Việt Nam hiện là một trong những nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới (đạt 11 tỷ USD, đứng thứ 3 sau Trung Quốc và Na Uy). Tuy nhiên, nếu so sánh với Na Uy (hơn 14 tỷ USD) thì tổng sản lượng thủy sản của chúng ta cao gần gấp 3 lần nhưng giá trị chỉ chưa bằng 80%.
Nguyên do là vì Việt Nam đã chỉ tập trung vào các loài chủ lực như tôm, cá tra,… vốn không thực sự cho hiệu quả kinh tế cao. Nhà sáng lập kiêm CEO Josh Goldman của Công ty Thủy sản Australis Việt Nam tin rằng ngành công nghiệp cá chẽm (loài nhiệt đới, bản địa của châu Á) đang phát triển đến một ngưỡng quan trọng và loài này sẽ sớm trở thành một sản phẩm thủy sản được đón nhận ở nhiều nước với triển vọng không thua kém cá hồi. Dưới đây là nội dung phỏng vấn ông Goldman do nhà báo Rob Fletcher (*) thực hiện.
Sản lượng hiện tại của Australis là bao nhiêu và ông có kỳ vọng gì cho những năm tới?
Chúng tôi hiện đang ở rất gần mốc sản lượng 10.000 tấn và có kế hoạch thả thêm cá để tăng quy mô thu hoạch lên 25%/năm. Đây là mục tiêu hoàn toàn có cơ sở sau khi chúng tôi đã đàm phán gia hạn thành công giấy phép thuê mặt biển tại tỉnh Khánh Hòa thuộc miền Trung Việt Nam. Đồng thời, chúng tôi cũng đang tìm cách tối ưu vị trí của nhiều trại nuôi và sử dụng lưới sâu hơn nhằm cải thiện vấn đề an toàn sinh học, kết hợp với việc tăng cường hiệu quả sử dụng vốn. Bên cạnh đó, chúng tôi còn xúc tiến một dự án hoàn toàn mới ở khu vực Tây Nam Bộ trên địa phận tỉnh Kiên Giang, qua đó nâng mức sản lượng tiềm năng trong dài hạn lên 50.000 tấn nếu khai thác được hết cơ sở hạ tầng và kinh nghiệm chuyên môn trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản đại dương.
Thách thức lớn nhất đối với tầm nhìn đó của ông là gì?
Hiện tại, mọi khía cạnh trong quy trình sản xuất của chúng tôi, từ khâu sản xuất con giống cho tới thu hoạch, đã phát triển chín muồi tới mức hiếm khi để xảy ra những bất ngờ đáng kể. Chúng tôi tự tin có đủ cá con quanh năm, cá đạt tỷ lệ sống rất cao trong các trại RAS (hệ thống nuôi trồng thủy sản tuần hoàn) trên cạn và đều được chích ngừa vaccine định kỳ hàng tháng trước khi mang thả ra lồng với hiệu quả rất dễ dự báo. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi La Niña trong ba năm qua khi nhiệt độ nước biển trở nên lạnh hơn bình thường, cá chẽm của chúng tôi – vốn là loài ưa nước ấm – lớn tương đối chậm. Chúng tôi đã cho mở rộng đội R&D, tiến hành các thử nghiệm đổi mới trong 48 lồng kết hợp cùng cơ sở trên cạn để hoàn thiện khâu lai tạo giống chọn lọc, chăm sóc sức khỏe cá, cắt giảm chi phí và cải thiện chất lượng.
Điều gì đã tác động tới quyết định triển khai áp dụng các công nghệ mới du nhập từ ngành công nghiệp cá hồi, và những công nghệ nào cho thấy hiệu quả đặc biệt?
