Nắng nóng khiến nhiệt độ nước tăng, gây stress cho thủy sản nuôi, nếu thủy sản nuôi mang mầm bệnh trong cơ thể sẽ phát ra thành bệnh gây chậm lớn hoặc chết.
Hiện nay vùng Bắc Trung Bộ đặc biệt là tỉnh Nghệ An đang trong mùa nắng nóng cao điểm gây ảnh hưởng đến việc sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh nói chung và nuôi trồng thủy sản nói riêng.
Trong khi dự báo, từ tháng 6 – 7 /2023, trên địa bàn tỉnh nắng nóng có xu hướng gia tăng hơn và ảnh hưởng trên diện rộng toàn tỉnh. Nắng nóng sẽ khiến nhiệt độ nước tăng và rất dễ gây stress cho thủy sản nuôi. Nếu thủy sản nuôi mang các mầm bệnh trong cơ thể sẽ phát ra thành bệnh gây các hiện tượng chậm lớn hoặc chết. Trong tình nắng nóng ảnh hưởng trực tiếp đến việc nuôi trồng thủy sản, người nuôi cần chú ý thực hiện phương châm phòng bệnh là chính như: chọn giống khỏe mạnh, không mang các mầm bệnh nguy hiểm, quản lý môi trường nước ao nuôi theo đúng kỹ thuật.
Việc chủ động phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc, bảo vệ các loại thuỷ sản trước những ảnh hưởng của thời tiết bất thường là nhiệm vụ cấp thiết, góp phần giảm thiểu thiệt hại, nâng cao nằn suất cho người nuôi thuỷ sản. Với thời tiết ngày một khắc nghiệt như hiện nay, để nuôi thuỷ sản có hiệu quả cao bà con cần lưu ý:
1. Đối với các ao nuôi tôm
– Trong điều kiện nuôi công nghệ cao có mái che dùng lưới lan hạn chế bớt nhiệt độ; ao bình thường đảm bảo nước trong ao sâu từ 1,2 – 1,5m ; áp dụng những thiết bị như máy quạt nước, sục khí, tăng hàm lượng ôxy hòa tan trong ao và hạn chế sự phân tầng của nước; thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường nước ao nuôi nhằm phát hiện những biểu hiện bất thường và kịp thời xử lý…
– Nên cân đối lượng thức ăn hàng ngày, chỉ cho tôm ăn tối đa khoảng 70 – 80% lượng thức ăn. Vào thời điểm trời mát nên tăng lượng thức ăn trong ngày lên. Sử dụng các chất vi lượng vào trong thức ăn để tăng sức đề kháng cho vật nuôi, cải thiện môi trường nuôi bằng các chế phẩm vi sinh.
2. Đối với ao nuôi cá
– Quản lý thức ăn: Nên giảm lượng thức ăn trong những ngày nắng nóng kéo dài, giảm vào bữa trưa và tăng cường cho ăn vào chiều mát. Bên cạnh đó cần bổ sung dinh dưỡng, vitamin các loại… và các khoáng chất vào thức ăn để tăng sức đề kháng, chống stress, kích thích tiêu hóa sẽ giúp cá nuôi bắt mồi và tiêu hóa thức ăn tốt hơn (liều lượng theo chỉ dẫn của nhà sản xuất) trong thời gian từ 5 – 7 ngày liên tục. Nên cho động vật thủy sản vào thời điểm mát trong ngày (sáng từ 7 – 8 giờ, chiều từ 17 – 18 giờ).
– Luôn duy trì giữ mực nước ao nuôi từ 1,5 m trở lên. Nếu ao không đủ độ sâu, nguồn nước cấp khó khăn ta cần che phủ một phần diện tích ao (15% diện tích) để làm nơi trú ẩn, tránh nắng nóng cho đối tượng nuôi (bèo tây, lưới đen…).
– Tăng cường oxy cho ao nuôi: Thời tiết nắng, nhiệt độ càng cao thì khả năng hòa tan oxy từ tự nhiên vào ao nuôi càng thấp. Vì vậy, ao nuôi cá luôn đảm bảo lượng oxy. Có thể tăng cường oxy cho cá bằng cách bổ sung thêm nước hoặc sử dụng chạy máy quạt nước hoặc máy bơm tạo mưa cho ao nuôi để tuần hoàn nước, tăng oxy, giảm các khí độc trong ao nuôi.
– Quản lý bùn đáy ao và chất lượng nước bằng chế phẩm sinh học, tránh để hiện tượng tảo tàn, tảo độc phát triển trong ao nuôi khi nhiệt độ nước cao và nắng kéo dài. Khi tảo tàn sẽ bám vào mang dẫn tới mắc bệnh về hô hấp, một số chất độc do tảo tàn phân hủy có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe vật nuôi.
3. Đối với ngao bãi triều
– Tăng cường công tác quản lý vệ sinh mặt bãi, vây cọc, tránh để ngao bị dạt vào chân vây.
– Sau khi thủy triều rút để lại lớp phù sa và vũng nước đọng. Cần rửa trôi lớp bùn và san phẳng mặt bãi, tránh tồn đọng những vũng nước vì vũng nước rất dễ hấp thụ nhiệt ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của ngao.
– Chủ động san thưa mật độ ngao nuôi cho hợp lý tùy theo từng giai đoạn nuôi đặc biệt chú trọng san thưa tại những bãi nuôi ở cao triều có thời gian phơi bãi quá 8h/ngày, có thể chuyển bớt sang nuôi ở bãi khác hoặc sàng lọc những cỡ ngao khác nhau để bán ra thị trường.
4. Đối nuôi cá lồng trên sông
– Đối với cá nuôi lồng trên sông, có thể hạ lồng lưới xuống sâu hơn; hoặc phủ lưới đen chiếm 1/2-1/3 diện tích mặt nước để giảm ánh sáng trực tiếp xuống đáy lồng.
– Cần thường xuyên vệ sinh lưới lồng nuôi sạch sẽ, thông thoáng để tăng lưu tốc dòng chảy, cải thiện chất lượng nước, tăng hàm lượng oxy trong nước; giảm 30 – 50% lượng thức ăn hàng ngày hoặc ngừng cho ăn vào những lúc nắng nóng gay gắt.
– Người nuôi cần hạn chế thả mới, thu gom lồng không có thủy sản nuôi nhằm tạo sự thông thoáng cho mặt nước khi thời tiết nắng nóng kéo dài. Đối với những nơi có hàm lượng vật chất hữu cơ nhiều thì cần đặt lồng nuôi cách đáy khoảng 1,5 – 2m; bố trí khoảng cách giữa các lồng nuôi đảm bảo độ thông thoáng, thuận tiện trong quá trình chăm sóc, quản lý, vệ sinh lồng nuôi; khoảng cách giữa các bè nuôi tối thiểu 50m.
Lệ Hằng
Nguồn: Tập san Khuyến nông