Hiện nay, việc đầu tư phát triển điện năng lượng mặt trời trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu khá nhiều, đặc biệt là phục vụ cho nuôi trồng thủy sản, trang trại chăn nuôi.
Nhờ điều kiện khí hậu đặc trưng, nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đã đầu tư và phát triển điện mặt trời (ĐMT) ở những trại tôm, vừa đảm bảo được nguồn điện ổn định, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình ĐMT áp mái kết hợp với nuôi tôm của hộ ông Trịnh Văn Hoặt (xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải) là một minh chứng.
Ông Hoặt lắp đặt ĐMT áp mái vào năm 2021, sau hơn 2 năm sử dụng, bước đầu đã cho thấy tính hiệu quả không nhỏ trong tận dụng điện năng lượng mặt trời cho sản xuất, nhất là giúp giảm chi phí sản xuất. Ông Trịnh Văn Hoặt chia sẻ: “Hiện gia đình tôi đang sử dụng 5kWh ĐMT để cung cấp năng lượng cho hệ thống quạt, sủi oxy cho ao vèo tôm của gia đình. Tôi thấy việc sử dụng ĐMT khá tiện lợi và ít tốn kém, nguồn điện ổn định. Cái khó là nguồn vốn đầu tư ban đầu để lắp đặt, còn lại thì chỉ cần quản lý, kiểm soát tốt việc vận hành các thiết bị phụ trợ mà không phải lo lắng về hóa đơn tiền điện mỗi tháng”.
Sử dụng năng lượng tái tạo trong nuôi trồng thủy sản đang là một trong những giải pháp giảm chi phí nuôi khá hiệu quả. Bởi điện năng là một trong các yếu tố quan trọng nhất để nuôi tôm thâm canh – bán thâm canh, siêu thâm canh.
Theo nghiên cứu của ngành chuyên môn, 1 tấn tôm thâm canh sẽ tiêu thụ hơn 4.000 kWh điện, theo đó người dân sẽ chi số tiền không nhỏ. Vì vậy, việc lắp đặt điện năng lượng mặt trời như của gia đình ông Hoặt sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao do tiết kiệm được chi phí sản xuất. Bên cạnh đó, mô hình này còn tạo ra cơ hội để nông dân tiếp cận, ứng dụng năng lượng tái tạo cho phát triển sản xuất; hướng đến sản xuất thân thiện với môi trường; tạo tính lan tỏa để người dân hiểu rõ hơn và ứng dụng tốt hơn những tiến bộ khoa học vào sản xuất để nâng cao đời sống người dân.
Khôi Nguyên
Nguồn: Báo Bạc Liêu