(Aquaculture.vn) – Năm 2023, Trung Quốc đã trở thành quốc gia tiêu thụ tôm hàng đầu, với lượng nhập khẩu vượt qua mốc một triệu tấn. Tuy nhiên, dự báo năm 2024 cho thấy khối lượng nhập khẩu sẽ giảm xuống còn 934.171 tấn (Van der Pijl, 2024).
Nguồn cung tôm thẻ chân trắng tại Trung Quốc
Theo dự báo của Tiến sĩ Luca Micciche, Giám đốc Kỹ thuật tại Verdesian Life Sciences, tổng sản lượng tôm của Trung Quốc trong năm 2024 sẽ đạt 2,5 triệu tấn, trong đó tôm thẻ chân trắng vẫn chiếm ưu thế với 93%.
Sự tăng trưởng ấn tượng của ngành tôm Trung Quốc trong giai đoạn 2004 – 2020 với tốc độ trung bình 5,2% mỗi năm đã không còn được duy trì. Đại dịch Covid-19 và những biến động của nền kinh tế toàn cầu đã khiến ngành tôm này giảm tốc đáng kể, chỉ đạt 1% mỗi năm kể từ năm 2020. Sự thay đổi đột ngột này cho thấy ngành tôm Trung Quốc đang cần tìm kiếm những giải pháp tối ưu để thích ứng với tình hình mới.
Mô hình canh tác
Trong tổng diện tích nuôi trồng thủy sản 7.394.647 ha của Trung Quốc, nuôi tôm chiếm 10%. Hiện tại, có khoảng 450.000 ao nuôi tôm đang hoạt động tại Trung Quốc, ở các cấp độ khác nhau (theo Robins Mcintosh, Charoen Pokphand Foods, Thái Lan). Trong đó, các mô hình nuôi nhà kính nhỏ (mật độ 150 PL/m2) đang là tâm điểm chú ý với tốc độ tăng trưởng 12% trong giai đoạn 2020 – 2024, vượt xa so với 2% của ao đất truyền thống (mật độ 60 PL/m2). Sự khác biệt này cho thấy xu hướng chuyển dịch từ các mô hình nuôi trồng truyền thống sang các mô hình hiện đại, hiệu quả hơn, nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng cao. Tiếp theo là các ao lót bạt với mật độ thả giống từ 100 – 150 PL/m², đạt mức tăng trưởng 8%.
Để tăng sản lượng, mô hình nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao với mật độ thả nuôi có thể lên tới 1.200 PL/m², đã được nhiều doanh nghiệp và người nuôi áp dụng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tốc độ tăng trưởng của mô hình này đã giảm xuống còn 6% do phải đối mặt với những thách thức lớn về bệnh dịch và ô nhiễm môi trường. Điều này đặt ra câu hỏi về sự bền vững của mô hình nuôi tôm thâm canh và yêu cầu các nhà sản xuất phải tìm kiếm những giải pháp cân bằng giữa hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường.
Tiến sĩ Luca Micciche đã đánh giá sáu mô hình nuôi trồng thủy sản dựa trên các tiêu chí như an toàn sinh học, lợi nhuận, khả năng nhân rộng và tính bền vững. Kết quả cho thấy, mô hình nuôi nhà kính nhỏ với diện tích dưới một mu (666,7 m2), sử dụng hệ thống biofloc và mật độ thả giống trung bình 125 PL/m² đã đạt được hiệu quả toàn diện nhất. Điều này cho thấy, mô hình này có tiềm năng lớn để phát triển và nhân rộng tại Trung Quốc.
Tìm hiểu về mô hình canh tác nhà kính nhỏ
Mô hình nuôi tôm trong nhà kính nhỏ tại Rudong, Giang Tô đã chứng minh được hiệu quả cao. Với diện tích ao từ 320 – 360 m², mật độ thả 150 PL/m² và việc sử dụng tấm nhựa che phủ, mô hình này giúp kiểm soát tốt môi trường nuôi. Việc thay nước ít (5 – 10%) kết hợp với việc sử dụng EM đã tạo ra một hệ sinh thái ổn định, hạn chế dịch bệnh. Đặc biệt, khả năng thu hoạch phân kỳ và quản lý nhiều ao cùng lúc đã tăng đáng kể hiệu quả sản xuất.
