Thứ Ba, 13/08/2024, 6:11

Ngành tôm 6 tháng cuối năm: Tìm cơ hội bứt phá

(Aquaculture.vn) – Dù giá trị kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm tăng so với cùng kỳ nhưng khó khăn, thách thức của ngành tôm thì vẫn đang hiện hữu. Theo nhận định của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), “sóng gió” của ngành tôm có thể kéo dài đến hết năm 2024. Để trụ vững trước những khó khăn, thách thức, các mắt xích trong ngành tôm đang tự khai phá lối đi mới cho riêng mình nhằm nuôi hy vọng phục hồi và tăng tốc trong 6 tháng cuối năm 2024.

Người nuôi hy vọng giá tôm sẽ phục hồi từ nửa cuối năm 2024

Kịch bản giá tôm chạm đáy lặp lại

Đối với nghề nuôi tôm, sau thời điểm đầu năm vất vả vì dịch bệnh và nắng nóng kéo dài, tình hình nuôi đã có phần khởi sắc hơn khi phần lớn diện tích thu hoạch đều đạt năng suất cao, thời gian nuôi rút ngắn hơn so với những năm trước. Tuy nhiên, niềm vui của người nuôi tôm chưa thể trọn vẹn khi bước sang đầu tháng 4, giá tôm bắt đầu giảm, mức giảm ngày càng mạnh từ tháng 5 đến nay.
Việc giá tôm giảm mạnh gần như chạm đáy không chỉ mang đến nỗi lo cho người nuôi tôm mà ngay cả doanh nghiệp xuất khẩu cũng hết sức lo lắng. Khi người nuôi chưa thấy mức lợi nhuận kỳ vọng từ giá bán, họ sẽ giảm diện tích nuôi, thậm chí là ngưng nuôi để chờ giá. Thực tế cho thấy, từ đầu tháng 5 đến nay, diện tích thả nuôi mới tại ĐBSCL là không nhiều, kể cả mô hình nuôi lót bạt, nuôi công nghệ cao người nuôi cũng không thả nuôi hết diện tích mà chỉ thả cầm chừng để nghe ngóng thị trường, dù tình hình nuôi đang diễn biến khá thuận lợi. Đây cũng chính là rủi ro tiềm tàng mà các doanh nghiệp đã sớm nhận ra, họ không mạnh tay ký kết các hợp đồng có số lượng lớn, thời gian giao kéo dài.
Những biến động khách quan từ thị trường thế giới đang mang đến thêm nhiều khó khăn cho chế biến, xuất khẩu của ngành tôm. Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm
Sao Ta đưa ra nhận định: “Mở mắt thấy khó khăn, ra đường gặp thách thức”. Cuối năm 2023, lạm phát ở các nước lớn tuy đã được kiềm chế, kinh tế thế giới đã thoát đáy, nhưng tiến trình phục hồi dự báo sẽ chậm, tác động đến nhu cầu tiêu thụ thủy sản. Tình trạng dư cung vẫn tiếp diễn do hàng tồn kho và các nước Nam bán cầu vào vụ thu hoạch mới, chu kỳ giảm giá nhiều loài thủy sản, trong đó có con tôm vẫn chưa thể chấm dứt.
Ông Hồ Quốc Lực cho biết: “Các rào cản thương mại gia tăng và quy định thị trường khắt khe hơn, mà đáng lo nhất là vụ điều tra chống trợ cấp của Hoa Kỳ với tôm 4 nước, trong đó có Việt Nam. Tình hình căng thẳng ở Biển Đỏ có thể gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, gây thiệt hại không nhỏ, trong đó có con tôm. Bên cạnh đó, sức khỏe doanh nghiệp ngành tôm sau một năm vượt khó ít nhiều đã bị giảm sút”.
Theo ông Đặng Ngọc Sơn, Tổng Giám đốc công ty Camimex (Cà Mau), đến cuối tháng 6 thị trường vẫn chưa cho thấy dấu hiệu tốt lên. Do đó, hiện chưa có doanh nghiệp nào dám mạnh dạn đẩy giá tôm nguyên liệu lên, phần lớn vẫn đang nghe ngóng thị trường trước rồi mới đưa ra quyết định. Tuy có khó khăn, nhưng với lợi thế lớn về trình độ chế biến và nuôi tôm thẻ về được kích cỡ lớn, ngành tôm vẫn đủ khả năng giữ được phân khúc thị trường cao cấp tại một số thị trường lớn như Nhật Bản, EU, Hoa Kỳ…

