Hiện nay, dịch bệnh trên nhiều thủy sản ngày càng nhiều, dịch bệnh lây lan nhanh chóng, trong đó việc lạm dụng các loại hợp chất hóa học, các chất kháng sinh đã tạo nên sự tồn dư kháng sinh và các tác nhân gây bệnh kháng thuốc trong quá trình điều trị bệnh. Việc tồn dư kháng sinh trên sản phẩm thủy sản không những ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe con người mà còn tạo nên những rào cản về xuất khẩu thủy sản nước ta.
Tỏi được biết đến như một loại kháng sinh tự nhiên mạnh giúp động vật thủy sản kháng lại các loại vi khuẩn gây bệnh, ký sinh trùng, virus, tăng hệ miễn dịch cho động vật thủy sản. Sử dụng tỏi để phòng và điều trị bệnh giúp đạt năng suất cao, hạn chế sử dụng các loại thuốc kháng sinh và hạn chế hiện tượng kháng thuốc của vi khuẩn. Nhưng đa số người dùng và chế biến tỏi chưa đúng cách, làm giảm tác dụng. Vậy dùng tỏi thế nào đúng để đạt hiệu quả cao trong nuôi trồng thủy sản?
Tỏi – một loại kháng sinh tự nhiên
Tỏi có tên khoa học là “Allium sativum”. Việc sử dụng thảo mộc này giúp bà con giảm chi phí, dễ tìm, dễ mua ở nhiều nơi. Tỏi có tính kháng khuẩn khá cao với hầu hết các chủng vi khuẩn phân lập được trên cá bị bệnh trong nước ngọt cũng như nước lợ và nước mặn.
Tỏi có chứa allin, một axit hữu cơ, khi bị đập dập sẽ kết hợp với Allinase có trong tỏi để tạo thành Allicin. Allicin có khả năng kháng khuẩn và nấm. Chất Allicin có khả năng kháng khuẩn bằng 1/5 thuốc Peniciline và bằng 1/10 thuốc Oxytracilin là những loại kháng sinh đang được lưu hành hiện nay.
Trong tỏi có chứa diallyl disulfide; chất này không những mạnh hơn nhiều hai dòng kháng sinh thường đang dùng trong nuôi trồng thủy sản là Erythromycin, Ciprofloxacin mà còn có tác dụng nhanh hơn. Vì vậy, tỏi có tác dụng với nhiều loại vi khuẩn như thương hàn,phó thương hàn, lị, tả, trực khuẩn, bạch cầu, vi khuẩn. Ngoài khả năng kháng khuẩn tỏi còn có tác dụng trị sán, giun kim, các bệnh nấm.
Khả năng kháng bệnh của tỏi
Qua nhiều nghiên cứu khoa học và kinh nghiệm sử dụng tỏi có nhiều công dụng trị bệnh trên cả người và động vật cạn, động vật dưới nước.
– Tỏi giúp tăng chỉ số hồng cầu, lượng hemoglobin, bạch cầu và tiểu cầu với các loài thủy sản.
– Dịch chiết tỏi ức chế một số loại nguyên sinh động vật, giảm nhiễm ký sinh trùng với mức độ ảnh hưởng đến môi trường là thấp nhất.
– Tỏi kích thích quá trình thực bào, đại thực bào
– Tỏi còn là chất kích thích miễn dịch tự nhiên cho tôm, cá các loài hải sản khác. Với hoạt nhiều hoạt tính kháng vi khuẩn gram âm và dương, hoạt tính kháng virus, kháng nấm, tăng cường hệ miễn dịch cho động vật thủy sản.
Những điều nên làm khi sử dụng tỏi trong nuôi trồng thủy sản
Nên xay nhuyễn, nghiền nát tỏi trước khi ăn vì lúc đó hợp chất Allicin trong tỏi mới được sinh ra và cung cấp cho cá dồi dào. Tuy nhiên, Allicin kém bền nên biến chất nhanh trong điều kiện môi trường bên ngoài. Vì vậy, nếu dùng tỏi tự chế biến thì phải được xay nhuyễn trộn cho động vật thủy sản ăn ngay.
