[Aquaculture Việt Nam] – Hiện nay, đang là thời điểm bắt đầu vụ tôm Xuân – Hè ở các tỉnh miền Bắc và miền Trung. Năm nay, thời tiết ấm hơn năm ngoái nên người nuôi tôm cũng thả giống sớm, nhưng vẫn lo tôm khó tiêu thụ do dịch bệnh Covid, đặc biệt là giá thức ăn tôm, vật tư đầu vào đang tăng cao…
Người nuôi tất bật chuẩn bị, dọn dẹp ao, sẵn sàng cho vụ tôm mới
Sẵn sàng cho vụ tôm mới…
Những ngày này, bà con vùng nuôi tôm của HTX Nuôi trồng thủy sản Tiểu Láng (xã Kỳ Hà, TX Kỳ Anh) đang tất bật cải tạo ao đầm, thực hiện các điều kiện cần thiết để xuống giống vụ tôm xuân hè 2021. Ông Lê Quang Anh – Giám đốc HTX Nuôi trồng thủy sản Tiểu Láng cho biết: HTX hiện đang có 45 thành viên tham gia. Chúng tôi sẽ thả nuôi hết 100% số diện tích với gần 37 ha. Quá trình cải tạo ao đầm năm nay tốn thời gian, nhân lực hơn vì sau trận lũ lịch sử hồi tháng 10/2020, các hộ đều gần như bỏ trống ao, không tiến hành thả nuôi trong một thời gian dài. “Đến nay, công tác cải tạo đã cơ bản hoàn thành, chuẩn bị bơm nước vào để xử lý và chờ ngày thả giống. Việc lựa chọn con giống đảm bảo chất lượng cũng được các hộ nuôi đặc biệt quan tâm, chú trọng. Bà con rất kỳ vọng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, vụ tôm này sẽ thuận lợi để “gỡ” lại phần nào thiệt hại trong năm 2020 vừa qua” – ông Anh cho biết thêm.
Tại huyện Nghi Xuân, bà con nông dân xã Xuân Phổ cũng đang dồn sức để nhanh chóng hoàn tất công tác chuẩn bị cho vụ mùa mới. Anh Hồ Quang Dũng (xã Xuân Phổ, Nghi Xuân) chia sẻ: “Tranh thủ thời tiết thuận lợi, chúng tôi tiến hành vệ sinh thật kỹ nhằm loại bỏ mầm bệnh tồn dư trong ao nuôi; xử lý hệ thống kênh cấp, thoát nước, ao chứa lắng; cải tạo lại hệ thống bờ kè bị sụt lún, hư hỏng trong đợt lũ 2020… Khởi đầu vụ nuôi năm nay, chúng tôi dự kiến sẽ thả 1,5 triệu con giống của Tập đoàn Việt – Úc, Công ty TNHH Thông Thuận vào các nhà ươm, khi tôm giống được gần 1 tháng mới đưa ra môi trường tự nhiên, với diện tích gần 5,5 ha”.
Được biết, theo khung lịch thời vụ năm 2021 của Sở NN&PTNT, tôm thẻ có thể bắt đầu thả giống từ đầu tháng 3 dương lịch và tôm sú là từ tháng 4. Toàn tỉnh dự kiến sẽ sản xuất trên diện tích 2.526 ha với hơn 869 triệu con giống. Trong đó, TP Hà Tĩnh 310 ha, thị xã Kỳ Anh 510 ha, Kỳ Anh 591 ha, Cẩm Xuyên 300 ha, Thạch Hà 266 ha, Lộc Hà 125 ha, Nghi Xuân 424 ha.
Nhiều khó khăn…
Anh T.V.V, một người nuôi tôm ở Hải Hòa – Thành phố Móng Cái (Quảng Ninh) cho biết, từ cuối năm 2020 đến nay thức ăn tôm liên tục tăng giá, trong khi đó dịch bệnh Covid khiến cho tôm khó tiêu thụ, giá bán thấp nên người nuôi gặp rất nhiều khó khăn. “Giá cả đầu vào ngày càng tăng cao nhưng không thể không nuôi tôm, bởi không nuôi tôm thì không biết làm gì nên đành phải bám lấy con tôm”, anh V cho biết thêm.
Không chỉ người nuôi tôm, mà các đại lý kinh doanh thủy sản cũng gặp nhiều khó khăn khi người nuôi tôm “bỏ ao” hoặc chỉ thả một phần diện tích, bởi còn lo ngại những khó khăn sẽ lặp lại của năm 2020. Chủ một đại lý con giống thuốc thủy sản ở Nghĩa Hưng (Nam Định) cho biết, năm trước đến thời điểm này đã thả cho bà con được vài chục triệu tôm giống nhưng năm nay mới thả được vài triệu con. Người nuôi chưa thả giống nên thuốc, chế phẩm cũng chưa “đắt hàng” nên đại lý cũng chưa nhập hàng về nhiều.
Trong khó khăn chung của ngành, nhiều doanh nghiệp cũng phải “chuyển mình” để thích nghi. Cụ thể, một giám đốc kinh doanh công ty chuyên cung cấp thuốc, chế phẩm sinh học cho biết: Hiện nay, khó khăn nguồn nguyên liệu đầu vào (hiếm hàng, giá cao) nên công ty phải thay đổi cách kinh doanh, trước đây bán vào nhà phân phối/ đại lý nhưng do nhà phân phối/ đại lý đòi hỏi chính sách hoa hồng cao nên công ty chuyển hướng bán trực tiếp cho người nuôi.
Để giúp người nuôi cũng như các địa phương chuẩn bị tốt cho vụ nuôi tôm mới. Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) đã ban hành khung lịch mùa vụ thả giống nuôi tôm nước lợ năm 2021 gửi Sở NN&PTNT các tỉnh, thành trong cả nước để hướng dẫn kỹ thuật người nuôi, quản lý việc nuôi tôm nhằm mang lại hiệu quả kinh tế.
Tổng cục Thủy sản đề nghị các địa phương căn cứ vào khung lịch mùa vụ chung và tình hình thực tế ở địa phương xây dựng lịch mùa vụ thả giống tôm nước lợ cụ thể, phù hợp. Đồng thời, tăng cường quan trắc môi trường, hướng dẫn kỹ thuật, quản lý con giống, khuyến cáo người nuôi sử dụng con giống chất lượng, áp dụng các mô hình nuôi hiệu quả, như: Mô hình nuôi tôm 2, 3 giai đoạn; mô hình ứng dụng công nghệ sinh học, tuần hoàn, ít thay nước… để kiểm soát dịch bệnh, tăng hiệu quả kinh tế.
Ngô Quân