuật hạt nhân vào truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm đặc thù của Cà Mau.

Tỉnh Cà Mau tỏ ra quan tâm đặc biệt đến việc ứng dụng các kỹ thuật hạt nhân và đồng vị trong xây dựng đặc trưng kỹ thuật nhằm phân biệt các sản phẩm nông nghiệp là thương hiệu của tỉnh như mật ong rừng U Minh, tôm/cua/hải sản Cà Mau cũng như các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ mà tỉnh đang phát triển. Trước mắt, hai bên đã có những bước đầu thảo luận về xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về đồng vị Carbon trong mật ong rừng U Minh nhằm vừa đảm bảo về độ nguyên chất/chất lượng của mật ong vừa chỉ ra/phân biệt được các đặc trưng của mật ong khai thác ở đây so với các địa phương khác trong cả nước và quốc tế. Bên cạnh đó, tỉnh cũng mong muốn Viện NLNTVN giúp đỡ nâng cao năng lực kiểm nghiệm chất lượng nông thủy hải sản của tỉnh.

Mặc dù chỉ hai ngày ở Cà Mau, chuyến công tác đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc về miền đất Nam Bộ, sự thấu hiểu về cuộc sống và lao động sản xuất của người dân, về sự hiếu khách của tỉnh và đã đạt được kết quả tốt cho triển khai hợp tác giữa Viện NLNTVN và tỉnh Cà Mau, góp phần đưa ứng dụng kỹ thuật hạt nhân, kỹ thuật đồng vị, công nghệ bức xạ vào cuộc sống.

TS. Trần Chí Thành
Nguồn: Danviet.vn