Thứ Sáu, 10/02/2023, 8:49

Chủ động trong phòng bệnh xuất huyết mùa xuân do virus ở cá chép (Cyprius carp)

Đối tượng thuỷ sản được nuôi tại Hà Nội rất đa dạng như: các loài cá (chép, trắm, rô phi,…), ba ba, ếch,… Trong đó cá chép là đối tượng hiện đang được nuôi phổ biến tại Hà Nội, tỷ lệ thả nuôi chiếm trên 30 % tổng số lượng đàn cá nuôi; cá chép dễ nuôi, giá trị kinh tế mang lại đạt cao hơn khá nhiều so với các loại như: cá mè, cá trôi,…Tuy nhiên trong điều kiện nuôi bán thâm canh, thâm canh hiện nay, cá chép được nuôi với mật độ cao, nuôi theo hướng công nghiệp do vậy vào các thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi cá rất dễ bị nhiễm bệnh, trong số đó điển hình là bệnh “xuất huyết mùa xuân” trên cá chép.

Để giảm thiệt hại, nâng cao năng suất và hiệu quả nuôi trồng người nuôi trồng cần biết về bệnh loại bệnh này và chú trọng công tác phòng bệnh cho cá:

– Đặc điểm bệnh: thường xuất hiện vào cuối đông, đầu xuân, chủ yếu trên cá Chép (ngoài ra còn gặp ở cá trắng, mè hoa, cá diếc); bệnh do virus Rhabdovirus carpio gây nên. Thời gian này cá thịt và cá bố mẹ hay bị bệnh, bệnh lan truyền nhanh, tỷ lệ chết cao. Bệnh có nhiều tên gọi khác nhau như: bệnh phù của cá chép, bệnh đốm đỏ cá chép, bệnh viêm bóng hơi cá chép, bệnh virus mùa xuân.

– Dấu hiệu bệnh lý: cá có trạng thái ngạt thở, tách đàn, bơi ở tầng mặt, cá mất thăng bằng bơi không định hướng (do viêm bóng hơi), mắt và da có hiện tượng xuất huyết; cơ thể có màu tối, nhiều chỗ viêm có nhiều chất nhày, mắt lồi nhẹ, mang nhợt nhạt, các tơ mang dính bết lại, máu loãng chảy ra từ hậu môn, bụng trướng to, bệnh nặng cá chết nổi hoặc cá chết chìm dưới tầng đáy. Giải phẫu bên trong thấy nội tạng xuất huyết, bóng hơi xuất huyết và teo dần một ngăn, lá lách sưng to, xoang bụng chứa nhiều dịch nhờn.

– Biện pháp phòng bệnh: Bệnh phát triển liên quan nhiều đến thời tiết, khí hậu, môi trường ao nuôi do chúng làm giảm hệ thống miễn dịch của cá. Nuôi cá với mật độ cao hay ký sinh trùng gây tổn thương cũng là điều kiện cho virus gây bệnh xâm nhập. Hiện nay, các biện pháp chữa bệnh chưa có hiệu quả và cần thiết phải áp dụng phòng bệnh cho cá là chính, các biện pháp phòng bệnh người nuôi cần áp dụng như sau:

+ Cải tạo ao nuôi tốt trước khi thả cá, khử trùng ao bằng vôi bột với lượng từ 7 – 10 kg/100m2 ao hoặc hóa chất khử trùng sử dụng trong nuôi thuỷ sản (Chlorin, Iodine,…);

+ Nâng cao chất lượng đàn cá giống: chọn mua giống ở các cơ sở có uy tín, cá giống khỏe mạnh, sạch bệnh, trước khi thả cần tắm cho cá bằng muối ăn (NaCl) 1,5 – 2% hoặc thuốc tím (KMnO4) 10 – 15mg/l trong 5 – 10 phút;

+ Chăm sóc cá tốt: cho cá ăn đầy đủ, đảm bảo để cá phát triển, tránh dư thừa thức ăn gây ô nhiễm môi trường nước nuôi. Định kỳ trộn Vitamin C vào thức ăn cho cá ăn để tăng sức đề kháng cho cá. Áp dụng các biện pháp để tăng nhiệt độ cho ao nuôi vào mùa đông;

+ Định kỳ 15 – 20 ngày thay nước, thêm nước cho ao nuôi từ 20 – 30% lượng nước ao; tẩy trùng ao nuôi bằng vôi bột với lượng 2 – 3kg/100m3 nước hoặc các loại hóa chất; sử dụng chế phẩm sinh học trong xử lý nước và trộn vào thức ăn,…

                                  Tạ Văn Sơn – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản Hà Nội