Chờ cơ hội tôm tăng giá

Trước tình trạng giá tôm giảm mạnh trong những tháng gần đây, một trong những vấn đề người nuôi tôm quan tâm hiện nay là làm sao để nuôi tôm có lời, nhằm duy trì nghề nuôi, chờ cơ hội tôm tăng giá dịp cuối năm. Theo ông Lực, trước đây người nuôi thường cố gắng nuôi tôm đạt kích cỡ lớn nhất có thể, vì tôm cỡ lớn luôn có giá bán cao và khá ổn định, nhưng nay, trước sự cạnh tranh gay gắt từ tôm Ecuador giá tôm cỡ lớn cũng giảm nhiều, nếu kéo dài thời gian nuôi rủi ro càng cao. Do đó, giải pháp được Sao Ta áp dụng là tăng mật độ nuôi, tiến hành thu tỉa dần khi tôm đạt kích cỡ theo nhu cầu thị trường, nhằm tăng sản lượng thu hoạch.
Ông Lực chia sẻ: “Vùng nuôi của Sao Ta thả nuôi từ cuối tháng 4 vừa qua, không đầy 50 ngày nuôi, các ao tôm đạt cỡ 100 con/kg. Lúc này, chúng tôi tiến hành thu tỉa để giảm rủi ro và số lượng còn lại có môi trường thuận lợi tăng trưởng nhanh hơn. Bước đầu giải pháp này có kết quả khả quan, như ý”.
Lời giải của Sao Ta cũng chính là khuyến cáo của ngành chức năng và doanh nghiệp đưa ra cho người nuôi tôm, tìm cách lách qua khe hở thị trường để bán được giá tốt hơn, người nuôi cần sớm xác định yêu cầu của thị trường từ đó đưa ra cách nuôi phù hợp. Theo đó, thị trường Trung Quốc vẫn là mục tiêu hàng đầu và tiếp theo là thị trường nội địa.
Các giải pháp trên vừa giúp giảm chi phí, vừa thu tôm đạt yêu cầu thị trường, vừa đảm bảo năng suất và giá bán hợp lý. Tuy nhiên, để giảm giá thành tôm nuôi, một trong những vấn đề quan trọng là người nuôi phải có đủ vốn để mua vật tư đầu vào với giá rẻ, nên chọn con giống có chất lượng tốt nhất vì con giống quyết định rất lớn đến cả vụ nuôi. Duy trì giữ được đầu con cao thì mới có sản lượng lớn, để giảm giá thành, đảm bảo lợi nhuận kể cả thu hoạch size nhỏ hay size lớn. Việc thu tỉa tôm cũng rất quan trọng, nên thu tỉa bằng cách sử dụng lú để không gây xáo trộn môi trường ao nuôi, tôm không bị stress nhằm giảm hao hụt.
Giá tôm giảm mạnh thời gian qua

