Thứ Sáu, 24/03/2023, 16:00

Sục khí giúp cải thiện khả năng nở và tỷ lệ sống của ấu trùng cá trê phi

(Aquaculture.vn) – Các nhà nghiên cứu đã điều tra tầm quan trọng tương đối của sục khí và hệ thống tuần hoàn trong các bể ấp trứng của cá trê phi (Clarias gariepinus)

Cá trê phi (Clarias gariepinus), là loài cá da trơn có khả năng thích nghi cao với môi trường, có thể chịu được nhiệt độ nước trong khoảng  8 đến 35°C và chịu được nồng độ oxy hòa tan từ 0-100mg/l. Chúng được tìm thấy trong các hệ sinh thái nước ngọt (như áo, hồ, sông, suối…). Cá trê phi có thể tồn tại bên ngoài môi trường nước trong một thời gian dài, đặc biệt là trong điều kiện ẩm ướt. Nigeria là nước dẫn đầu về Châu phi trong nuôi cá trê phi.

Việc thu thập cá giống từ tự nhiên không đủ điều kiện để đáp ứng nhu cầu thả giống ao nuôi. Vì vậy việc nhân giống nhân tạo và nuôi cá con trở nên cấp thiết.

Kích thích sinh sản nhân tạo cá trên phi bằng cách sử dụng chất chiết xuất từ ​​tuyến yên của cá chép hoặc tiêm hormone. Trứng đã thụ tinh sau đó được ấp trong điều kiện được kiểm soát.

Môi trường nhân tạo tối ưu trong các trại sản xuất giống C. gariepinus có tầm quan trọng đáng kể đối với tỷ lệ sống của trứng và ấu trùng. Một nhà nghiên cứu đã nuôi thành công ấu trùng C. gariepinus ở mật độ cao (250-300 ấu trùng/L) với tỷ lệ chết là 2,7%. Tỷ lệ thay nước tương đối cao (200L/giờ), trong thùng nhựa 290L.

Nghiên cứu tiến hành điều tra tầm quan trọng của sục khí trong các đơn vị ấp trứng của C. gariepinus, là một trong những tiêu chí để đáp ứng các điều kiện sản xuất giống tối ưu trong các cơ sở sản xuất giống cá trê phi.

Thiết lập nghiên cứu

Cá bố mẹ được đưa đến trại giống và không cho ăn một ngày trước khi tiêm hormone. Tỷ lệ cá đực : cá cái tham gia sinh sản là 1:3 hoặc 1:5. Tiêm hormone Ovaprim vào cơ lưng, liều 0,5ml/kg và tiêm hai lần. Lần tiêm đầu, thường gọi là liều sơ bộ, tiêm 10% tổng liều. Sau 6 giờ, tiêm liều thứ 2 là liều quyết định (90% tổng liều). Cá bố mẹ được thả cùng nhau sau khi tiêm.

Khoảng 12 giờ sau khi tiêm liều thứ hai, tiến hành thu trứng và tinh hoàn. Lấy ngón tay vuốt nhẹ bụng cá cái từ phía trước và hướng về huyệt nằm phía sau để thu trứng cá. Đối với cá đực, rạch bằng lưỡi dao sạch, thu tinh hoàn rồi trộn với trứng (khuấy đều và nhẹ nhàng). Trứng đã được xử lý sau đó được trải đều trên khung lưới nylon (20x20cm) với kích thước mắt lưới 0,5mm và đặt vào các bể ấp.

Bể cá trê phi

Sáu bể ấp được chia thành 3 nghiệm thức khác nhau. Mỗi nghiệm thức sẽ có một bể đối chứng. Nghiệm thức 1, trứng được ấp trong bể có hệ thống nước tuần hoàn và có sục khí. Ở thử nghiệm 2, trứng được ấp trong bể có hệ thống tuần hoàn và không có sục khí. Trong thử nghiệm 3, các bể ấp không lắp đặt hệ thống nước tuần hoàn và không có sục khí.

Tốc độ trao đổi nước trong hệ thống tuần hoàn là 100ml/phút. Nhiệt độ phòng và nước được xác định bằng nhiệt kế thủy ngân, và nằm trong khoảng từ 25-27,5°C đối với nhiệt độ phòng và 23,5-25°C đối với nhiệt độ nước.

Tỷ lệ trứng nở được quan sát trực quan qua phần trăm tổng diện tích trứng chưa nở trên bề mặt lưới trong thiết bị ấp (sau khi nở ấu trùng sẽ di chuyển trong môi trường nước, vì vậy trên lưới lúc này sẽ còn lại số trứng chưa nở).

Kết quả và thảo luận

Trứng bắt đầu nở sau khoảng 36 tiếng trong các thử nghiệm có sục khí, đồng thời tỷ lệ trứng nở và tỷ lệ ấu trùng sống sót sau khi nở chỉ được quan sát thấy ở nghiệm thức 1 và 2. Ở nghiệm thức 3 (không có hệ thống nước tuần hoàn và không sục khí), không có trứng nở.

Trong các bể ấp có hệ thống nước tuần hoàn và có lắp sục khí, tỷ lệ trứng nở là cao nhất (40%), các bể có hệ thống tuần hoàn nước nhưng không có sục khí ghi nhận tỷ lệ nở thành công là 10%.

Hai ngày sau khi nở, ấu trùng sống sót chỉ có trong bể có lắp sục khí (ấu trùng sống sót bơi lội tự do trong nước). Ấu trùng trong bể không có sục khí (nghiệm thức 2) chết 100% ở ngày thứ 2 sau khi nở.

Nhiệt độ được ghi lại trong nghiên cứu này không phải là tối ưu sản xuất giống cá trê phi. Phạm vi nhiệt độ ấp tối ưu cho trứng và ấu trùng của loài cá này là 30-31°C. Nhiệt độ trong nghiên cứu ảnh hưởng đáng kể đến tỷ lệ nở của trứng và sự phát triển của ấu trùng.

Số trứng nở trong bể có lắp đặt thiết bị sục khí nhiều hơn so với bể không có thiết bị sục khí. Điều này cho thấy việc sục khí là rất cần thiết trong các trại sản xuất giống cá da trơn. Sục khí liên tục giúp duy trì mức oxy hòa tan trên 80% trong các bể ấp.

Hệ thống tuần hoàn nước có tác động tích cực đến hàm lượng oxy hòa tan trong bể. Tuy nhiên, ấu trùng sau nở tiêu thụ nhanh chóng lượng oxy hòa tan sẵn có. Vì vậy ở các bể có hệ thống tuần hoàn nhưng không có sục khí sẽ không đủ lượng oxy hòa tan cần thiết cho cá. Điều này có thể giải thích cho việc không có ấu trùng sống sót sau hai ngày nở ở các bể này.

Kết quả cho thấy việc sục khí là rất cần thiết trong các trại sản xuất giống cá trê phi. Máy sục khí có khả năng duy trì mức oxy hòa tan tối ưu trong bể ấp ở các trại giống.

Thu Hiền (Lược dịch)