Hiện tôm Việt Nam đã được xuất khẩu đến khoảng 100 quốc gia với 5 thị trường lớn gồm châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc.
Tại diễn đàn Kết nối sản xuất, chế biến và xuất khẩu tôm nước lợ Việt Nam diễn ra ngày 21/7 tại TP.HCM, ông Ngô Thế Anh, Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản (Cục Thủy sản, Bộ NN-PTNT) cho biết, ngành tôm đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong suốt 2 thập kỷ qua.
Hiện tôm Việt Nam đã được xuất khẩu đến khoảng 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, với 5 thị trường lớn gồm châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Việt Nam đã trở thành nước cung cấp tôm đứng thứ 2 thế giới với giá trị xuất khẩu chiếm 13 – 14% tổng giá trị xuất khẩu tôm của toàn thế giới.
Hàng năm, ngành tôm đóng góp khoảng 40 – 45% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản, tương đương 3,5 – 4 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu tôm của nước ta trong năm 2022 cũng lập kỷ lục khi đạt 4,3 tỉ USD, tăng 11,2% so với năm 2021.
Cũng theo ông Thế Anh, trong 5 năm trở lại đây (2018 – 2022), ngành tôm duy trì diện tích nuôi tương đối ổn định ở mức khoảng hơn 700.000ha, phát triển tại một số vùng chuyển đổi (nhiễm mặn). Mức độ thâm canh/ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ nuôi mới vào sản xuất đã được chú trọng nhưng chưa cao; chưa chủ động nguồn giống, còn phụ thuộc nguồn tự nhiên và nhập khẩu. Liên kết trong chuỗi tôm còn lỏng lẻo, giá thành sản xuất cao, năng lực cạnh tranh thấp…
Ông Thế Anh cũng cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, diện tích thả nuôi tôm nước lợ của cả nước đạt 656.000ha, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó diện tích tôm sú 605.000ha, tôm thẻ chân trắng 51.000ha. Sản lượng tôm nước lợ của cả nước đạt 467.000 tấn, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu tôm chỉ đạt 1,56 tỉ USD, chiếm 38% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước. Diện tích và sản lượng tôm mặc dù đảm bảo kế hoạch và có tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2022 nhưng kim ngạch xuất khẩu sụt giảm, được mùa nhưng giá bán giảm sâu, chi phí đầu vào cao.
Hiện ngành tôm đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức như biến đổi khí hậu và hạn – mặn tại ĐBSCL biến động khó lường, dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Nguồn giống chưa chủ động, phụ thuộc nhập khẩu và khai thác tự nhiên nên khó kiểm soát chất lượng.
Hạ tầng vùng nuôi chưa đảm bảo, sản xuất nhỏ lẻ, manh mún còn chiếm đa số. Liên kết chuỗi sản xuất, xuất khẩu chưa chặt chẽ và hiệu quả. Quan trắc, cảnh báo môi trường nuôi còn yếu. Đặc biệt, giá thành sản xuất cao, năng lực cạnh tranh thấp.
Về định hướng phát triển ngành tôm nước lợ thời gian tới, ông Thế Anh chia sẻ, sẽ tập trung áp dụng kỹ thuật mới, tiên tiến vào sản xuất, đa dạng các phương thức nuôi theo điều kiện từng vùng và thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu.
Đối với các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Thừa Thiên Huế, ưu tiên phát triển các hình thức nuôi có kiểm soát nhiệt độ trong mùa đông, nuôi thâm canh, siêu thâm canh trong nhà lưới, bể xi măng, ao lót bạt.
Đối với các tỉnh ven biển Tây Nam bộ, ưu tiên phát triển nuôi tôm sú sinh thái ở rừng ngập mặn, nuôi hữu cơ, nuôi tôm – lúa. Áp dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất tôm nuôi tại các vùng nuôi quảng canh.
Trong 6 tháng cuối năm 2023, ngành tôm tập trung tiếp tục duy trì diện tích nuôi, thả bổ sung diện tích đã thu hoạch theo kế hoạch. Cụ thể, sản lượng 6 tháng cuối năm 2023 đặt mục tiêu đạt 563.000 tấn.
Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam