Thứ Sáu, 5/11/2021, 7:16

Nhiều mô hình nuôi cá nước ngọt hiệu quả ở miền Trung nhờ tận dụng hồ đập

Tận dụng mặt nước của những hồ đập để chăn nuôi thủy, hải sản, vừa phát triển kinh tế, vừa giảm thiểu được ô nhiễm môi trường là lựa chọn của nhiều hộ nông dân miền Trung và họ đã thành công, có lợi nhuận kinh tế cao.

Triển vọng nuôi thủy sản từ những hồ đập nước ngọt
Trên địa bàn các tỉnh miền Trung hiện nay, đang có rất nhiều đập thủy điện hay hồ chứa nước ngọt, phục vụ cho công tác tưới tiêu và sinh hoạt của người dân. Những hồ đập này là một trong những điều kiện thuận lợi, để người dân nơi đây đầu tư vào chăn nuôi thủy, hải sản nước ngọt, vừa phát triển kinh tế, vừa giảm thiểu được ô nhiễm môi trường.
Nghệ An hiện nay đang có 1.250 hồ thủy lợi, thủy điện với diện tích mặt nước lên đến hàng triệu m2, đây là một trong những điều kiện lý tưởng nhất để nuôi cá nước ngọt.
Lồng bè nuôi cá của người dân trên lòng hồ thủy điện. (Ảnh: T.Đ)

 

Từ khi lòng hồ thủy điện Hủa Na tích nước đến nay đã có khoảng 80 hộ dân ở xã Thông Thụ và Đồng Văn của huyện Quế Phong, tham gia nuôi cá lồng với 326 lồng cá các loại, từ cá trắm cỏ, cá leo, cá vược… Với giá cả ổn định, từ 50.000 đồng/kg trở lên, lại có thể nuôi được nhiều, nhờ vậy mà việc nuôi cá lồng thực sự đã trở thành một sinh kế ổn định cho người dân nơi đây.
Do chưa có kinh nghiệm trong việc nuôi cá lồng, nên gia đình Anh Lang Văn Sáng – bản Pù Duộc (xã Đồng Văn) đã không ít lần “thất thu” khi đầu tư vào nuôi thả cá lồng trên sông Chu, nhưng kể từ khi hồ thủy điện Hủa Na tích nước đến nay, gia đình anh đã có 20 lồng, được kết nối với nhau một cách hợp lý, khoảng cách giữa các phao, bè phù hợp và khoa học, giúp tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh. Với số lượng 20 lồng cá, mỗi năm gia đình của anh thu hoạch được hàng chục tấn cá, số cá này được các nhà hàng ở TP. Vinh và các địa phương đến đặt mua tận nơi.
Với giá bán 50.000 đồng/kg như hiện nay, gia đình anh Trần Văn Thuận, bản Piềng Văn (xã Đồng Văn) thu được hơn 700 triệu đồng, từ 60 lồng cá được nuôi trên lòng hồ thủy điện Hủa Na, sau khi trừ chi phí, có lãi khoảng gần 200 triệu đồng. Từ chỗ đói ăn, gia đình anh đã vươn lên thoát nghèo.
Hiện nay, lòng hồ Hủa Na, người dân ở đây nuôi cá chủ yếu bằng thức ăn tự nhiên như lá chuối, cỏ và cá mương nhỏ xay ra. Giống cá được bà con nhập từ các thương lái ở Diễn Châu, Quỳnh Lưu. Mỗi lồng thả từ 200 – 300 con, thông thường 1 năm sau khi thả sẽ cho thu hoạch. Nhưng tùy nhu cầu của khách mua mà họ có thể chọn tỉa bán dần trong lồng.
Sau 1 năm thả nuôi, người dân đã có thu nhập hàng chục triệu đồng từ cá lồng. (Ảnh: TĐ)

 

Ngoài lòng hồ thủy điện Hủa Na, tại lòng hồ thủy điện Bản Vẽ, tính hết năm 2020, đã có 338 lồng cá các loại được người dân các xã Yên Na, Lượng Minh, Hữu Khuông và một số hộ dân tái định cư thủy điện Bản Vẽ từ Ngọc Lâm (Thanh Chương) quay lại lòng hồ tham gia nuôi.
Theo những người dân nuôi thả cá lòng tại lòng hồ thủy điện Bản Vẽ ở đây cho biết, ngoài việc chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm trên bờ, người dân ở đây nuôi cá lồng mỗi năm thu lời 40 đến 50 triệu đồng.
Hồ thủy điện Ngàn Trươi thuộc tỉnh Hà Tĩnh có diện tích mặt nước lớn thứ 3 so với cả nước. Tháng 10/2020, HTX Dịch vụ nông lâm thủy sản Vũ Quang thả lứa cá giống đầu tiên vào 14 lồng bè được đặt trong lòng hồ Ngàn Trươi. Đây là mô hình thí điểm nuôi cá lồng trong lòng hồ Ngàn Trươi do UBND huyện Vũ Quang triển khai với tổng đầu tư hơn 1,3 tỷ đồng, trong đó huyện hỗ trợ gần 300 triệu đồng.
Anh Nguyễn Xuân Hiệu (xã Hương Minh) đã tận dụng mặt nước đập Khe Thuộc, xã Hương Minh, đầu tư hơn 200 triệu làm 6 lồng nuôi cá leo, cá trắm (3 lồng cá leo, 3 lồng cá trắm). Nhờ được tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật tốt, đặc biệt là nguồn nước hồ luôn đảm bảo sạch, không bị ô nhiễm nên cá phát triển khá nhanh. Sau 6 – 8 tháng, các loại cá leo, cá trắm đã bắt đầu cho thu hoạch.
“1 lồng cá có thể tích 140 m3 thả nuôi khoảng 500 con cá trắm giống hoặc 1.000 – 1.200 con cá leo giống. Sau 6 – 8 tháng nuôi, mỗi con đạt trọng lượng khoảng 1,5 – 2 kg. Trừ chi phí thức ăn, nhân công, tính ra mỗi lồng bè cho lợi nhuận 20 – 25 triệu đồng” – anh Hiệu cho biết.
Ứng dụng công nghệ trong nuôi trồng thủy sản
Ông Trần Xuân Quang, Trưởng Phòng NTTS, Chi cục Thuỷ sản Nghệ An cho biết, cần khuyến khích các tổ chức, cá nhân nâng cao năng lực, đầu tư trang thiết bị và ứng dụng chuyển giao các công nghệ cao trong sản xuất giống, nhằm sản xuất các đối tượng có giá trị kinh tế cao, tăng trưởng nhanh, sạch bệnh và sức chống chịu tốt.
Thu hoạch cá nuôi tại lòng hồ Ngàn Trươi (ảnh Báo HT)

Tuyên truyền và hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sản xuất, ương dưỡng giống chấp hành các quy định Nhà nước và trước khi bước vào vụ sản xuất tiến hành cải tạo vệ sinh trại đảm bảo theo đúng quy trình kỹ thuật; Tổ chức kiểm tra điều kiện và duy trì điều kiện các cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản trên trên địa bàn tỉnh. Tập trung chỉ đạo các tổ chức, cá nhân sản xuất, ương dưỡng đủ số lượng giống đảm bảo chất lượng theo đúng mùa vụ nuôi; Tăng cường quản lý, kiểm tra chất lượng giống thủy sản trong sản xuất, ương dưỡng và lưu thông trên địa bàn tỉnh; Quản lý thời gian sử dụng giống thủy sản bố mẹ đúng theo quy định; Thực hiện việc giám sát xuất khẩu, nhập khẩu, khảo nghiệm, kiểm định giống thủy sản, theo quy định của pháp luật.

Huyện Vũ Quang đang tiếp tục xây dựng chính sách để khuyến khích, hỗ trợ người dân trên địa bàn phát triển nuôi cá lồng bè tại các hồ đập với số lượng phù hợp.
Cũng theo ông Trần Xuân Quang, việc nuôi cá lồng trên sông, hồ đập mặt nước lớn có bước phát triển mạnh từ đối tượng nuôi đến công nghệ nuôi: Nhìn chung, việc ứng dụng công nghệ vào nuôi cá lồng trên sông, hồ đập mặt nước có những bước tiến triển tốt trước đây lồng nuôi chủ yếu là lồng truyền thống thì đến nay có khoảng trên 80% số lồng nuôi cải tiến (khung lồng bằng gỗ, nhựa PE, ống típ sắt và lưới), thể tích lồng nuôi tăng lên. Nhìn chung các lồng nuôi phát triển mới trong năm đều đầu tư lắp đặt theo công nghệ cải tiến, kích cỡ từ 50 – 100 m3 trở lên. Với sự quan tâm đầu tư của người dân và chính sách hỗ trợ của UBND tỉnh về xây dựng lồng mới, số lượng lồng tăng lên đáng kể, tập trung tại một số huyện như Quế Phong, Tương Dương, Anh Sơn, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Con Cuông. Số lượng lồng đưa vào nuôi trong năm 2020 đạt 1.217 lồng nuôi, tăng 270 lồng so năm 2019. Đáng chú ý đối tượng nuôi trước đây chủ yếu là cá truyền thống thì hiện nay đã phát triển nuôi các đối tượng có giá trị kinh tế cao khoảng 50% như cá lăng, leo, cá chép giòn, trắm giòn… cho hiệu quả cao.
Hiệu quả kinh tế từ việc tận dụng mặt nước của các lòng hồ thủy điện và hồ chứa thủy lợi đã rõ ràng, khi được đầu tư đúng mức, áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi và lựa chọn giống phù hợp với môi trường, người chăn nuôi thủy sản nước ngọt chắc chắn sẽ thu được hiệu quả kinh tế cao.

Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Theo Kinh tế Nông thôn