Bà con có thể cho cá ăn tỏi trực tiếp hoặc trộn cùng với các loại thức ăn khác (cám, bột, rau củ..). Trộn tỏi xay với nước thành dung dịch sền sệt, tẩm với thức ăn công nghiệp, ngâm 15 đến 30 phút để tỏi ngấm. Để hạn chế việc tỏi tan trong nước, bà con nên bao thêm cám gạo xung quanh. Như vậy, cá sẽ ăn hết tỏi tối đa nhất, tránh lãng phí
Liều lượng sử dụng: mỗi ngày dùng 3gram đến 5gram củ tỏi/ kg thức ăn, cho cá ăn liên tục 5 đến 7 ngày.
Không chỉ vậy, người nuôi có thể làm men tỏi để cho cá ăn. có tác dụng rất tốt trong việc giúp cá dễ tiêu hóa, hấp thụ dễ dàng các chất dinh dưỡng nhờ đó mà cá phát triển tốt. Cách này tiện lợi, giúp tiết kiệm được nhiều thời gian, không phải băm xay tỏi mỗi ngày.
*Hướng dẫn cách làm ủ men tỏi:
Để ủ men tỏi nguyên liệu chính là tỏi tươi, giấm , đường kính trắng ( hoặc mật rỉ đường chất lượng, ít tạp chất) và nước sạch.
*Thứ tự ủ như sau: Tỏi vóc vỏ xay nhuyễn (10kg tỏi) cho 16 lít nước sạch + 1 cân đường kính trắng + 1 lít giấm gạo trộn đều sau đó cho vào chum nhựa hoặc xô đậy kín để không bị ruồi và các tạp chất bay vào làm hỏng men, để nơi thoáng mát, râm. Thời gian ủ: Mùa hè: 10 đến 15 ngày, mùa đông 25 đến 30 ngày. Sau khi dung dịch tỏi có màu nâu đặc trưng thì mình lấy ra sử dụng. Bà con sử dụng tỏi cho cá ăn hết rồi tiến hành làm hũ mới.
Liều lượng: 1lít EM tỏi trộn 10kg thức ăn cho cá ăn liên tuc trong 10 ngày. Mỗi tháng cho ăn 1 lần, kéo dài trong cả chu kỳ nuôi, trộn 10 đến 15 phút rồi cho cá ăn, không nên để quá lâu giảm chất lượng men tỏi.
Tỏi có bản chất là kháng sinh, vì vậy, ngoài việc trị các vi khuẩn gây bệnh, nó còn diệt luôn các vi khuẩn có lợi. Để khắc phục điều này, chúng ta nên sử dụng chế phẩm sinh học bao gồm các vi khuẩn sống và có lợi để tăng cường sức khỏe cho tôm cá tốt hơn.
Nên dùng các sản phẩm tinh dầu tỏi chiết xuất từ tỏi tươi, nếu dùng bột tỏi thì hiệu quả thấp hơn
Những điều không nên làm khi sử dụng tỏi trong nuôi trồng thủy sản
– Không sử dụng tỏi cho tôm cá ăn lúc đói. Vì chất Alicin trong tỏi là kháng sinh sẽ phát giác gây tác dụng phụ làm tôm cá rối loạn hệ tiêu hóa đường ruột khi cá tôm đang bị đói.
– Không nên nấu chín tỏi, vì khi ở nhiệt độ cao các hoạt chất này sẽ phân hủy và giảm tác dụng.
– Nếu dùng tỏi nên bổ sung vào bữa ăn cuối cùng trong ngày cho cá tôm ăn;
– Không sử dụng tỏi bị hỏng, có nấm mốc, có mùi thối, có chất bảo quản khi điều trị bệnh cho cá.
Hy vọng những chia sẻ trên đây sẽ giúp ích cho bà con có thể ứng dụng hiệu quả tỏi trong việc phòng và trị bệnh cho tôm cá, nâng cao năng suất, tạo ra những sản phẩm an toàn chất lượng, không kháng sinh.