(Aquaculture.vn) – Trong vòng đời của mình tôm phải lột vỏ nhiều lần để tăng trưởng và phát triển. Thế nhưng có không ít trường hợp tôm chậm lột vỏ khiến vòng đời sinh trưởng của tôm kéo dài.
Tôm có lớp vỏ kitin giàu canxi bao bọc bên ngoài cơ thể tạo thành một khung xương chắc chắn bảo vệ cho các cơ quan bên trong. Tôm muốn phát triển, tăng trưởng thì đến một giai đoạn nhất định, tôm sẽ bắt đầu lột xác và sau mỗi lần lột xác tôm sẽ tăng trưởng cả về kích thước lẫn trọng lượng.
Đến một giai đoạn nhất định khi vỏ của tôm bị lão hóa, lớp vỏ cũ giữa khớp đầu ngực và phần bụng nứt ra, các phần phụ của đầu ngực tôm rút ra trước, sau đó là phần bụng và các phần phụ phía sau mới nứt ra. Con tôm sẽ rút ra khỏi lớp vỏ cũ bằng cách uốn cong mình.
Chu kỳ lột xác của tôm được lặp đi lặp lại nhiều lần trong một vòng đời. Tôm thường lột xác vào ban đêm khoảng từ 22h – 2h đêm. Khi lớp vỏ mới được hình thành không những giúp tôm tăng trưởng mà còn loại bỏ các vết sẹo, tạp chất, vi khuẩn, ký sinh trùng bám trên lớp vỏ cũ. Tuy nhiên, ở giai đoạn này tôm mới lột còn yếu và lớp vỏ kitin chưa cứng hẳn nên giai đoạn này là giải đoạn nhạy cảm nhất của tôm, tôm rất dễ nhiễm bệnh nguy hiểm ở giai đoạn này.
Chu kỳ lột vỏ ở tôm thẻ chân trắng
Việc tôm lột xác là cả một quá trình và nó ảnh hưởng trực tiếp từ những điều kiện sống trực tiếp của tôm mỗi ngày.
Thức ăn là yếu tố quan trọng hàng đầu: Thức ăn là một trong những yếu tố quan trong ảnh hưởng đến quá trình lột xác của tôm nuôi. Thức ăn kém chất lượng, thiếu các chất khoáng và chất đạm khiến tôm chậm lột xác.
Điều kiện môi trường sống: Trong ao nuôi các điều kiện về oxy hòa tan, độ mặn, độ pH, độ kiềm không tốt cũng là những yếu tố làm ảnh hưởng đến quá trình tôm lột xác ở tôm. Vì để lột xác thành công tôm cần lượng oxy hòa tan cao gấp đôi so với bình thường.
Các yếu tố về dịch bệnh: Các tình trạng bệnh như đóng rong, gan tụy, phân trắng, nấm,… cũng sẽ khiến tôm chậm lột xác hoặc không thể lột xác được. Những tình trạng này còn dễ gây tôm chết hàng loạt rất nguy hiểm.
Để kích thích tôm lột vỏ, cần
+ Tiến hành thay nước một phần.
+ Diệt khuẩn ký sinh, đồng thời xử lý vi sinh.
+ Bổ sung thêm các chất dinh dưỡng cho ao tôm, sục khí đầy đủ, liên tục. Duy trì độ pH đạt ngưỡng từ 7,5 – 8,5.
+ Bổ sung chất khoáng quan trọng tạt xuống ao nuôi để tôm được kích thích lột vỏ và làm tôm nhanh cứng vỏ.
Ngoài ra, trong thời gian tôm lột vỏ thì nên giảm lượng thức ăn khoảng 10 – 30%, liên tục chuẩn bị sẵn một số khoáng quan trọng tạt xuống ao nuôi. Tôm vừa lột xác sẽ hạn chế năng lượng, nó không thể bơi đi xa nên cần hấp thụ một lượng khoáng chất để làm tôm nhanh cứng vỏ.
Vũ Hải (Tổng hợp)