“Nhàn” công, tỷ lệ hao hụt thấp, chiếm ít diện tích, giá lươn thương phẩm ổn định, đem lại thu nhập khá cao nên hiện nay mô hình nuôi lươn không bùn ngày càng được nhiều hộ gia đình áp dụng.
Nhàn công, lời khá
Nuôi lươn không bùn có nhiều lợi thế hơn kiểu nuôi truyền thống- có bùn. Lươn nuôi lớn đều và nhanh, đặc biệt lúc thu hoạch ít tốn nhân công và chi phí ít hơn.
Có 6 bể nuôi lươn không bùn với 12.000 con lươn, anh Lê Thanh Sang (xã Thanh Đức- Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long), cho hay: “Tôi nuôi lươn không bùn được 2 năm, thu hoạch được 2 vụ, đem lại hiệu quả, thu nhập khá cho gia đình.
So với nuôi lươn bùn, nuôi lươn không bùn không tốn nhiều diện tích, có tỷ lệ hao hụt thấp hơn (khoảng 5%), dễ xử lý nguồn nước, quản lý dịch bệnh tốt hơn.
Khi thấy lươn bị đốm trắng hay đỏ mang là xử lý liền. Tôi thu hoạch 1 đợt 6.000 con (1 vụ lươn nuôi khoảng 8- 10 tháng, khoảng 5- 6 con/kg), tương đương 1 tấn lươn, sau khi trừ chi phí thức ăn, con giống, thuốc,… cũng còn lời 30- 50 triệu đồng”.
Cũng không cần đào ao, chỉ cần chùm dây ny lông cho lươn trú ẩn trong bể, mô hình nuôi lươn không bùn của anh Nguyễn Vĩnh Lộc (xã Chánh An- Mang Thít) bước đầu đạt hiệu quả kinh tế khá ổn định, tạo ra sản phẩm lươn an toàn thực phẩm cung cấp cho thị trường.
Anh Lộc cho hay: “Trước đây tôi nuôi cá tra giá bấp bênh nên tôi chuyển sang nuôi lươn không bùn. Tôi nuôi 5 bể được hơn 10.000 con lươn. Do vừa nuôi lươn giống, vừa nuôi lươn thương phẩm nên tôi không tốn tiền con giống, thu hoạch được 1 vụ, có lời hơn gấp mấy lần so với nuôi cá tra”.
Theo anh Lộc, lươn không kén thức ăn, dễ chăm sóc. Trong thời gian dịch bệnh, tuy có khó khăn trong khâu vận chuyển nhưng đầu ra vẫn ổn định, khách hàng không đến lấy lươn thì cơ sở giao đến tận nhà.
Thời gian qua, để xây dựng và phát triển vùng nuôi lươn thâm canh an toàn thực phẩm, ngành nông nghiệp tỉnh cũng đã triển khai dự án “Hỗ trợ phát triển vùng nuôi lươn thâm canh an toàn thực phẩm gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021- 2023”.
Theo đó, dự án hỗ trợ con giống, một phần chi phí mua thức ăn, đồng thời hướng dẫn kỹ thuật, quy trình nuôi lươn. Qua đó, giúp gia tăng chất lượng và giá trị sản phẩm lươn thịt, góp phần đảm bảo tiêu thụ sản phẩm với giá ổn định cho người nuôi.
Đồng thời, từng bước mở rộng vùng nuôi lươn an toàn thực phẩm tập trung, đảm bảo chất lượng, số lượng để cung cấp sản phẩm cho thị trường, gắn kết chặt chẽ sản xuất và tiêu thụ, giúp người dân an tâm phát triển sản xuất.
Theo Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp (Sở Nông nghiệp- PTNT), các hộ tham gia mô hình đã tuân thủ nghiêm các quy trình kỹ thuật mà cán bộ khuyến nông đã truyền đạt, đồng thời theo dõi ghi chép sát sao để phát hiện những bất thường trong quá trình nuôi nhằm báo cáo kịp thời cho cán bộ kỹ thuật hỗ trợ.
Bên cạnh đó, nhiều hộ đã có những sáng kiến, cách làm hay, cải tiến để tiết kiệm chi phí nước sử dụng, nghiên cứu chu kỳ sinh trưởng của lươn và có phương pháp cho ăn cải tiến phù hợp để giúp lươn phát triển đồng đều và kích thước lớn.
Cần chú trọng kỹ thuật nuôi
Theo nhiều hộ nuôi lươn không bùn, tuy nuôi theo mô hình này nhàn công, nhưng đòi hỏi phải có kỹ thuật nuôi mới đạt hiệu quả cao. Theo anh Sang, nuôi lươn không bùn quan trọng nhất là con giống và nguồn nước.
Cần phải thay nước hàng ngày, có thể sử dụng nhiều nguồn nước khác nhau như: nước sông, nước máy, nước giếng… nhưng tất cả cần phải được xử lý trước khi cấp vào hệ thống nuôi ít nhất 24 giờ.
Bên cạnh sử dụng thức ăn viên công nghiệp có thể bổ sung thêm trùn quế, men tiêu hóa, vitamin C,… để bổ sung dinh dưỡng, rút ngắn thời gian sinh trưởng của lươn.
Ông Nguyễn Văn Tuấn- Trưởng Phòng Thủy sản- Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản (Sở Nông nghiệp- PTNT), cho biết: Nhiều mô hình nuôi lươn không bùn triển khai trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả khá cao, đem lại thu nhập ổn định cho người nuôi.
Tuy nhiên, cũng có một số hộ nuôi theo phong trào, chưa có kỹ thuật nên còn hao hụt nhiều. Do đó, người nuôi cần trang bị kỹ thuật nuôi khi bắt đầu thực hiện mô hình này. Người nuôi cần lựa chọn nơi cung cấp con giống có uy tín và nên chọn mua con giống vào mùa sinh sản của lươn.
Đồng thời, người nuôi cần trang bị một số kiến thức cơ bản về cách nhận biết cũng như kỹ thuật phòng trị một số bệnh thường gặp trên lươn để có thể xử lý kịp thời khi có tình huống xấu xảy ra nhằm hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất.
Bài, ảnh: THẢO LY