(Aquaculture.vn) – Chất lượng thức ăn quyết định tới sản lượng và lợi nhuận trong nuôi trồng thủy sản. Thức ăn thủy sản (TATS) chứa nhiều thành phần nguyên liệu khác nhau và thường xuyên thay đổi, việc kiểm soát tốt nguyên liệu đầu vào để tạo ra chất lượng thức ăn ổn định và bền vững là những yêu cầu mới hiện nay.
Đây là thông điệp chính được chuyên gia đến từ Hội đồng xuất khẩu đậu tương Hoa Kỳ (USSEC) – GS. Dominique P Bureau, Đại học Guelph, Canada – chia sẻ tại hội thảo “Dinh dưỡng thức ăn thủy sản”, do USSEC phối hợp với Khoa Thủy sản, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 16/5/2024, tại Hà Nội.
Ứng dụng công nghệ mới trong kiểm soát chất lượng nguyên liệu đầu vào
Để đáp ứng nhu cầu ngày một cao của ngành, cũng như trong bối cảnh tình hình giá nguyên liệu ngày một tăng như hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất TATS luôn phải tìm kiếm những loại nguyên liệu thay thế phù hợp, đáp ứng được các yêu cầu về dinh dưỡng, đồng thời phải đảm bảo được chi phí sản xuất hợp lý. Việc sản xuất thức ăn nuôi trồng thủy sản “tiết kiệm chi phí” với chất lượng ổn định phụ thuộc vào đặc tính chính xác của thành phần hóa học, giá trị dinh dưỡng và đặc tính hóa lý của nguyên liệu thức ăn. Nhiều bằng chứng cho thấy, sử dụng các loại nguyên liệu sản xuất TATS khác nhau sẽ có sự biến đổi đáng kể về thành phần hóa học, giá trị dinh dưỡng và chất lượng của thành phần thức ăn thành phẩm. Điều quan trọng là phải theo dõi và điều chỉnh công thức theo sự thay đổi này. Chính vì vậy, việc kiểm soát và phân tích được thành phần của nguyên liệu sản xuất TATS là vô cùng cần thiết.
Các kỹ thuật kiểm soát chất lượng (QC) thường được các nhà sản xuất thức ăn sử dụng, nhưng kỹ thuật này cũng có những hạn chế đáng kể như mức độ phù hợp, độ chính xác, thời gian xử lý, chi phí… Để hỗ trợ các nhà máy sản xuất TATS, nhiều công nghệ mới giúp phân tích thành phần, chất lượng của nguyên liệu đã được áp dụng.
Theo GS. Dominique, hiện nay công nghệ hóa nước, quang phổ hấp thụ cận hồng ngoại (NIRS), phòng thí nghiệm hoặc sử dụng hóa chất là những phương pháp và công nghệ chính đang được các nhà máy sản xuất TATS áp dụng để kiểm soát nguyên liệu. Ngoài ra, còn một số công nghệ như máy chuẩn độ tự động (pH-Stat), máy phân tích quang phổ Raman, máy phân tích huỳnh quang tia X (XRF).
Những công nghệ mới này phân tích những yếu tố chỉ tiêu kỹ thuật mới trong nguyên liệu như: Phương pháp đánh giá độ tin cậy của axit amin, xét nghiệm khả năng tiêu hóa protein in vivo và in vitro, các chỉ số hóa học về sự phá hủy protein do nhiệt, các chỉ số chất lượng lipid, các chỉ số về chất lượng hạt và phân tích nhanh khoáng chất.
“Có khá nhiều công nghệ và chỉ tiêu kỹ thuật mới hiện nay được sử dụng để đánh giá, phân tích và quản lý chất lượng protein trong nguyên liệu sản xuất TATS, để biết được các thành phần protein bị phá hủy bởi nhiệt như thế nào. Hội thảo hôm nay sẽ tập trung đi sâu vào phân tích và cách áp dụng những công nghệ này”, GS. Dominique chia sẻ.
Nói về thành phần của các axit amin, đây là những nhân tố quan trọng để đánh giá chất lượng nguồn protein cung cấp. Trong thực tế, việc phân tích những thành phần dinh dưỡng và khả năng tiêu hóa của axit amin rất phức tạp, tốn kém và có những sai số bởi chúng luôn có sự thay đổi. Những nhà sản xuất TATS hiện nay phần lớn đều áp dụng công nghệ tiên tiến nhất là NIRS để xử lý.
