Tính đến cuối tháng 9/2021, Việt Nam xuất khẩu thủy sản sang 154 thị trường. Trong đó, 6 thị trường dẫn đầu là Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc và ASEAN chiếm gần 80% kim ngạch xuất khẩu.
Sản xuất và xuất khẩu tôm từ nửa cuối tháng 9/2021 đến nay đã có dấu hiệu tích cực hơn nhất là tại một số tỉnh trọng điểm về tôm như Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.
Tính đến hết tháng 9/2021, tổng giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam đạt 1,07 tỷ USD, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Tình hình dịch bệnh COVID-19 ở Đồng bằng sông Cửu Long trong những tháng qua diễn biến rất phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động nuôi trồng, sản xuất và xuất khẩu của các doanh nghiệp chế biến cá tra tại khu vực này.
Sản xuất và xuất khẩu tôm từ nửa cuối tháng 9/2021 đến nay đã có dấu hiệu tích cực hơn nhất là tại một số tỉnh trọng điểm về tôm như Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Nhờ các tỉnh chỉ đạo kiểm soát dịch bệnh tốt, doanh nghiệp vừa nỗ lực chống dịch vừa cố gắng duy trì sản xuất.
Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ trong tháng 9/2021 phục hồi nhẹ, tăng 8% đạt 97,6 triệu USD. Lũy kế 9 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt trên 775 triệu USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhu cầu nhập khẩu tôm của Mỹ vẫn cao, nhất là khi thị trường này đang mở cửa trở lại hậu Covid và các dịp lễ cuối năm đang tới gần. Theo Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), nhập khẩu tôm của Mỹ tiếp tục tăng tháng 9/2021 là tháng thứ 10 liên tiếp tăng, với bình quân mỗi tháng nhập khẩu 89 nghìn tấn tôm và giá trị hơn 800 triệu USD.
Nhập khẩu tôm của Mỹ từ Ecuador liên tục tăng mạnh từ đầu năm nay. Tuy nhiên, theo VASEP, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tôm Ecuador sang Mỹ sẽ khó duy trì được trong thời gian tới do thiếu nguyên liệu để chế biến, đã tạo cơ hội cho tôm Việt Nam.
Xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU trong tháng 9/2021 giảm 15% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 48,8 triệu USD. Dù vẫn giảm nhưng tốc độ giảm đã thấp hơn so với tháng 8. Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt gần 408 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ.
Ba thị trường nhập khẩu chính trong khối là Đức, Hà Lan và Bỉ. Tính tới tháng 9/2021, xuất khẩu sang Đức và Bỉ tăng lần lượt 22% và 2%, riêng thị trường Hà Lan giảm 1%.
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) trong bối cảnh dịch COVID vẫn còn diễn biến phức tạp, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong 3 tháng cuối năm chưa thoát được cơn khủng hoảng suy giảm do nhu cầu giảm, do sản xuất bị ảnh hưởng khiến nguyên liệu chế biến giảm.
Tuy nhiên, trong bối cảnh này, thủy sản Việt Nam vẫn có cơ hội ở các thị trường. Đối với thị trường Mỹ, Việt Nam vẫn có thể tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu tôm, nhất là tôm chân trắng vì sản phẩm này vẫn tiêu thụ tốt tại phân khúc bán lẻ, đồng thời Việt Nam có thể tăng chế biến và xuất khẩu các sản phẩm có thời hạn bảo quản lâu như cá ngừ và cá biển khác đóng hộp.
Đối với thị trường EU, mặc dù COVID làm giảm nhu cầu và gây khó khăn cho giao thương thủy sản nhưng tôm chân trắng cũng đang có chiều hướng tăng tiêu thụ trên thị trường này.
Các mặt hàng thủy sản như tôm, cá ngừ, mực bạch tuộc và nhuyễn thể được hưởng thuế 0% khi hiệp định EVFTA có hiệu lực từ 1/8/2020 sẽ là đòn bẩy để thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường EU tăng trong những tháng cuối năm nếu các doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu tốt và tận dụng hiệu quả ưu đãi thuế quan.
Đối với thị trường Trung Quốc, dự báo nhu cầu sẽ hồi phục trong những tháng cuối năm, khi nguồn cung trong nước của Trung Quốc bị sụt giảm do COVID. Xuất khẩu sang Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ vẫn duy trì ổn định.
Nguồn: Báo Đảng Cộng Sản Việt Nam