Thứ Tư, 8/05/2024, 8:00

Cách phòng và trị bệnh thường gặp ở cá kèo

Ngày nay ở các địa phương mô hình nuôi cá kèo ngày càng được nhân rộng và phát triển. Tuy nhiên, cá kèo rất hay bị nhiễm bệnh khiến cho thu nhập từ mô hình nuôi cá kèo bị giảm. Sau đây là một số bệnh thường gặp và cách phòng trị bệnh ở cá kèo mời bà con tham khảo…

Bệnh tuột nhớt

Nguyên nhân: Do vi khuẩn Pseudomonas dermoalba gây ra. Bệnh phát sinh do cá bị sây sát trong đánh bắt, vận chuyển hoặc do môi trường nước thay đổi đột ngột. Bệnh có khả năng lây lan rất nhanh giữa các cá thể trong cùng 1 ao và giữa các ao.

Triệu chứng: toàn thân bao phủ một lớp nhớt màu trắng đục. Cá tách đàn, bơi lờ đờ, bỏ ăn. Khi bệnh nặng, mình cá lở loét, vây rách nát, sau đó cá chết rất nhanh.

Phòng bệnh: Luôn giữ môi trường nước trong ao sạch, không bị ô nhiễm. Chọn giống khỏe, vận chuyển đúng quy trình để cá khỏe, không bị sây sát.

Nếu nuôi thâm canh, định kỳ 10 – 15 ngày xử lý nước và đáy ao bằng các chế phẩm vi sinh.

Đảm bảo đầy đủ thức ăn cho cá phát triển khỏe mạnh, định kỳ bổ sung vitamin và khoáng chất vào thức ăn giúp cá tăng cường sức đề kháng.

Trị bệnh: Biện pháp xử lý đầu tiên khi cá nhiễm bệnh là thay 20 – 30% nước trong ao bằng nguồn nước sạch, vệ sinh xung quanh ao. Dùng thuốc diệt khuẩn xử lý nước trong ao. Dùng thuốc điều trị trộn vào thức ăn theo đúng liều lượng.

Rải vôi sát khuẩn bờ ao, tránh lây lan rộng. Không dùng chung dụng cụ chăm sóc của ao bị nhiễm bệnh với ao chưa bị nhiễm bệnh.

Chú ý: Không dùng kháng sinh để phòng bệnh. Nếu phải điều trị bệnh bằng kháng sinh thì ngưng sử dụng thuốc 4 tuần trước khi thu hoạch.

Bệnh nhiễm khuẩn huyết Aeromonas

Nguyên nhân: Do các vi khuẩn thuộc nhóm Aeromonas (gồm A.hydrophil, A. caviae, A. sobria) gây ra. Bệnh dễ phát sinh trong môi trường nước nhiễm bẩn, bị ô nhiễm từ các nguồn nước thải công nghiệp, hàm lượng oxy hòa tan trong nước thấp. Nuôi với mật độ dày cũng là nguyên nhân là cho cá dễ mắc bệnh. Bệnh xuất hiện quanh năm.

Triệu chứng: Cá bị bệnh có hiện tượng cơ thể cá xuất hiện từng mảng đỏ với nhiều khối u, bụng có biểu hiện sẫm màu từng vùng, lưng có nhiều vết thương, đuôi và vây bị hoại tử, mắt mờ đục, lồi sưng phù, hậu môn sưng to. Cá bỏ ăn, nổi nghiêng hoặc nổi đứng lờ đờ trên mặt nước.

Cách điều trị: Xử lý nước bằng các sản phẩm Vimekon 1kg/1.500 m3 nước, Vime – Protex 1kg/2.000 m3. Kết hợp trộn vào thức ăn từ 7 – 10 ngày bằng các sản phẩm sau:

Đối với cá dưới 2 tháng tuổi: sáng Glusome 115: 5g/1kg thức ăn. Chiều 200ml Vimenro 200 + 300g Trimesul cho 1 tấn cá.

Cá trên 2 tháng tuổi: sáng Glusome 115: 5 g/kg thức ăn. Chiều 100ml Vimenro 200 + 200g Trimesul cho 1 tấn cá.

Bệnh trắng đuôi

Nguyên nhân: Do vi khuẩn Pseudomonas dermoalba gây ra.

Triệu chứng: Cá bị bệnh thường có các hiện tượng như có một số điểm trắng trên đuôi, sau đó lây lan đến vây lưng, vây hậu môn. Dần dần đuôi và các vây bị xuất huyết và rách nát. Khi bệnh nặng hơn, cá sẽ bỏ ăn, bơi lội lờ đờ, sau đó đầu chúi xuống và bơi lờ đờ hoặc treo lơ lửng trên mặt nước.

Cách điều trị:

Thay 30% nước trong ao nuôi, vệ sinh xung quanh ao.

Tắm cá bằng Fresh water 1 kg/1.500 m3 hoặc Vimekon 1kg/1.500 m3.

Trộn thuốc vào thức ăn liên tục 5 – 7 ngày.

Cá dưới 2 tháng tuổi: sáng Vime – Glucan: 3g/1kg thức ăn. Chiều 200g Doxery + 200g Vimerocin cho 1 tấn cá.

Cá trên 2 tháng tuổi: sáng Vime – Glucan: 2g/1kg thức ăn. Chiều 150g Doxery + 150g Vimerocin cho 1 tấn cá./.

Như Ý

Báo Dân tộc và Phát triển