Theo GS. Dominique, đến 90% kết quả phân tích khả năng tiêu hóa axit amin từ NIRS đều có những sai số nhất định. Việc tập trung vào chất lượng của công việc nghiên cứu, kiểm tra và lặp lại kiểm tra là bước quan trọng. “Phân tích thành phần axit amin là điều cần thiết, để phân tích được thành phần axit amin có thể tiêu hóa được là việc cực kỳ khó, nhưng nó lại đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc kiểm tra chất lượng protein, công đoạn này cũng gây tốn kém về mặt kinh tế”, GS. Dominique cho hay.
Các xét nghiệm về khả năng tiêu hóa in vivo kết hợp với các xét nghiệm khả dụng sinh học in vivo, khi được thực hiện đúng cách sẽ có độ tin cậy cao nhất. Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp này là chậm, tốn thời gian và tốn kém chi phí. Trong khi đó, các nhà máy cần xét nghiệm nhanh chóng, với kết quả chính xác và chi phí hợp lý để dự đoán khả năng tiêu hóa của protein và axit amin. Máy phân tích quang mổ Raman đã khắc phục được vấn đề thời gian, công nghệ này cho kết quả rất nhanh, chỉ mất vài phút, tuy nhiên chi phí đầu tư vẫn ở mức cao.
“Tuy vậy, các phương pháp tiếp cận và công nghệ mới sẽ giúp tiết kiệm thời gian và có thể khai thác đặc tính tốt hơn của các thành phần, giúp sản phẩm của các nhà máy TATS trở nên dễ tiếp cận hơn với giá thành cạnh tranh”, GS. Dominique kết luận.
Xu hướng lựa chọn nguyên liệu hướng tới tiêu chuẩn bền vững
Một vấn đề quan trọng được các bên liên quan khác nhau trong ngành thủy sản đặc biệt quan tâm chính là “sự bền vững về môi trường trong sản xuất TATS”.
Theo GS. Dominique, sự biến đổi khí hậu là yếu tố chủ chốt ảnh hưởng đến hoạt động nuôi trồng thuỷ sản, điển hình là tình trạng phát thải khí nhà kính. Thức ăn chăn nuôi, thủy sản là nguyên nhân chính tạo ra chất thải và phát thải khí nhà kính trong sản xuất nuôi trồng thủy sản. Ông cũng chỉ ra những động lực chính tạo ra chất thải và phát thải khí nhà kính như: Tổng lượng carbon nội tại phát sinh từ những nguyên liệu sử dụng sản xuất TATS; hệ số chuyển đổi thức ăn; cân đối dinh dưỡng trong thức ăn đối với khả năng tiêu hoá; khả năng tiêu hóa rõ ràng của chất khô và chất dinh dưỡng.
Trước những ảnh hưởng tiêu cực đó, GS. Dominique cho rằng cần phải tập trung nỗ lực giảm chất thải và phát thải khí nhà kính từ gốc, tức là cải thiện thức ăn và cho ăn cũng như chọn được nguyên liệu thức ăn phù hợp.
Theo TS. Bùi Ngọc Thanh, Giám đốc Kỹ thuật USSEC khu vực miền Bắc, đậu nành có giá trị dinh dưỡng phù hợp trong nuôi trồng thủy sản bởi hàm lượng đạm cao, chiếm 36%, dầu và chất xơ không hòa tan đều chiếm 19%, 9% đường, 13% ẩm và 4% khoáng. Quan trọng, việc canh tác đậu nành có tác động tốt tới thiên nhiên nhờ đặc tính giảm xói mòn, tiết kiệm tài nguyên đất, nước, giảm phát thải nhà kính lên đến 42%.
Trong một nghiên cứu, USSEC đã chứng minh chất lượng vượt trội của đậu nành Hoa Kỳ khi so sánh với đậu nành Argentina và Brazil. Kết quả cho thấy, các chỉ số protein thô, lipit và năng lượng tổng của đậu nành Hoa Kỳ đều đạt tỷ lệ cao nhất, lần lượt là 91%, 87% và 86%.
Có thể thấy, trong sản xuất TATS, mỗi nguyên liệu sản xuất ở các vùng khác nhau sẽ có những hàm lượng dinh dưỡng khác nhau, tỷ lệ phát thải carbon khác nhau. Việc lựa chọn đúng loại nguyên liệu là vô cùng quan trọng, bởi nó ảnh hưởng trực tiếp tới tỷ lệ tiêu hóa và tăng trưởng của vật nuôi. Lựa chọn đúng chất liệu sản xuất sẽ tác động trực tiếp tới việc tiết giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu suất và góp phần thúc đẩy quá trình giảm phát thải carbon ra môi trường.
Phạm Huệ – Phương Nhung