Thứ Năm, 3/03/2022, 10:22

Xuất khẩu cá tra hướng tới mục tiêu trên 1,6 tỉ USD trong năm 2022

Ngày 25/2, tại TP Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch phát triển ngành hàng cá tra năm 2022. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì hội nghị.

Quang cảnh hôi nghị

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), năm 2021 khép lại với hàng loạt khó khăn do tác động trực tiếp của đại dịch Covid-19 lên nền kinh tế, trong đó có ngành cá tra. Nếu như năm 2020, ngành hàng cá tra bị ảnh hưởng bởi lệnh phong tỏa tại các thị trường xuất khẩu chính, thì năm 2021 bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Chuỗi sản xuất, chế biến và xuất khẩu cá tra đã bị tác động mạnh, làm cho toàn ngành gặp nhiều khó khăn. Riêng các tháng 7, 8 và 9-2021, diện tích thả nuôi cá tra giảm 30-55% và sản lượng giảm tới 17,9% so với cùng kỳ năm 2020, do nhiều địa phương ở ĐBSCL thực hiện giãn cách xã hội. Nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản tạm ngưng hoặc dừng hoạt động, do không đáp ứng được gánh nặng chi phí và điều kiện “3 tại chỗ”.

Trước bối cảnh đó, Bộ NN-PTNT đã kịp thời triển khai nhiều phương án như thành lập Tổ công tác đặc biệt 970, phối hợp với các Bộ Y tế, Bộ GTVT, Bộ Công thương và các địa phương để trực tiếp xử lý vướng mắc nảy sinh trong sản xuất; tổ chức một số hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, tiêu thụ thủy sản nói chung; tổ chức hội nghị riêng bàn về giải pháp phát triển ngành hàng cá tra… Nhờ đó, kết quả sản xuất nuôi trồng thủy sản năm 2021 vẫn duy trì tăng trưởng. Cụ thể, sản lượng nuôi trồng thủy sản cả năm đạt 4,81 triệu tấn, tăng 1,1% so với năm 2020; trong đó sản lượng cá tra đạt 1,52 triệu tấn, tăng 1,63% so với cùng kỳ năm 2020. Kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2021 đạt 1,62 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là cú lội ngược dòng ngoạn mục của ngành hàng cá tra trong năm 2021.

Theo báo cáo từ Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2021 dù đối mặt với dịch Covid-19, xuất khẩu cá tra vẫn tăng 8,4% so với 2020, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1,61 tỷ USD. Hiện nay, giá cá tra thương phẩm đang ở mức 29.500-30.000 đồng/kg, tăng 4.000-5.000 đồng/kg so với các tháng cuối năm 2021. Theo VASEP, các thị trường nhập khẩu cá tra của Việt Nam đang phục hồi và dự báo tăng trưởng tốt trong năm 2022; vì vậy khả năng giá cá tra xuất khẩu sẽ tăng, bởi các chi phí nuôi, vật tư, lao động, logistics… đều tăng. Từ những yếu tố trên, theo Bộ NN&PTNT trong năm 2022, ngành cá tra dự kiến kế hoạch sản xuất với sản lượng cá thương phẩm đạt 1,6-1,7 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1,6 tỷ USD.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhận định, ở ĐBSCL thị trường cá tra nguyên liệu báo hiệu hồi phục nhanh chóng. Cơ hội mới từ thị trường xuất khẩu năm 2022 đang mở ra. Hiện nay, giá cá tra nguyên liệu tăng là tiền đề quan trọng để phát triển sản xuất, tiêu thụ trong năm 2022 nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro về sự phát triển ổn định của ngành hàng. Kế hoạch năm 2022, tỉnh Đồng Tháp thả nuôi 2.200 ha diện tích cá tra (tăng 4,7% so với năm 2021) với sản lượng 495.000 tấn (tăng 1,8% so với năm 2021). Sản lượng cá tra bột 24.000 triệu con (tăng 28,3% so với năm 2021), sản lượng cá tra giống 1.750 triệu con (tăng 55,4% so với năm 2021).

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đúc Tiến cho biết, nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022 là nâng cao chất lượng giống, tăng cường hợp tác liên kết chuỗi với các cơ sở nuôi nhỏ lẻ nhằm đảm bảo ổn định sản xuất, tiếp tục triển khai đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng Đồng bằng sông Cửu Long…

Để đạt mục tiêu kế hoạch đặt ra, Bộ NN&PTNT yêu cầu các địa phương nâng cao chất lượng giống cá tra, chỉ đạo sản xuất cung ứng đủ con giống chất lượng cao để nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm hao hụt, hạ giá thành sản xuất. Các doanh nghiệp và người nuôi tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, liên kết chuỗi để đảm bảo ổn định đầu ra.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng lưu ý, các doanh nghiệp chế biến thủy sản quan tâm xây dựng các vùng nuôi liên kết một cách chặt chẽ; gắn kết với cơ sở nuôi thông qua hợp đồng bao tiêu sản phẩm có đầu tư, hỗ trợ kinh phí, cùng có trách nhiệm trong việc giám sát, theo dõi quá trình thực hiện sản xuất; theo dõi sát diễn biến thị trường để ứng phó nhanh, đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu của các quốc gia nhập khẩu để sẵn sàng xuất khẩu ngay khi có thời cơ.

Các doanh cần nghiệp đẩy mạnh hoạt động giao dịch điện tử trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19; xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử đối với chuỗi xuất khẩu-nhà máy chế biển-cơ sở nuôi, ao nuôi đã được cấp mã số nhằm minh bạch thông tin. Khuyến cáo đến các hộ nuôi chưa tham gia liên kết với doanh nghiệp, tạm thời chưa thả cá lại, tiến hành nâng cấp điều kiện nuôi, tìm hình thức liên kết phù hợp để đảm bảo có kế hoạch sản xuất ổn định, hạn chế rủi ro do tác động của dịch Covid-19 và các yếu tố khác…

Để ngành hàng cá tra đạt kết quả tốt trong năm 2022, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị Tổng Cục Thủy sản và các cơ quan chức năng liên quan thuộc Bộ cần có sự phối hợp với các địa phương, đánh giá đúng thực trạng, kịp thời đưa ra các giải pháp khắc phục khó khăn để phát triển ngành hàng cá tra hiệu quả bền vững.

Theo BBT

Bộ NN&PTNT

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận