Tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu thủy sản là nhiệm vụ trọng tâm của ngành thủy sản trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hiện nay
Ngày 3/6, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị “Tháo gỡ vướng mắc kỹ thuật thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch bệnh Covid-19”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam chủ trì hội nghị. Hội nghị đề cập đến các vấn đề quy trình rào cản kỹ thuật về an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, tình hình tiêu thụ xuất khẩu thủy sản năm 2021 và các biện pháp thúc đẩy tiêu thụ thủy sản trong nước cũng như xuất khẩu.
Doanh nghiệp đã tận dụng tốt cơ hội
Tháng 5/2021, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam ước đạt 184 nghìn tấn, trị giá 650 triệu USD, tăng 23,04% về lượng và tăng 16,86% về trị giá so với tháng 5/2020. Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam ước đạt 806,2 nghìn tấn, trị giá 3,239 tỷ USD, tăng 13,39% về lượng và tăng 12,46% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Kết quả xuất khẩu thủy sản 5 tháng đầu năm 2021 cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng tốt cơ hội và vượt qua được những khó khăn do tác động của dịch Covid-19.
Theo tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tháng 4/2021 đạt 183,6 nghìn tấn, trị giá 750,1 triệu USD, tăng 15,9% về lượng và tăng 21,6% về trị giá so với tháng 4/2020. Tính chung 4 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 622,2 nghìn tấn, trị giá 2,5 tỷ USD, tăng 10,8% về lượng và tăng 11,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Tháng 4/2021, xuất khẩu nhiều mặt hàng thủy sản của Việt Nam tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020 như: cá tra, basa, tôm các loại, chả cá, cá ngừ các loại, bạch tuộc, nghêu… Đáng chú ý, trị giá xuất khẩu các mặt hàng này đều tăng mạnh hơn so với mức tăng về lượng cho thấy giá xuất khẩu trung bình trong tháng 4/2021 tăng so với cùng kỳ năm 2020. Tính chung 4 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu hầu hết các mặt hàng thủy sản của Việt Nam có trị giá tăng so với cùng kỳ năm 2020, trừ xuất khẩu ruốc, sứa, cua giảm.
Thúc đẩy tiêu thụ trong nước và xuất khẩu
Dự báo, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng thủy sản cao cấp sẽ tăng khi dịch vụ ăn uống ngoài gia đình tại châu Âu và Hoa Kỳ dần được mở trở lại. Bên cạnh đó, với thói quen tiêu dùng đã hình thành trong hơn 1 năm vừa qua do tác động của đại dịch Covid-19, nhu cầu tiêu thụ thủy sản trong gia đình sẽ tiếp tục ổn định ở mức cao. Trong khi nguồn cung thủy sản của một số nhà cung cấp lớn như Ấn Độ, một số nhà cung cấp ở Đông Nam Á và Nam Mỹ bị tác động bởi dịch Covid-19. Điều này có thể khiến giá một số mặt hàng thủy sản tăng cùng với xu hướng tăng nhu cầu. Đây là cơ hội đối với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản cũng đưa ra một số biện pháp thúc đẩy tiêu thụ trong nước và xuất khẩu như hướng dẫn kịp thời quy định của FAO về đảm bảo sản xuất thực phẩm trong điều kiện phòng chống Covid-19. Yêu cầu các địa phương thực hiện tốt công cuộc vận động người Việt Nam dùng hàng Việt Nam để thúc đẩy tiêu thụ nội địa. Đồng thời, phối hợp với các kênh phân phối, Hiệp hội ngành hàng để thúc đẩy tiêu thụ. Vận động người nuôi áp dụng các quy trình nuôi trồng thủy sản ATTP và ATDB như ViệtGAP, MSC, GlobalGAP,…
Sản xuất cần bám sát yêu cầu thực tế
Đối với thị trường xuất khẩu, thủy sản vướng các rào cản kỹ thuật ở ngay tại các thị trường đạt kim ngạch xuất khẩu lớn như: Trung Quốc áp dụng các biện pháp kiểm soát hàng đông lạnh nhập khẩu (bao bì, bề mặt tiếp xúc với thực phẩm) do lo ngại rủi do lây truyền dịch bệnh Covid-19, số lô hàng bị cảnh báo gia tăng. Chậm cập nhật danh sách doanh nghiệp. Hiện tại, thủy sản nuôi tại Việt Nam vẫn chưa được tái xuất khẩu sang thị trường Ả rập Xê Út.
Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản cho rằng: “Chúng ta sản xuất phải tuân thủ hướng dẫn chung của Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc và Tổ chức Y tế thế giới về những biện pháp phòng chống dịch trong chế biến thực phẩm. Các giải pháp mà 2 tổ chức này đưa ra đều tương đồng với những chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Y tế, vì vậy các doanh nghiệp nếu thực hiện tốt những yêu cầu của Chính phủ và Bộ Y tế là hoàn toàn có thể tháo gỡ được khó khăn về xuất khẩu trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp hiện nay”.
Cùng với đó, đề cập đến vấn đề cấp mã số cơ sở nuôi cho các đối tượng chủ lực như tôm, cá tra, nuôi lồng bè, Ông Trần Đình Luân cho biết: “ Hiện nay, mới chỉ có 7.195 mã số nuôi được cấp, tập trung chủ yếu tại Sóc Trăng, 27 tỉnh còn lại tiến hành vẫn còn chậm. Với tình hình hiện tại, các thị trường quốc tế đã thực hiện các biện pháp truy xuất đến tận cơ sở nuôi, đây chính là vướng mắc mà ngành tôm đang gặp phải”.
Ngành thủy sản đã có những văn bản đề nghị các cơ sở có thẩm quyền giao cho đơn vị chuyên môn hỗ trợ người nuôi để cấp mã số. Tăng cường hướng dẫn các thủ tục, kể cả các mạng lưới của các doanh nghiệp, hiện đang đóng vai trò thu mua những sản phẩm tôm để hướng dẫn bà con những thủ tục, ông Trần Đình Luân nhấn mạnh.
Cùng với đó, việc xây dựng chuỗi an toàn thực phẩm khép kín càng quan trọng trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hiện nay. Thứ trưởng NN&PTNT Trần Thanh Nam yêu cầu các đơn vị của Bộ theo dõi nắm bắt thông tin để tham mưu giải quyết kịp thời các vướng mắc của các địa phương, góp phần đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa. Cục Chế biến và Phát triển thị trường làm đầu mối phối hợp với các bộ, ngành tổng hợp quy trình tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch COVID-19 từ kinh nghiệm thực tế các địa phương để trong tuần sau có thể ban hành quy trình này.
Phạm Huệ