Thứ Ba, 28/02/2023, 8:54

Flavobacterium columnare: Tác nhân gây bệnh trên cá rô phi

(Aquaculture.vn) – Nghiên cứu phân lập và một số đặc điểm bệnh học của Flavobacterium columnare gây bệnh trên cá rô phi (Oreochromis spp.) tại miền Bắc, Việt Nam được thực hiện bởi Nhóm Nghiên cứu Mạnh (Khoa Thủy sản, Học viện Nông nghiệp Việt Nam). Kết quả cho thấy, F. columnare là tác nhân gây chết cá rô phi nuôi ở 21 trại nuôi tại Hòa Bình, Hà Nam và Hải Dương với các triệu chứng trắng da, bạc mang trên cá nhiễm bệnh.

Hình 1: Cá rô phi nghi nhiễm bệnh có những triệu chứng mòn vây, xuất hiện các đốm bạc màu trên da, cơ thể nhợt nhạt, tia mang xơ, bạc trắng hoặc xám vàng từng phần hoặc toàn bộ lá mang, tăng tiết nhớt

Kết quả tổng hợp thông tin dịch tễ từ các đợt xuất hiện bệnh cho thấy, bệnh trắng da, bạc mang trên cá rô phi do nhiễm F. columnare thường gặp ở kích cỡ cá dưới 300g, phổ biến nhất ở giai đoạn dưới 100g ở cả 3 hệ thống nuôi. Các đợt bùng phát bệnh xuất hiện ở hầu hết các tháng trong năm, nhưng tập trung vào khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 3 năm sau, đặc biệt vào các giai đoạn giao mùa, tháng 9-10 và tháng 3-4 đối với các hệ thống nuôi ao và nuôi lồng trên sông. Ở giai đoạn nuôi thương phẩm, cá rô phi nhiễm F. columnare thường chết rải rác, với tỷ lệ chết cao hơn ở giai đoạn nhỏ (dưới 100g), khi đạt kích cỡ cao hơn, tỷ lệ chết giảm. Đặc biệt, các đợt bùng phát bệnh ở hệ thống nuôi lồng trên sông và hồ chứa thường gây ra tỷ lệ chết cao hơn (20-35%) so với khi nuôi trong ao (5-15%).

Cá nghi nhiễm bệnh xuất hiện các triệu chứng lâm sàng đặc trưng như mòn vây, xuất hiện các đốm bạc màu trên da, cơ thể nhợt nhạt, tia mang xơ, bạc trắng hoặc xám vàng từng phần hoặc toàn bộ lá mang, tăng tiết nhớt (hình 1). Tuy cá nhiễm bệnh thể hiện triệu chứng lâm sàng rõ ràng nhưng bệnh tích đại thể không đặc trưng. Những đặc điểm lâm sàng quan sát được trên cá nhiễm F. columnare trong nghiên cứu này tương tự với các công bố trước đây trên cá rô phi.

Bệnh do vi khuẩn F. columnare thường bắt đầu từ các lây nhiễm bên ngoài trên da, vây, mang và phát triển thành các khối loét sâu dưới cơ. Vi khuẩn F. columnare được cho là sử dụng nhớt cá làm nguồn dinh dưỡng. Trong quá trình phát triển và nhân lên sau khi nhiễm vào ký chủ, vi khuẩn tiết ra nhiều sản phẩm ngoại bào trong đó có enzym protease ngoại bào, là yếu tố độc lực quan  trọng gây ra các tổn thương và hoại tử trên mang và mô biểu bì của cá nhiễm bệnh. Ngoài ra, các vùng tổn thương, hoại tử ban đầu trên da, mang cũng thường dẫn đến các lây nhiễm thứ cấp, bội nhiễm nấm hoặc các nhóm vi khuẩn gây bệnh khác, dẫn đến các tổn thương nặng hơn, gây loét da, hoặc sâu vào các lớp cơ.