Kỳ vọng nửa cuối năm

Nhu cầu tiêu thụ tôm thế giới vẫn yếu, nguồn cung lại dồi dào, nên giá tôm sẽ rất khó tăng mạnh trở lại. Theo bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông VASEP, yếu tố thị trường đang chi phối giá xuất khẩu và giá nguyên liệu thủy sản của Việt Nam. Trong khi nhu cầu của các thị trường hồi phục chậm, thì cạnh tranh các nguồn cung lại tăng, giá xuất khẩu vào các thị trường đều giảm. Trước nhận định trên, thời gian qua, các doanh nghiệp đều tích cực trong việc tìm kiếm, tiếp xúc, trao đổi với khách hàng để duy trì, mở rộng các kênh tiêu thụ từ các hội chợ thủy sản quốc tế cho đến các cuộc gặp gỡ trực tiếp. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, tình hình trước mắt vẫn hết sức khó khăn, giá bán tôm vẫn còn ở mức thấp các doanh nghiệp buộc lòng phải giảm giá thu mua tôm nguyên liệu, khiến giá tôm giảm mạnh thời gian qua.
Theo chia sẻ của các doanh nghiệp, theo quy luật thị trường cơ hội cho ngành tôm thường bắt đầu sáng hơn kể từ quý III trở đi, đây là giai đoạn các nhà nhập khẩu tăng cường mua vào để chuẩn bị nguồn hàng cung ứng cho các dịp lễ, Tết cuối năm. Do đó, giá tôm từ quý III trở đi nhiều khả năng sẽ được cải thiện tốt hơn so với hiện tại, nhưng cũng khó có khả năng tăng mạnh, hiện tại, phần lớn doanh nghiệp đều đã có hợp đồng giao hàng từ quý III đến cuối năm.
Khả năng giá tôm sẽ được cải thiện từ quý III là khá cao, dù mức độ cải thiện nhìn chung vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng của người nuôi. Do đó, người nuôi cần cân nhắc, chọn lựa mô hình, mật độ nuôi phù hợp để vừa đảm bảo tỷ lệ nuôi thành công cao nhằm giảm giá thành sản xuất, vừa thu hoạch được tôm cỡ lớn có giá ổn định hơn, giúp gia tăng lợi nhuận của vụ nuôi. Mặt khác, kỳ vọng về thuế chống trợ cấp tôm tại thị trường Hoa Kỳ dự kiến trong tháng 8 hoặc tháng 9… và việc kinh tế thế giới sớm hồi phục, lạm phát được kéo giảm mạnh hơn sẽ mang đến luồng gió mới cho nền kinh tế nói chung và thủy sản nói riêng.
Nửa cuối năm, các thị trường nhập khẩu chính sẽ có tín hiệu tốt hơn, các vấn đề tồn kho và khó khăn vận tải sẽ giảm bớt, nhu cầu sẽ phục hồi và giá sẽ tăng lại. Nhiều doanh nghiệp đang rất chờ đợi nhưng cũng có lo lắng, bởi giá tôm giảm mạnh thời gian dài khiến nhiều hộ ngưng nuôi, nguy cơ thiếu tôm nguyên liệu dịp cuối năm. Nếu tất cả sự kỳ vọng diễn ra theo kịch bản có lợi cho con tôm thì mọi thứ sẽ thay đổi theo chiều hướng tốt hơn, đảm bảo mục tiêu về đích của ngành tôm năm 2024.
Các doanh nghiệp ngành tôm luôn chủ động có đối sách, hướng đi mới cho riêng mình. Theo đó, thị trường Hoa Kỳ tuy có sức tiêu thụ lớn, nhưng tôm Việt gặp bất lợi trong cạnh tranh với tôm giá rẻ đến từ Ecuador và Ấn Độ và gần đây là giá cước vận tải tăng mạnh. Do đó, hầu hết doanh nghiệp đều giảm tỷ trọng xuất khẩu vào thị trường này, tập trung cho thị trường gần như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Trung Quốc… Ngay cả Tập đoàn Thủy sản Minh Phú vốn lấy thị trường Hoa Kỳ làm chủ lực thì nay cũng đang có kế hoạch chuyển hướng sang thị trường Trung Quốc để hạn chế rủi ro.
Đối với Sao Ta, tỷ lệ tăng trưởng có tốt hơn khi đạt mức hai con số, đáp ứng kỳ vọng của doanh nghiệp. Giai đoạn nửa cuối năm sẽ thuận lợi hơn, do đây là lúc nhu cầu thị trường tăng mạnh, nhưng không vì thế mà doanh nghiệp chủ quan, bởi diễn biến thị trường là vô chừng với những biến số tác động cho cả cầu lẫn cung.
Hiện nay, các doanh nghiệp đã và đang chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng để có nguồn thông tin chính thống về tình hình nguồn cung tôm từ các thị trường lớn trên thế giới. Bởi, đối với doanh nghiệp, việc “biết mình, biết ta” là rất quan trọng. Mỗi doanh nghiệp đều tìm cách thu thập thông tin qua những kênh riêng của mình, để nắm diễn biến tình hình cung cầu từng thị trường, từng hệ thống tiêu thụ trên thế giới, từ đó có giải pháp, sách lược cho từng tình huống, từng giai đoạn cụ thể. “Tất cả đều tranh thủ mọi cơ hội tăng tốc ở nửa cuối năm, hy vọng thị trường tới đây sẽ khả quan hơn, cơ hội sẽ đến với ngành tôm một cách rõ ràng hơn để ngành tôm về đích đúng như mong đợi”, ông Lực nhấn mạnh.

Hoàng Nhã