(Aquacultute.vn) – Năm 2023, ngành tôm vẫn kiên định mục tiêu phấn đấu xuất khẩu tôm trên 4,3 tỷ USD. Thông tin trên vừa được công bố tại Hội nghị phát triển ngành tôm năm 2023, do Bộ NN&PTNT phối hợp UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức sáng ngày 3/3. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn đồng chủ trì hội nghị.
Hội nghị lần này nhằm đánh giá công tác chỉ đạo, điều hành, kết quả sản xuất, tiêu thụ tôm nước lợ năm 2022 và bàn giải pháp triển khai nhiệm vụ phát triển sản xuất, tiêu thụ tôm nước lợ năm 2023. Với tính chất quan trọng trên, hội nghị đã thu hút hơn 200 đại biểu là các nhà khoa học đến từ các Viện, Trường; các doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng trong chuỗi giá trị con tôm; lãnh đạo các tỉnh, thành, Sở NN&PTNT các tỉnh ven biển; các bộ, ngành có liên quan và cơ quan truyền thông Trung ương và địa phương.
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, năm 2022, sản lượng nuôi tôm nước lợ các loại đạt 1.080,6 nghìn tấn (tăng 8,5% so với năm 2021), trong đó sản lượng tôm sú đạt 271,4 nghìn tấn, tôm thẻ chân trắng đạt 743,5 nghìn tấn, còn lại là tôm càng xanh và tôm khác. Kim ngạch xuất khẩu tôm theo đó cũng tăng mạnh với tổng kim ngạch trên 4,3 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2021 và là mức tăng cao kỷ lục từ trước đến nay.
Năm 2023, trên cơ sở phân tích những thuận lợi, khó khăn, cơ hội và thách thức, ngành tôm cả nước vẫn đặt mục tiêu diện tích nuôi tôm đạt 750.000ha (tôm sú 610.000ha, tôm thẻ 120.000ha, còn lại là tôm càng xanh và tôm khác); sản lượng tôm các loại trên 1 triệu tấn (trong đó tôm sú 280 nghìn tấn, tôm thẻ chân trắng 750 nghìn tấn, còn lại là tôm càng xanh và tôm khác) và kim ngạch xuất khẩu trên 4,3 tỷ USD.
Để đạt được mục tiêu trên, ngành đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2023; trong đó, chú trọng công tác quản lý giống; quan trắc, cảnh báo môi trường và dịch bệnh; ứng dụng khoa học, công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất, đáp ứng với nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế; tổ chức sản xuất theo hướng liên kết, sản xuất có chứng nhận chất lượng để sản xuất an toàn, hạ giá thành và đảm bảo đầu ra cho sản phẩm; tích cực phối hợp xử lý, tháo gỡ các rào cản kỹ thuật, phát triển thị trường tiêu thụ cho sản phẩm tôm Việt Nam… Hội nghị cũng được nghe các ý kiến tham luận về kế hoạch hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường; phòng chống dịch bệnh; về cơ hội, thách thức ngành tôm trong năm 2023… cùng các đề xuất, kiến nghị đến từ các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp…
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng không thể để những khó khăn vướng mắc lặp đi, lặp lại từ năm này qua năm khác, mà cần làm rõ thực trạng, đề ra giải pháp cụ thể và thực thi một cách nghiêm túc, có hiệu quả các giải pháp đã được đề ra. Thứ trưởng cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị trực thuộc bộ, kiến nghị các địa phương chủ động hơn trong công tác phối hợp… Thứ trưởng nêu rõ: “Năm 2023 vẫn sẽ là một năm hết sức khó khăn, nhưng ngành vẫn mạnh dạn đề ra mục tiêu phấn đấu về sản lượng và kim ngạch xuất khẩu tôm từ bằng đến cao hơn năm 2022. Do đó, các đơn vị trực thuộc, các địa phương, doanh nghiệp và người nuôi tôm cần chủ động trong việc hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và các tiêu chuẩn quốc tế. Đặc biệt cần thực hiện tốt vấn đề chất lượng, giá cả con giống, thức ăn, chế phẩm sinh học và công tác quan trắc, cảnh báo môi trường, dịch bệnh… để tăng tỷ lệ tôm nuôi thành công, giúp giảm giá thành, tăng tính cạnh tranh”.
Hoàng Nhã