Khi mang và da bị tổn thương sâu, vi khuẩn dễ xâm nhập vào máu cá gây nhiễm trùng huyết và đi vào các hệ cơ quan nội tạng. Đây cũng là nguyên nhân có sự xuất hiện của vi khuẩn từ nội quan của cá nhiễm bệnh giai đoạn nặng trong nghiên cứu. Vi khuẩn F. columnare có thể gây nhiễm từ cấp tính đến mạn tính với mức độ độc lực phụ thuộc vào từng chủng vi khuẩn. Ngoài ra, giai đoạn độ tuổi của cá nhiễm bệnh cũng là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến mức độ nghiêm trọng của các tổn thương và dấu hiệu bệnh. Cá giai đoạn nhỏ bệnh thường phát triển ở dạng cấp tính và gây tổn thương rất nặng ở mang, cản trở hô hấp, hạn chế khả năng thu nhận ôxy trong nước, gây chết nhanh, chết cấp tính. Cá giai đoạn trưởng thành có thể nhiễm ở dạng cấp tính, bán cấp tính hoặc mạn tính. Cá nhiễm bệnh ở thể mạn tính thường xuất hiện các vùng hoại tử nghiêm trọng màu vàng xám trên mang. Đây có thể là nguyên nhân gây ra hiện tượng cá giai đoạn nhỏ hơn thường có tỷ lệ chết cao hơn so với giai đoạn lớn ghi nhận được ở các hệ thống nuôi. Tuy nhiên, ở các đợt bùng phát bệnh xảy ra trong nghiên cứu này, cá đều chết rải rác với tỷ lệ chết tích lũy cao nhất ở mức 35%, không quan sát được hiện tượng cá chết cấp tính, chết hàng loạt trong thời gian ngắn. Điều này có thể do kích cỡ cá ở các hộ/trại nuôi đã đủ lớn (trung bình trên 38,4g), không gây ra các lây nhiễm ở dạng cấp tính như ở giai đoạn cá bột, cá hương.

Ngoài ra, điều kiện môi trường nuôi cũng ảnh hưởng lớn đến bùng phát bệnh do F. columnare. Trong số các yếu tố này, hàm lượng chất hữu cơ và các hợp chất chứa nitơ tăng lên, làm tăng stress lên cá nuôi, tăng tiết nhớt, thúc đẩy phát triển của vi khuẩn. Ngoài ra, các hệ thống nuôi thâm canh cũng có đầy đủ các điều kiện tốt để tăng sinh các loại ký sinh trùng và vi khuẩn gây bệnh khác, tăng đồng nhiễm các tác nhân gây bệnh. Đây là nguyên nhân dẫn đến cá thường chết nhiều vào các thời điểm nhiệt độ mát, đặc biệt là các thời điểm giao mùa khi tăng lượng mưa, tăng chất hữu cơ trong hệ thống nuôi. Khi xảy ra dịch bệnh, đối với các hệ thống nuôi trong ao khép kín, các loại tác nhân gây bệnh cơ hội bao gồm ký sinh trùng và vi khuẩn gây bệnh dễ dàng bị tiêu diệt khi sử dụng các loại thuốc sát trùng và kháng sinh điều trị, do đó giảm thiểu tỷ lệ chết. Trong khi đó, các hệ thống nuôi lồng rất khó khử trùng, tiêu diệt tác nhân gây bệnh thứ cấp do nuôi trong hệ thống mở, do vậy khi bùng phát bệnh thường có tỷ lệ chết cao hơn.

Nghiên cứu đã phân lập và định danh thành công tác nhân gây bệnh bằng phương pháp sinh hóa và giám định bằng sinh học phân tử. Trong điều kiện nuôi cấy, vi khuẩn F. columnare phân lập được từ cá rô phi nhiễm bệnh phát triển tốt ở nhiệt độ mát (25-28°C), pH trung tính đến kiềm nhẹ (7-8) và độ mặn dưới 5‰. Kết quả nghiên cứu cung cấp thông tin ban đầu về bệnh F. columnare trên cá rô phi và là cơ sở trong việc xây dựng chiến lược phòng và điều trị bệnh, giảm thiểu thiệt hại do bệnh gây ra trong thời gian tới.

PGS. TS. Trương Đình Hoài

Nhóm NCM Bệnh Thủy sản, Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Link bài báo gốc tại đây