Các ao nuôi nhỏ có kích thước 40m x 9m (360m2) đã chứng minh được hiệu quả kinh tế cao. Với mật độ nuôi phù hợp, mỗi ao có thể đạt sản lượng lên tới gần một tấn tôm sau ba vụ. Việc đào sâu ao nuôi không chỉ giúp tăng năng suất lên đến 50% mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc nuôi xen canh, đa dạng hóa sản phẩm và giảm thiểu rủi ro.
An toàn sinh học là ưu tiên hàng đầu trong mô hình nhà kính. Nhờ hệ thống khép kín, việc thay nước gần như không cần thiết. Nguy cơ nhiễm bệnh chủ yếu đến từ tôm giống, vì vậy nông dân Trung Quốc đặc biệt chú trọng kiểm tra kỹ lưỡng để đảm bảo không có vi khuẩn Vibrio gây hại. Đối với nông dân Trung Quốc, Enterocytozoon hepatopenaei (EHP) là mối đe dọa kinh tế lớn nhất, có khả năng hủy hoại cả vụ nuôi. Bên cạnh đó, virus gây chết ấu trùng (HLV) cũng là một thách thức bởi nó có thể gây chết tôm ngay từ giai đoạn đầu. Do đó, người nuôi luôn tìm cách tăng tốc độ tăng trưởng của tôm với chi phí thấp nhất để giảm thiểu rủi ro.
Nhiều nhà kính nhỏ tận dụng nguồn nước ngầm để nuôi tôm, tuy nhiên, việc làm này lại không được sự cho phép của chính quyền. Chính vì vậy, các cơ quan chức năng đang tăng cường giám sát, thường xuyên lấy mẫu nước thải và tôm để kiểm tra chất lượng. Nếu phát hiện dấu hiệu ô nhiễm hoặc lạm dụng kháng sinh, các ao nuôi này có nguy cơ bị đóng cửa.
Chi phí sản xuất và giá tại trang trại
Cũng theo Tiến sĩ Luca Micciche, chi phí sản xuất tôm tại Trung Quốc hiện dao động trong khoảng 3 – 3,6 USD/kg. Điều đáng lo ngại là giá tôm tại trang trại đã liên tục giảm trong 4 năm qua, khiến nhiều nông dân gặp khó khăn trong việc hòa vốn. Thậm chí, dự báo đến cuối năm 2024, giá thành sản xuất có thể ngang bằng với giá bán, đẩy người nuôi tôm vào tình trạng thua lỗ.
Các chuyên ra cho rằng, chi phí sản xuất tôm có thể giảm đáng kể nếu người nuôi giảm lượng protein trong thức ăn. Tại Trung Quốc, thức ăn giàu protein có giá khá cao, từ 1,3 – 1,8 USD/kg. Để duy trì hoạt động, nông dân cần giá bán tối thiểu 5 USD/kg. Vì vậy, việc điều chỉnh công thức thức ăn và giảm giá thành là rất cần thiết.
Triển vọng
Trước nhu cầu thị trường đa dạng cuối năm 2024, các trang trại tôm tại Trung Quốc đang phải đối mặt với hai thách thức chính: cung cấp tôm sống chất lượng cao cho thị trường nội địa và đảm bảo khả năng cạnh tranh với tôm đông lạnh nhập khẩu. Để đạt được mục tiêu này, việc nuôi tôm khỏe mạnh, có thể chịu đựng vận chuyển đường dài và phát triển đàn giống sạch bệnh là vô cùng quan trọng.
Hiện tại, thị trường Trung Quốc vẫn còn dư địa cho cả tôm nội địa và tôm nhập khẩu từ Ecuador. Các chuyên gia nhận định rằng, nhu cầu sẽ gia tăng vào năm 2025 và giá cả sẽ được cải thiện.
Mỹ Tiên (Theo Aquaculture Asia Pacific)