Nghiên cứu do Trường Đại học Cần Thơ thực hiện xác nhận sự biến mất của hai loài cá da trơn và xác định tên khoa học của một loài cá da trơn khác.
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sỡ hữu đa dạng sinh học cao với khoảng hơn 500 loài cá. Trong đó, Siluriformes hay còn được gọi là bộ Cá da trơn hay bộ Cá nheo, là một bộ cá rất đa dạng trong nhóm cá xương. Bộ cá này có tầm quan trọng trong phát triển kinh tế thủy sản với nhiều loài được chăn nuôi ở quy mô lớn để cung cấp cá thực phẩm.
Nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu về chỉ thị di truyền của các loài cá da trơn và cung cấp thông tin về đa dạng di truyền, hệ gen ty thể của một số loài cá da trơn quan trọng, PGS.TS Dương Thúy Yên, Trường Đại học Cần Thơ, và cộng sự đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu đa dạng di truyền của các loài cá bộ Cá da trơn Siluriformes ở ĐBSCL”.
Nhóm nghiên cứu áp dụng các phương pháp điều tra thu mẫu hiện trường, kết hợp với ứng dụng những kỹ thuật di truyền phân tử, giải mã bộ gen ty thể trong định danh và nghiên cứu đa dạng di truyền của cá.
Một số loài cá có giá trị kinh tế cao, là đối tượng nuôi mới, có tiềm năng nuôi thủy sản được ưu tiên chọn để nghiên cứu mức độ đa dạng di truyền như cá hú, sát sọc, cá bông lau, ngát và cá trê vàng. Mỗi loài được đánh giá di truyền trên chỉ thị phân tử khác nhau. Ba loài cá có giá trị kinh tế quan trọng như bông lau, tra bần (cá dứa) và cá tra được thu thập ở ĐBSCL, để giải mã toàn bộ hệ gen ty thể.
Kết quả nghiên cứu thành phần loài cá thuộc bộ cá da trơn Siluriformes phân bố ở ĐBSCL đã thu được tổng cộng 34 loài, thuộc sáu họ và 17 giống. Xét về số lượng loài trong cùng một họ, họ cá tra Pangasidae có nhiều loài nhất với 11 loài, tiếp theo là họ cá ngạnh Bagriade với chín loài, họ cá úc Ariidae sáu loài và ít nhất là họ cá ngát Plotosidae với chỉ một loài. Theo những nghiên cứu trước đây thì bộ cá da trơn ở ĐBSCL có 36 loài. Như vậy, kết quả hiện tại giảm hai loài: cá úc nghệ (Arius venosus) và cá chốt cờ (Mystus bocourti). Hai loài này đang trở nên khan hiếm ở vùng ĐBSCL. Cá chốt cờ đã được xếp vào nhóm sắp nguy cấp từ năm 2007.
Qua quá trình phân tích gene, nhóm cũng đã định danh được loài cá kết, có tên khoa học là Phalacronotus bleekeri. Trước đây, loài này chưa xác định tên khoa học. Nghiên cứu cũng chỉ ra những điểm khác biệt về hình thái của các quần thể cá kết ở sông Tiền và sông Hậu.
Bên cạnh đó, loài cá ngát trước đây ghi nhận ở ĐBSCL chỉ có một loài và được định danh là Plotosus canius. Tuy nhiên, kết quả phân tích cho thấy, có thể có hai loài cá ngát. Chúng rất giống nhau về hình dạng bên ngoài và các chỉ tiêu đếm như vi lưng có một gai cứng, bốn tia mềm,…
Đối với cá úc mím, một trong những loài cá nhỏ nhất của họ cá úc (Ariidae) phân bố ở lưu vực sông Mekong, trong quá trình thu mẫu, loài này chỉ thấy xuất hiện ở sông Hậu, đoạn giáp Cần Thơ và Hậu Giang. Theo nhóm tác giả, đề tài nghiên cứu được hình thể, đặc điểm sinh học loài cá này, có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kế hoạch bảo tồn các loài cá úc, như thiết lập thời gian và kích thước mắt lưới để đánh bắt và các chương trình gia hóa (domestication) cá úc để nuôi trong điều kiện nhân tạo.
Nghiên cứu cũng đã giải trình tự hệ gen ty thể của ba loài cá da trơn, gồm cá bông lau, tra bần và tra. Theo nhóm nghiên cứu, kết quả về mối quan hệ phả hệ dựa trên hệ gen ty thể từ nghiên cứu này rất hữu ích cho việc đánh giá lại hệ thống phân loại, DNA mã vạch, hệ thống và phát sinh loài, di truyền quần thể,… các loài cá da trơn Siluriformes.
Riêng đối với cá bông lau, có giá trị kinh tế cao và đang là đối tượng nuôi tiềm năng ở vùng nước lợ, nghiên cứu cho thấy cá bông lau có thể có ba nguồn di truyền khác nhau và chúng di cư dọc theo bờ biển, xa các cửa sông. Con đường di cư dài hơn so với các nghiên cứu trước đây, điều này quan trọng trong việc bảo tồn nguồn gốc và con đường di cư của cá bông lau.
Đề tài nghiên cứu của nhóm tác giả thuộc Chương trình tài trợ nghiên cứu cơ bản trong khoa học tự nhiên và kỹ thuật của Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia (NAFOSTED), đã được nghiệm thu, kết quả đạt.
Kiều Anh
Báo Khoa học & Phát triển