Xây những chiếc bể, làm những chiếc ao ví như “khách sạn 5 sao” để nuôi tôm công nghệ cao, ông Đặng Văn Bảy (ông Bảy An) ở ấp Đại Thôn, xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre bỏ túi từ 20-35 tỷ đồng mỗi năm.
Nuôi tôm công nghệ cao – quyết định “hơi bị liều”
Trong những ngày đầu tháng 11, phóng viên Báo điện tử Dân Việt có dịp về tham quan mô hình nuôi tôm của ông Bảy.
Tại đây, phóng viên vô cùng bất ngờ khi người nông dân ở vùng đất giáp biển này đang sở hữu tới 30ha nuôi tôm. Điều đặc biệt hơn nữa là những diện tích này đều được làm bể, làm ao ví như “khách sạn 5 sao” để nuôi theo công nghệ cao.
Ông Bảy cho biết, cách đây gần 20 năm, ông đã mạnh dạn đầu tư nuôi tôm. Lúc đó, xã Thạnh Phong chỉ có vài hộ dân nuôi tôm. Ông suy nghĩ, vùng đất mình đang sống giáp biển có nhiều lợi thế để nuôi tôm, do đó đã mạnh dạn đầu tư.
Ban đầu, ông Bảy nuôi tôm gặp nhiều khó khăn do kinh nghiệm nuôi tôm chưa nhiều, thời tiết không thuận lợi, tôm thường bị chết với số lượng lớn.
Từ đam mê nuôi tôm và có tinh thần, ý chí, ý thức kỷ luật được rèn luyện trong thời gian thực công tác trong quân đội (trước khi nuôi tôm, ông Bảy có thời gian đi nghĩa vụ quân sự), ông Bảy vẫn bám trụ vào nghề nuôi tôm.
Dần dà, ông Bảy học hỏi, cải thiện dần môi trường cũng như cách nuôi tôm.
“Lúc đó, tôi nuôi tôm chủ yếu phụ thuộc vào lợi thế đất đai tự nhiên, luôn gặp khó khăn và không có dư. Từ năm 2001, tôi cũng như người dân nơi đây dần chuyển sang nuôi tôm công nghiệp nhưng hình thức nuôi còn lạc hậu, vẫn nuôi tôm ao đất nên hiệu quả vẫn chưa cao” – ông Bảy An nhớ lại.
Đến năm 2017, ông Bảy “liều” đem dốc hết vốn liếng để đầu tư, chuyển hẳn từ việc nuôi tôm theo cách truyền thống sang nuôi tôm công nghệ cao.
Theo ông Bảy, theo cách nuôi tôm truyền thống như trước đây, 1 ha đất sẽ có 2 ao nuôi, mỗi ao khoảng 4.000m2 mặt nước. Diện tích còn lại là ao lắng xử lý nước, tuy có thể thả tôm với mật độ dày nhưng hiệu quả không cao.
Với cách nuôi tôm công nghệ cao, 1ha đất nhưng ông Bảy chỉ nuôi khoảng 1.500m2 mặt nước, phần diện tích còn lại ông làm ao ương và ao xử lý nước.
Cách làm này có thể thả tôm với mật độ cao (thả dày đặc), rồi liên tục thay đổi nguồn nước sạch nên tôm lớn nhanh, ít bệnh, cho năng suất cao (năng suất tôm nuôi theo hình thức công nghệ cao tăng hơn 3 lần so với thả nuôi theo bình thường).
Theo ông Bảy, nuôi tôm công nghệ cao đầu tư khá lớn, với khoảng một tỷ đồng/ha như xây dựng bể nổi chứa nước có phủ bạt, làm hệ thống tạo oxy, hệ thống xử lý nước thải, kho chứa thức ăn,…
Do nuôi khép kín, quản lý được thức ăn, môi trường nước được xử lý kỹ, quản lý được dịch bệnh ngay từ ban đầu nên không có dịch bệnh, tôm lớn nhanh, dễ thu hồi vốn và có lời.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo điện tử Dân Việt, quy trình nuôi tôm của ông Bảy qua giai đoạn ương và 1 giai đoạn nuôi thương phẩm.
Mỗi giai đoạn, tôm được nuôi trong 1 ao phù hợp, tôm sẽ được di chuyển từ ao này sang ao khác sau mỗi giai đoạn, theo dòng chảy tự nhiên, nhờ đó tôm không bị sốc nước.
