Nghiên cứu: “Ảnh hưởng của thức ăn bổ sung bã sữa đậu nành lên men bán rắn đến tăng trưởng và hình thái ruột của cá rô phi (Oreochromis niloticus)” do nhóm tác giả: Nguyễn Thành Trung, Nguyễn Văn Nguyện , Trần Văn Khanh, Lê Hoàng, Trần Thị Lệ Trinh, Đinh Thị Mến, Nông Thị Nương , Huỳnh Thị Thảo Quyên – Trung tâm Công nghệ thức ăn và Sau thu hoạch thủy sản, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II thực hiện.
Hiện nay nhu cầu sử dụng đậu nành cho thực phẩm gia tăng nhanh chóng, các phụ phẩm từ ngành công nghiệp chế biến sữa đậu nành rất lớn, riêng sản lượng bã sữa đậu nành ở nhà máy Vinasoy khoảng 1.200 tấn/tháng. Mỗi kg đậu nành sản xuất sữa có lượng phụ phế phẩm khoảng 1,1 kg phụ phẩm từ chế biến sữa đậu nành. Các thử nghiệm sử dụng bã sữa đậu nành làm thức ăn trên đối tượng nuôi thủy sản còn rất ít. Trên cá rô phi đơn tính, nhóm tác giả ở Ai Cập đã thử nghiệm sử dụng trực tiếp phụ phẩm từ chế biến sữa đậu nành vào khẩu phần thức ăn có thể thay thế đến 75% bột cá mà không có sự khác biệt về tăng trưởng. Một nghiên cứu khác sử dụng phụ phẩm từ chế biến sữa đậu nành ở mức 10% và 20% trong khẩu phần ăn của tôm thẻ chân trắng được thử nghiệm tại Hawaii năm 2010, kết quả tăng trưởng kém do độ tiêu hóa thức ăn ở mức rất thấp 18,2%. Các nghiên cứu tiến hành xử lý nguồn phụ phẩm này, trong đó việc ứng dụng công nghệ lên men và thủy phân các nguyên liệu để tạo ra sản phẩm có giá trị tiêu hóa cao để sử dụng trong thức ăn thủy sản vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ. Các phương pháp và chủng loại vi khuẩn lên men khác nhau sẽ cho ra các sản phẩm hữu ích và đặc hiệu khác nhau. Có rất nhiều chủng vi sinh được sử dụng để lên men phụ phẩm từ chế biến sữa đậu nành tạo ra các sản phẩm đặc thù từ các chủng vi sinh khác nhau. Sử dụng chủng vi sinh Bacillus subtilis NB22 để tạo ra kháng sinh lipopeptide, Iturin A, chủng NRRL 330+NCIM 653 để tạo ra citric acid, chủng Aspergillus japonicus MU-2 cho sản phẩm β-fructofuranosidase, chủng Bacillus subtilis để thu nhận hợp chất phenolic, và chủng Flammulina velutipes để thu nhận sản phẩm polysaccharides. Nghiên cứu của (Matsuo, 1989) khi lên men phụ phẩm từ chế biến sữa đậu nành bằng nấm Rhizopus oligosporus có hàm lượng nitrogen tan tăng 0,15% lên 0,84%, thêm vào đó acid amin tự do tăng mạnh từ 0,02% lên 0,41%. Công nghệ lên men phụ phẩm từ chế biến sữa đậu nành bán rắn truyền thống, cho thấy tăng hàm lượng protein từ 22% lên 25%, và các protein bị cắt thành những mạch peptide nhỏ hơn (Matsuo, 1997). Nghiên cứu của (Rashad và ctv., 2011) cho thấy khi lên men phụ phẩm từ chế biến sữa đậu nành bằng công nghệ bán rắn với các chủng nấm men cho thấy gia tăng hàm lượng ni-tơ từ 20 đến 50%.
Xử lý phụ phế phẩm từ nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị dinh dưỡng bã sữa đậu nành (BSĐN) ở dạng dễ hấp thu để sử dụng làm thức ăn thủy sản đang được đặc biệt chú trọng. Sản phẩm phụ phẩm bã sữa đậu nành lên men bán rắn bằng vi khuẩn Bacillus subtilis B3 được sử dụng làm nguyên liệu thay thế protein bột cá trong công thức thức ăn (CTTA) cá rô phi được đánh giá và kiểm tra ảnh hưởng lên hệ tiêu hóa của cá. BSĐN lên men được sử dụng thay thế trong CTTA cá rô phi ở các mức 70, 80, 90 và 100% bột cá và thức ăn chứa bột cá (ĐC). Thí nghiệm được thực hiện trong 8 tuần trong bể composite, 15 con/bể, lặp lại 3 lần cho mỗi nghiệm thức. Đánh giá tăng trưởng, các chỉ số sinh học như VSI, HSI, GSI và ISI sau khi nuôi. Kiểm tra hình thái mô học của ruột qua các chỉ số chiều dài, độ rộng, mô liên kết và lớp dưới niêm mạc.
Kết quả cho thấy cá ở nghiệm thức thay thế bột cá ở mức 90% tăng 3,6g so với đối chứng sau 8 tuần nuôi. Chỉ số sinh học như VSI tăng cao ở các thức ăn bổ sung BSĐN, chỉ số HSI và GSI không có sự khác biệt với thức ăn đối chứng và chỉ số ISI ở nhóm thức ăn thay thế tương đương đối chứng ngoại trừ khi thay thế 100%. Hình thái mô ruột của các nghiệm thức thay thế bột cá đều tăng cao so với nghiệm thức đối chứng. Kết quả cho thấy có thể thay thế bột cá bằng BSĐN lên men trong CTTA cá rô phi và không gây ảnh hưởng đến sự tăng trưởng cá và không ảnh hưởng đến sức khỏe của cá.
Ntdinh
Theo Tạp chí nghề cá sông cửu long số 13/2019