Chúng tôi luôn sử dụng những thiết bị tương tự như các trại nuôi cá hồi hiện đại vẫn đang dùng với những điều chỉnh mang tính tiến hóa – phù hợp với nhu cầu phát triển và để tăng cường hiệu quả hoạt động lẫn kiểm soát. Lấy ví dụ, mỗi chiếc xà lan chở thức ăn mới mà chúng tôi đặt đóng đều có kích thước lớn hơn, và khi so sánh với những thiết bị của 5 năm trước thì đó thực sự là một thay đổi rất đáng kể. Chúng tôi cũng vừa đặt hàng một chiếc tàu thu hoạch lớn hơn, được trang bị nhiều công nghệ tiên tiến nhất giúp đảm bảo phúc lợi và giảm thiểu căng thẳng cho cá, cũng như để nâng cao chất lượng thành phẩm. Ngoài ra, chúng tôi còn theo đuổi các giải pháp trí tuệ nhân tạo (AI) và những ứng dụng khác trong việc cải thiện hiệu quả quản lý hoạt động cho ăn, đồng thời cân nhắc chuyển sang sử dụng các phương tiện (tàu, xà lan) chạy điện hay được trang bị động cơ lai (hybrid) để góp phần bảo vệ khí hậu.
Ông có thể chia sẻ thêm về dự án Greener Grazing hướng tới hoàn thiện công nghệ trồng và thương mại hóa sản phẩm từ rong Asparagopsis, kết hợp cùng nuôi cá chẽm lồng?
Dự án đang tiến triển rất tốt. Chúng tôi có các nhóm làm việc tại Bồ Đào Nha, Hà Lan, Việt Nam và đang nỗ lực mở rộng hoạt động thử nghiệm trên vùng biển mở ở nhiều khu vực nhằm xác định khu vực phù hợp nhất cho việc nuôi trồng. Dự án đóng vai trò như là một phần quan trọng của phương án tiếp cận nuôi trồng thủy sản kết hợp phục hồi môi trường, và làm cơ sở cho việc phát triển một mô hình canh tác bền vững của tương lai.
Được biết ông vẫn đang trồng tảo Kappaphycus bên cạnh trại nuôi cá chẽm. Hoạt động này có tác động thế nào đối với các nhân tố như đa dạng sinh học?
Vâng, chúng tôi hiện vẫn đang trồng tảo Kappaphycus ngay cạnh các địa điểm nuôi cá. Loại tảo này có công dụng thu hút một số lượng đáng kể các loài [cá] nhỏ ăn thực vật, và qua đó góp phần tăng cường đa dạng sinh học trong khu vực. Mục tiêu chính đã được hoạch định của chúng tôi là hướng đến phát triển những hệ thống canh tác và thu hoạch tảo ở mức độ tự động hóa cao hơn phù hợp với rong Asparagopsis – vốn đã được chứng minh là mang lại lợi ích đáng kể về khí hậu.
Đâu là thị trường chính của cá chẽm và nhu cầu liệu có thay đổi?
Hoa Kỳ vẫn tiếp tục là thị trường lớn nhất nơi chúng tôi đã thiết lập thành công một mạng lưới phân phối rộng khắp bao gồm nhiều đối tác bán lẻ và cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống. Nhu cầu của thị trường này trên thực tế đã tăng trưởng mạnh – gần gấp 3 lần trong 5 năm qua, đạt tốc độ gần 30%/năm. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng hoạt động rất tích cực ở Úc, Singapore, Hongkong và đang bắt đầu cung cấp cá cho các khách hàng lớn ở Trung Quốc, Nhật Bản – những thị trường hết sức tiềm năng. Ngoài ra, việc giá bán cá hồi thế giới vẫn thường được duy trì ở mức cao cũng lại là một cơ hội nữa. Cá chẽm của chúng tôi sở hữu nhiều đặc tính tích cực và mang giá trị dinh dưỡng không hề thua kém cá hồi, nhưng với triển vọng cung cấp thuận lợi và ổn định – dẫn tới giá thành cạnh tranh hơn nhiều. Tại Hoa Kỳ, cá chẽm được xếp vào hạng mục những loại sản phẩm thủy sản cạnh tranh khi mang đến sự mới mẻ và hấp dẫn cho các thực đơn hoặc quầy bán lẻ. Hương vị thơm ngon, khả năng chế biến thuận tiện cùng những chứng nhận bền vững mà chúng tôi đạt được chính là động lực giúp thúc đẩy nhu cầu ngày càng tăng trưởng. Chúng tôi nhận thấy sự quan tâm mạnh mẽ từ các khu vực bán lẻ, dịch vụ ăn uống và kỳ vọng điều này sẽ tiếp tục gia tăng cùng với nhận thức và trải nghiệm mở rộng của người tiêu dùng.
Ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 và chi phí đầu vào leo thang?
Những gián đoạn trong chuỗi cung ứng thực phẩm tươi (do Covid-19) đã khiến nhiều người mua hàng quan tâm hơn tới các sản phẩm đông lạnh đóng gói. Cùng với sự chuyển dịch liên quan đến thị hiếu của người tiêu dùng và xu hướng điều chỉnh của thị trường lao động, những phần cá chẽm đóng gói – sẵn sàng cho chế biến – sẽ trở thành một lựa chọn tiện lợi và an toàn hơn, nhất là trong bối cảnh các nhà hàng gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng nhân sự. Giá thành cá chẽm chỉ tăng chưa đến 5% trong 2 năm qua bởi chúng tôi đã phần nào được bảo vệ khỏi sự biến động lớn của thị trường, nhờ tận dụng tốt những phụ phẩm (by product) của ngành thủy sản để làm thức ăn cho cá. Trong quá trình hồi phục của ngành dịch vụ ăn uống, nhu cầu về cá chẽm tại các nhà hàng đang tăng trưởng khá tốt. Khi những đầu bếp tìm cách mở rộng danh mục hải sản và thử nghiệm cá chẽm của chúng tôi thì họ nhanh chóng nhận ra đây thực sự là một nguyên liệu lý tưởng vì nó dễ chế biến, có kích thước phù hợp để đảm bảo thời gian nấu chín đồng đều, trình bày gọn trên đĩa và thu hút mắt nhìn của thực khách,… Bên cạnh các chứng nhận sản xuất và thương mại bền vững như ASC, BAP hay Fair Trade, đồng thời sẵn có để cung cấp suốt 52 tuần trong năm, các nhà hàng hoàn toàn có thể tin tưởng vào lựa chọn của họ.
Ông dự đoán Australis và ngành công nghiệp cá chẽm sẽ phát triển như thế nào trong thập kỷ tới?
Chúng tôi rất lạc quan và tin tưởng vào triển vọng phát triển như trên, và thực sự là chúng tôi cùng với cá chẽm đang ở một giai đoạn hết sức thú vị. Phản ứng từ các đối tác mua hàng và người tiêu dùng sau khi thử sản phẩm là vô cùng ấn tượng. Kết quả khảo sát cho thấy có đến 94% người ăn bày tỏ sự quan tâm và yêu thích cá chẽm, để rồi họ trở thành khách hàng thường xuyên của chúng tôi. Giúp người tiêu dùng tăng cường nhận thức và trải nghiệm là nhiệm vụ mà chúng tôi muốn tiếp tục tập trung vào để đưa cá chẽm ngày càng được thị trường Hoa Kỳ đón nhận. Ngoài ra, cá chẽm cũng là một loài rất linh hoạt khi có thể được chế biến thành nhiều dạng sản phẩm khác nhau, bao gồm hun khói, muối, ăn sống nhờ hương vị của nó, qua đó thu hút một tệp người tiêu dùng hải sản trên phạm vi rộng.
(*) Rob Fletcher là cây viết kỳ cựu trong ngành thủy sản (từ năm 2007), cộng tác thường xuyên cùng Fish Farmer, Fish Farming Expert và The Fish Site. Anh hiện sống và làm việc tại Scotland.
Phương Hiền
Nguồn: The Fish Site