“Nuôi tôm công nghệ cao rủi ro tôm rất thấp, hơn nữa đây xu thế tất yếu trong nền nông nghiệp, trong nuôi trồng thủy sản hiện đại. Đặc biệt là nuôi tôm theo quy trình tiên tiến nên chủ động trong sản xuất, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết. Nuôi tôm công nghệ cao không dùng kháng sinh nên cho sản phẩm tôm sạch, nâng cao sản lượng, chất lượng tôm, từ đó rất được nhiều doanh nghiệp chọn mua” – ông Bảy nói.
Lãi 30-35 tỷ đồng/năm từ mô hình nuôi tôm công nghệ cao
Được biết, quy trình xử lý nguồn nước nuôi tôm công nghệ cao của ông Bảy phải rất nghiêm ngặt.
Ban đầu, nước phải qua ao lắng, sau đó qua ao xử lý, cuối cùng là đến ao nuôi. Còn tôm giống do một công ty lớn, có doanh tiếng ở địa phương cung cấp, đảm bảo sạch bệnh và có chất lượng.
Sau khi mua tôm giống về, ông Bảy để trong bể ương, từ 20 – 30 ngày sau, những con tôm đạt kích cỡ đồng đều sẽ thả ra ao nuôi.
Trong quá trình nuôi tôm, chất thải từ ao nuôi tôm luôn được lọc kỹ, thu gom thường xuyên. Ông Bảy cho rằng, đây là một trong những yếu tố quan trọng để mang lại sự thành công trong nuôi tôm công nghệ cao.
Với mật độ thả nuôi 300 con/m2, sau hơn 2 tháng, tôm trong bể của ông Bảy có thể đã đạt trong lượng khoảng 30 con/kg.
“Bản thân tôi bén duyên cùng con tôm ngay từ những ngày đầu lập nghiệp, do đó tôi rất hiểu về nó, từ cách sinh trưởng, cần môi trường sống như thế nào, nguồn nước ra sao, thức ăn gì. Tôi luôn tìm ra cách nuôi mới sao cho hiệu quả nhất và trên hết là không gây ô nhiễm môi trường” – ông Bảy nói khi dẫn phóng viên tham quan trang trại nuôi tôm.
Mô hình nuôi tôm công nghệ cao của ông Bảy còn sử dụng từ 50-60 lao động của địa phương. Hằng năm, ông đóng góp phúc lợi xã hội khoảng 1 tỷ đồng. Từ sự hỗ trợ của ông Bảy, huyện Thạnh Phú có rất nhiều nông dân thành công từ việc nuôi tôm công nghệ cao, doanh thu đạt tiền tỷ mỗi năm.
Hiện ông Bảy là thành viên của Câu lạc bộ Nông dân tỷ phú tỉnh Bến Tre và là cố vấn Câu lạc bộ Nông dân tỷ phú huyện Thạnh Phú (phần lớn là nông dân nuôi tôm).
“Đây là sân chơi đặc biệt của người dân nuôi tôm nói riêng và nông dân phấn đấu làm giàu nói chung, với mục đích giúp lan tỏa mô hình sản xuất hiệu quả, góp phần đưa kinh tế của huyện biển phát triển theo hướng đột phá, bền vững” – ông Bảy chia sẻ về Câu lạc bộ Nông dân tỷ phú huyện Thạnh Phú.
Từ 1 trang trại ban đầu lúc lập nghiệp, bây giờ ông Bảy đã có 6 trang trại nuôi tôm công nghệ cao.
Ông Đặng Văn Bảy cho hay, năm 2019, với sản lượng tôm đạt 300 tấn, thu về gần 20 tỷ đồng. Đến năm 2020, ông Bảy xuất bán khoảng 350 tấn tôm, thu lợi nhuận khoảng 25 tỷ đồng.
Riêng năm 2021 này, ông đã xuất bán 350 tấn tôm, từ nay đến cuối năm khoảng 80 tấn nữa, nếu giá tôm tiếp tục giữ vững, lợi nhuận có thể đạt từ 30-35 tỷ đồng.
Khi phóng viên hỏi thêm, trong 2 năm qua, dịch Covid-19 có ảnh hưởng đến việc bán tôm không, ông Bảy cho hay: “Khi dịch Covid-19 xảy ra, bà con ở địa phương hoang mang sợ khó bán nên không dám nuôi tôm size (kích cỡ) lớn nhưng riêng mình tôi nuôi nhiều. Kết quả là hiện nay giá tôm size lớn đang được các nhà máy của nhiều doanh nghiệp thủy lớn ở ĐBSCL mua với giá cao so với năm trước từ 25-35%”.
Huỳnh Xây
Báo Dân Việt