Sá sùng (Sipunculus nudus) là loài đặc sản biển có giá trị kinh tế, phân bố nhiều ở các tỉnh Quảng Ninh, Phú Yên, Khánh Hòa… Quy trình được áp dụng để nuôi sá sùng thương phẩm ở những nơi có các điều kiện môi trường đáy, môi trường nước phù hợp tại khu vực miền Trung, Việt Nam.
1. Lựa chọn ao nuôi thương phẩm
– Vị trí: Ao nằm ở vùng trung triều hoặc hạ triều dọc bờ biển. Ao nằm xa các nguồn nước ngọt đổ xuống, xa các nguồn gây ô nhiễm như nước thải công nghiệp, nông nghiệp, nước thải dân sinh. Tránh những nơi có sóng to, để hạn chế việc duy tu bảo dưỡng ao;…
– Diện tích: khoảng 500-2.000 m2;
– Độ sâu: tối thiểu 1,2 m;
– Chất đáy: đáy cát bùn (70-80% cát, 20-30% bùn tính theo khối lượng), hoặc cát pha ít vỏ động vật thân mềm và bùn (70-80% cát và vỏ động vật thân mềm, 20-30% bùn tính theo khối lượng), đáy xốp, bước qua có dấu chân, tránh các ao cát quá mịn, đáy cứng, đáy bị nhiễm phèn. Độ sâu tối thiểu của lớp cát bùn 25 cm.
2. Cải tạo ao trước khi thả giống
– Tháo/bơm cạn ao và phơi khô để dọn sạch các chất bẩn, rong đáy.
– Tiếp theo, cày xới đáy ao để tạo độ tơi xốp cho đất, tiếp tục phơi đáy.
– Sau khoảng 2 ngày, tiến hành bón phân hữu cơ (phân bò khô ủ với 5% vôi trong thời gian một tuần) với số lượng 100 kg/1000 m2 ao để cung cấp mùn bã hữu cơ làm thức ăn cho sá sùng, đồng thời phân hữu cơ cung cấp dinh dưỡng kích thích các loài vi tảo phát triển làm thức ăn cho sá sùng.
– Ao nuôi có pH nước dưới 7,5 nên bón khoảng 50 kg vôi bột/1.000 m2 đáy ao để vừa sát trùng, vừa góp phần phân giải các chất khí độc trong đáy, ổn định pH trong ao.
– Ao được cấp nước qua lưới lọc (mắt lưới 2a = 0,5 mm) để loại bớt các sinh vật gây hại. Mức nước cấp vào ao khoảng 50–80 cm nhằm kích thích vi tảo phát triển nhanh làm thức ăn cho sá sùng, ổn định môi trường ao trước khi thả giống và hạn chế sự phát triển của rong đáy. Sau khi tảo đã phát triển tốt, tăng mức nước lên 70-90 cm.
3. Lựa chọn giống
a. Lựa chọn bố mẹ
– Sá sùng bố mẹ được lựa chọn từ tự nhiên tại đầm nuôi thương phẩm, lựa những cá thể có kích thước 8 – 12 cm, trọng lượng 10 – 12 g, thân thon tròn, màu hồng nhạt, không bị dị hình, xây xát. Chỉ có thể phân biệt được khi vào mùa sinh sản (tháng 3 – 6). Giai đoạn này sá sùng ngừng dinh dưỡng; các cơ quan nội tạng bị tiêu giảm, nhường chỗ cho các sản phẩm sinh dục (con cái chứa đầy trứng, con đực chứa đầy tinh trùng hay sẹ).
b. Kích thích sinh sản
– Sá sùng bố mẹ được gom về rửa sạch thả vào bể composite hoặc bể xi măng trong nhà có sục khí nhẹ, độ mặn nước biển 15 – 20‰, pH 7,8 – 8,6; nhiệt độ nước 24 – 280C và không có sự hiện diện của khí độc (H2S, NH3…). Sử dụng phương pháp sốc nhiệt bằng cách nâng nhiệt độ nước 4 – 50C để kích thích sá sùng sinh sản. Khi sinh sản, cá thể đực và cái sẽ đồng loạt phóng trứng và tinh trùng vào nước, trứng được thụ tinh trong nước ở độ mặn 20‰
c. Ương nuôi ấu trùng
– Sau khi thấy trứng xuất hiện trong bể, kiểm tra mật độ trứng và tiến hành xiphông nước sang bể ương nuôi và duy trì chế độ sục khí nhẹ. Trứng sau khi được thụ tinh, sau 36 – 42 giờ sẽ nở thành ấu trùng trochophora (cỡ 130 – 150 µm) bơi lội tự do trong nước và sử dụng các hạt mỡ trong noãn hoàng làm thức ăn dự trữ. Sau khi sử dụng hết noãn hoàng (3 – 4 ngày), ấu trùng chuyển sang ăn các loại tảo tươi (chlorela.sp, nanococcophysis…) với liều lượng cho ăn 10 – 20 g/m3 nước/ngày.
– Sau 10 – 14 ngày, trochophora biến thái thành ấu trùng (cỡ 500 – 600 µm) có xu hướng chuyển xuống sống nền đáy (lớp lab lab). Ấu trùng sử dụng thức ăn là tảo đáy thuộc giống navicula của lớp tảo silic. Ngoài tảo đáy, cần bổ sung cho ấu trùng ăn thêm mảnh vụn thức ăn công nghiệp hàm lượng đạm cao. Định kỳ cho ăn 2 – 3 ngày/lần, liều lượng 0,3 – 0,5 kg/1 vạn ấu trùng. Sau 2 tháng tuổi, ấu trùng phát triển đầy đủ các cơ quan của cơ thể (sá sùng con) kích cỡ đạt 1,5 – 2 cm thì có thể thu hoạch và chuyển sang nuôi thương phẩm.
4. Quản lý và chăm sóc
a. Cho ăn
– Sá sùng được cho ăn 2 -3 ngày/1 lần vào 8 giờ sáng, mỗi lần cho ăn khoảng 5% khối lượng Sá sùng trong ao. Xác định khối lượng Sá sùng trong ao bằng cách thu mẫu toàn bộ Sá sùng trong 1 m2 và nhân với diện tích ao, tần xuất thu mẫu từ 15 đến 20 ngày/đợt.
– Thức ăn cho sá sùng nuôi thương phẩm là cá tạp xay nhuyễn trộn với cám gạo, bột ngô, bột đậu nành (mỗi loại khoảng 25% tính theo khối lượng) được hấp chín, lượng thức ăn chưa sử dụng được bảo quản bằng tủ lạnh.
– Định kỳ 1 tháng/lần, bón phân hữu cơ (30 kg/1000 m2) để cung cấp thêm chất dinh dưỡng cho sá sùng và kích thích sự phát triển của các loài vi tảo biển, đây cũng chính là các loại thức ăn rất tốt cho Sá sùng, đồng thời, vi tảo biển góp phần làm ổn định môi trường ao nuôi, giảm nguy cơ ô nhiễm.
b. Chăm sóc
– Bờ ao được kiểm tra thường xuyên, bắt cua/còng, lấp hang để đảm bảo bờ ao được an toàn, vệ sinh bờ ao để góp phần làm môi trường ao nuôi được trong sạch. Dùng lưới bắt các loài cá dữ như cá chẽm, cá trác, cá măng… Nên dùng lưới rê thả trong ao để bắt cá.
– Định kỳ 2 lần/tháng, thay 50% nước để duy trì môi trường sống thuận lợi cho Sá sùng. Chọn ngày trời nắng, triều cường để thay nước nhằm đảm bảo chất lượng nước tốt, tránh rủi ro cho Sá sùng; không thay nước vào những ngày mưa hoặc mù trời. Nước được cấp vào ao qua lưới lọc có mắt lưới 2a = 0,5 mm để hạn chế cá tạp, rác; và phải được kiểm tra các yếu tố môi trường.
– Nếu mưa trong thời gian dài cần phải thay mới nước ao để duy trì độ mặn thích hợp. Vào những ngày quá nóng, nhiệt độ nước có thể vượt quá 290C, cần đảm bảo mực nước ao nuôi khoảng 90 cm, nếu có thể nên thay nước mới cho ao, trường hợp cần thiết dùng lưới lan để che bớt ánh nắng để duy trì nhiệt độ thích hợp.
– Hàng ngày quan sát đáy ao, vớt bỏ rong đáy, vì nếu rong đáy phát triển nhiều sẽ làm Sá sùng thiếu ôxy vào ban đêm, hơn nữa Sá sùng có thể bị kẹt trong một số loài rong đáy (đặc biệt là rong mền) dẫn tới chết. Những nguyên nhân này có thể làm Sá sùng sinh trưởng chậm, tỷ lệ sống thấp.
c. Phòng bệnh
Thực hiện các biện pháp phòng bệnh tổng hợp như sau:
– Chuẩn bị tốt ao nuôi: Tháo cạn nước, cày xới lớp bùn đáy; bón vôi và phơi đáy ao. Lấy nước vào ao và gây màu nước;
– Chọn con giống khỏe mạnh, đồng đều, không bị trầy xước, màu sắc tươi sáng, có phản xạ co duỗi tốt;
– Nuôi mật độ vừa phải (50 – 70 con/m2);
– Chăm sóc quản lý tốt là cung cấp đầy đủ thức ăn cả về chất lượng và số lượng, đồng thời định kỳ kiểm tra, thay nước;
– Duy trì mực nước trong ao nuôi từ 70 – 90 cm, nếu mực nước xuống thấp gặp trời nắng sẽ kích thích rong đáy phát triển và tăng nhiệt độ, gây bất lợi cho sá sùng; mực nước thấp gặp trời mưa, sá sùng dễ chết do ảnh hưởng của nước ngọt. Mực nước quá cao ảnh hưởng đến việc chăm sóc Sá sùng. Nếu trời mưa lâu dẫn đến phân tầng nước, xả bỏ lớp nước ngọt bên trên để tránh hiện tượng phân tầng.
5. Thu hoạch
– Sau 6 tháng nuôi, sá sùng có thể đạt kích thước thương phẩm từ 10-12 cm (7-11 g/con). Trước khi thu hoạch, tiến hành tháo cạn nước trong ao. Việc thu hoạch sá sùng nên được tiến hành vào buổi sáng sớm để tránh làm ảnh hưởng đến Sá sùng.
– Dùng xẻng xắn sâu xuống đáy khoảng từ 25 – 35 cm, lật lên, dùng tay để thu Sá sùng. Tránh xắn quá gần hang, dễ gây tổn thương Sá sùng. Sá sùng bị thương sẽ bị chảy dịch ra ngoài và chết sau đó. Cần loại bỏ hết những con chết và bị thương ra ngoài để tránh gây ảnh hưởng đến những con khỏe mạnh.
– Sá sùng được giữ trong các thùng xốp. Sá sùng thương phẩm không có nhu cầu cao về oxy nên chỉ cần duy trì độ ẩm và thoáng cho thùng xốp là đủ.
Dtnkhanh
Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia