Thứ Hai, 24/06/2024, 13:57

CEO Chuang Jie Cheng: Vị thuyền trưởng – chắc chèo vững lái vượt sóng thành công

(Aquaculture.vn) – Tập đoàn Thăng Long là một trong những thương hiệu thức ăn thủy sản hàng đầu tại Việt Nam. Không chỉ thành công tại Việt Nam, Thăng Long còn chinh phục nhiều thị trường thủy sản ở khu vực Nam Á, Đông Nam Á như Ấn Độ, Malaysia, Philippines và Sri Lanka. Đứng sau thành công đó, ngoài chất lượng sản phẩm phù hợp với khách hàng, sự phục vụ và nỗ lực của tập thể đội ngũ nhân viên nhiệt huyết, thì tiên quyết phải kể đến sự “chèo lái” của người “thuyền trưởng” có tâm, có tài và hơn hết là niềm đam mê bất tận với ngành thủy sản – ông Chuang Jie Cheng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thăng Long.

Aquaculture.vn đã có dịp trò chuyện về hành trình đi tới thành công của ông Chuang Jie Cheng (ảnh).

Người nuôi thủy sản Việt Nam biết đến ông như một người bạn gần gũi hơn là một vị Tổng Giám đốc của một trong những tập đoàn thức ăn thủy sản lớn nhất Việt Nam. Điều đó phải chăng là sự khác biệt tạo nên thương hiệu Thăng Long lớn mạnh như ngày hôm nay, thưa ông?

Ông Chuang: Việt Nam là Quốc gia nằm ở khu vực Đông Nam châu Á mang đậm nét của nền văn hoá Á Đông. Lần đầu tiên tôi tới Việt Nam vào năm 1999 và ngay những ngày đầu làm việc tại đây tôi nhận thấy người Việt Nam rất trân trọng tình cảm. Trong cuộc sống và trong công việc tôi luôn coi các đồng nghiệp cũng như khách hàng của mình là những người bạn thân thiết, luôn cùng nhau chia sẻ những niềm vui, những thành công và cả những khó khăn. Tôi luôn luôn lắng nghe một cách chân thành các đóng góp từ phía khách hàng, điều này đã giúp Tập đoàn chúng luôn đứng vững ngay cả khi tình hình kinh doanh gặp nhiều khó khăn, trắc trở.

Ông và Tập đoàn Thăng Long đã gắn bó với sự phát triển thăng trầm của ngành thủy sản Việt Nam. Ông nhìn nhận thế nào về ngành thủy sản Việt Nam hiện nay và tương lai?

Ông Chuang: Từ đại dịch Covid-19 vào năm 2020 cho đến nay, sự suy thoái kinh tế đã và đang ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn thế giới và ngành thuỷ sản Việt Nam cũng trong hoàn cảnh tương tự. Tỉ lệ thất nghiệp và lạm phát ở nhiều nước phát triển đang ở mức cao, điều này đã ảnh hưởng lớn đến việc tiêu thụ hàng hoá trong đó có các mặt hàng thuỷ sản. Đó cũng là một phần nguyên nhân làm cho giá tôm cá nguyên liệu giảm mạnh, tác động không tốt tới ngành thuỷ sản của chúng ta. Xong tôi nghĩ rằng, Việt Nam là quốc gia có tiềm năng lớn về ngành nuôi trồng thuỷ sản. Việt Nam sở hữu các nhà máy chuyên chế biến xuất khẩu tôm hàng đầu thế giới, và người nuôi thuỷ sản Việt Nam luôn cần cù, sáng tạo, linh động trong quá trình sản xuất. Điều này sẽ giúp ngành thuỷ sản của Việt Nam sớm tăng trưởng trở lại trong năm 2024-2025.

Với người nuôi thủy sản thì câu chuyện được mùa mất giá luôn là nỗi lo, ông có những chia sẻ gì với người nuôi về vấn đề này?

Ông Chuang: Với hơn 20 năm sống và làm việc ở đây, tôi thấy đây là vấn đề thường gặp tại thị trường Việt Nam. Do hầu hết người nuôi thuỷ sản ở Việt Nam là những hộ nuôi nhỏ lẻ, nên việc họ có thể can thiệp về giá là không thể. Vậy nên, tôi nghĩ rằng người nuôi cần phải thường xuyên cập nhật các thông tin thị trường, thông tin mùa vụ, không những ở các vùng nuôi ở trong nước mà còn ở các nước khác trên thế giới. Chúng ta “không chạy theo giá hiện tại, thấy giá cao thì thả nuôi, giá thấp lại ngưng thả”, như vậy chúng ta khó có thể bán được ở thời điểm giá tốt và khó có lợi nhuận. Điều quan trọng chúng ta cần làm là xây dựng sẵn các kịch bản về mùa vụ, như nuôi đối tượng nào, mật độ bao nhiêu, kích cỡ thu hoạch…, kiểm soát tốt chi phí nuôi thông qua việc lựa chọn và sử dụng sản phẩm chất lượng và có giá trị, điều này sẽ giúp cân đối và giảm được chi phí sản xuất. Làm được những điều này cho dù thị trường giá thu mua có thay đổi tăng giảm chăng nữa chúng ta vẫn giữ được ưu thế.

Việc khánh thành nhà máy thức ăn thủy sản tại Hải Dương có phải là một phần trong quyết tâm giúp người nuôi tiếp cận được sản phẩm tốt, giá thành hợp lý hơn của Thăng Long, thưa ông?

Ông Chuang: Như các bạn đã biết, trước khi chúng tôi khánh thành đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất thuỷ sản thứ 5 tại Hải Dương chúng tôi đã có 4 nhà máy tại các tỉnh: Long An, Vĩnh Long và Khánh Hoà. Trong khi thị trường tiêu thụ tại các tỉnh phía Bắc ngày càng lớn, dẫn tới việc vận chuyển hàng hoá từ miền Nam ra gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là thời gian vận chuyển kéo dài. Điều này đã thôi thúc Ban lãnh đạo Tập đoàn Thăng Long cần phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng và đưa nhà máy vào hoạt động trong vòng 12 tháng kể từ khi khởi công. Việc đưa nhà máy Hải Dương vào sản xuất sẽ giúp cho việc nhận hàng của các khách hàng trong khu vực được nhanh chóng, thuận lợi hơn. Đối với chất lượng hàng hoá, cho dù trong bất cứ hoàn cảnh nào Tập đoàn Thăng Long luôn cam kết với khách hàng các sản phẩm tới tay bà con luôn luôn đúng với công bố chất lượng mà chúng tôi đã công bố với cơ quan quản lý chất lượng.

Ngày 21/5/2024, Tập đoàn Thăng Long khánh thành Công ty TNHH Khoa Kỹ Sinh vật Thăng Long Hải Dương. Đây là nhà máy sản xuất thức ăn thủy sản thứ 5 của Tập đoàn và là nhà máy đầu tiên tại khu vực miền Bắc của Thăng Long

Về mặt kỹ thuật thì mô hình TLSS đã giúp người nuôi tôm thành công, đối với các đối tượng thủy sản khác công ty có kế hoạch xây dựng những mô hình tương tự như vậy không? Bởi hiện nay, các đối tượng thủy sản nuôi khác (cá) cũng đang gặp rất nhiều rủi ro.

Ông Chuang: Mô hình nuôi tôm nhiều giai đoạn TLSS (Thang Long Smart System) đã và đang mang lại rất nhiều hiệu quả cho người nuôi tôm trên khắp cả nước. Thời gian gần đây, rất nhiều trang trại không những ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long mà còn ở các tỉnh miền Trung, miền Bắc đang đưa vào áp dụng quy trình nuôi TLSS. Điều này đã cho thấy tính hiệu quả của mô hình mà Tập đoàn chúng tôi đã xây dựng và không ngừng cải tiến trong suốt 4 năm qua. Đối với tôm, hiện Tập đoàn Thăng Long đang có 3 mô hình đó là mô hình TLSS dành cho nuôi tôm thẻ chân trắng trên ao lót bạt, TLSS-547 dành cho tôm thẻ chân trắng nuôi trong hệ thống ao đất và TLSS-SU20 áp dụng cho đối tượng tôm sú.

Nghề nuôi trồng thuỷ sản gặp rất nhiều rủi ro, do đó việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quy trình nuôi là điều chắc chắn. Tập đoàn Thăng Long kinh doanh dựa trên nền tảng phục vụ kỹ thuật, do đó việc xây dựng các mô hình nuôi mới luôn là mục tiêu mà chúng tôi hướng tới. Thị trường thức ăn cá cũng là một thị trường lớn và rất quan trọng, do đó chúng tôi cũng sẽ xây dựng các mô hình nuôi cho từng đối tượng. Hiện nay, chúng tôi cũng đã thành công và bắt đầu triển khai mô hình TLSS-DH dành cho đối tượng cá điêu hồng nuôi trên bè.

Có thể thấy rõ, ngoài thế mạnh về chất lượng sản phẩm, Thăng Long còn sở hữu đội ngũ nhân lực hùng hậu, nhiệt huyết và mạnh về kỹ thuật. Để đào tạo được một tập thể như vậy không hề đơn giản, nhất là trong bối cảnh ngành thủy sản đang “khát” nhân lực chất lượng cao như hiện nay, vậy đâu là bí quyết giúp ông quy tụ được đội ngũ nhân sự mạnh như vậy?

Ông Chuang: Như tôi cũng đã đề cập ở bên trên, Tập đoàn Thăng Long kinh doanh dựa trên nền tảng phục vụ kỹ thuật và thực tiễn đã chứng minh trong những năm gần đây, khi toàn bộ nhân viên của chúng tôi “chuyển mình” từ kinh doanh truyền thống sang phương thức phục vụ kinh doanh đã giúp sản lượng liên tục tăng trưởng. Bản chất điều này có được là từ sự thành công sau mỗi mùa vụ nuôi của khách hàng mà đội ngũ nhân viên chúng tôi hỗ trợ kỹ thuật trong suốt quá trình nuôi.

Để chuyển sang kinh doanh với phương thức phục vụ kỹ thuật không phải là công việc đơn giản, việc này đòi hỏi mất rất nhiều thời gian và phải liên tục vì môi trường nuôi liên tục thay đổi, các tiến bộ khoa học ngày càng phát triển nên đòi hỏi đội ngũ nhân viên luôn luôn phải cập nhật, mà đi đầu là đội ngũ bộ phận kỹ thuật ứng dụng. Để phổ biến một mô hình và giúp các nhân viên kinh doanh hiểu rõ về toàn bộ quy trình kỹ thuật của mô hình trước khi triển khai tới bà con nuôi tôm cá, chúng tôi yêu cầu toàn bộ nhân viên kinh doanh phải thực tế làm việc trong các trại nuôi thực nghiệm từ 1-2 tháng. Trong thời gian này, nhân viên kinh doanh cùng tham gia vào quá trình sản xuất thực tế, va chạm với các vấn đề thực tiễn, từ đó giúp nhân viên nâng cao kiến thức chuyên môn cũng như xử lý các tình huống trong quy trình nuôi.

Cho đến nay, toàn Tập đoàn chúng tôi đã xây dựng được đội ngũ thị trường với 550 nhân viên luôn đảm bảo hiểu rõ từng quy trình kỹ thuật, nắm rõ từng công dụng của sản phẩm để có thể tư vấn hỗ trợ giúp khách hàng sử dụng hiệu quả, từ đó giúp nâng cao tỉ lệ thành công, mang lại hiệu quả kinh tế cho bà con nuôi thuỷ sản.

Xin trân trọng cảm ơn!

Phạm Huệ (Thực hiện)