[Aquaculture Việt Nam] – Nằm về phía Bắc tỉnh Quảng Ngãi, huyện Sơn Tịnh có lợi thế mặt nước sông Trà Khúc, rất thuận lợi cho việc nuôi cá trong lồng. Thực hiện kế hoạch của UBND huyện, tháng 4 năm 2020, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Sơn Tịnh triển khai mô hình trình diễn nuôi cá chình trong lồng cho 2 hộ ở thôn Tây, xã Tịnh Sơn. Nhờ áp dụng các qui trình kỹ thuật của cán bộ Trung tâm, cộng với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề nuôi cá lồng trên sông, mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, mở ra triển vọng cho nghề nuôi cá chình của bà con sống dọc ven sông Trà.
Chúng tôi có mặt trên con đường bê tông bên dòng sông Trà Khúc, chị Tôn Thị Ái, thôn Tây, xã Tịnh Sơn, một trong 2 hộ được chọn thực hiện mô hình nuôi cá chình trong lồng đã tự tay vớt những con cá chình trong lồng Inox được thả chìm sát mép dòng sông. Chị Ái vui vẻ cho biết: “Được Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện hỗ trợ cho tôi thả 150 con cá chình giống trên thể tích 10 m3, trọng lượng bình quân 0,15kg/con. Tôi đã ngăn lồng cá làm 2 ô, mỗi ô nuôi 75 con. Qua 12 tháng nuôi, từ tháng 4 năm 2020 đến tháng 5 năm 2021, tỷ lệ cá sống của tôi đạt trên 83%. Hiện 2 lồng còn 125 con cá, trọng lượng đạt bình quân 1kg/con. Giá cá chình hiện nay khoảng 600.000 đồng/1kg thì 125 con cá chình của tôi sẽ cho thu nhập 75 triệu đồng, trừ chi phí tôi còn lãi trên 16,1 triệu đồng”. Theo chị Ái thì số lượng cá này, chị sẽ tiếp tục nuôi cho đến Tết âm lịch. Dự tính đến Tết trọng lượng cá sẽ tăng lên khoảng 2kg/con, thu nhập của chị sẽ được gấp 2 lần so với thời điểm này.
Tương tự như chị Tôn Thị Ái, chúng tôi đến gặp anh Lê Tấn Kiều, người cũng được nhận 150 con cá chình giống do Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện cấp đến tận lồng nuôi; trọng lượng bình quân ban đầu 1,5 g/con. Anh Kiều lựa chọn cá và nuôi trong 2 ô lồng, ô lớn nuôi 90 con, ô nhỏ nuôi 60 con. Lồng được làm chắc chắn, vệ sinh sạch sẽ trước khi thả cá vào nuôi. Anh đã thực hiện việc thuần hóa và tắm cá theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật. Nhờ đó, cá ăn mạnh và phát triển nhanh. Hàng ngày thức ăn dùng cho cá chình là thức ăn dạng viên và các loại cá nhỏ. Qua 12 tháng nuôi, tỷ lệ sống đạt trên 76%, hiện 2 ô lồng của anh còn 115 con, trọng lượng bình quân 1,2kg/con. Với giá hiện tại ngoài thị trường khoảng 600.000 đồng/kg, với số lượng 138kg cá chình, anh Kiều có thu nhập trên 82,8 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi trên 23,9 triệu đồng. Anh cho biết sẽ tiếp tục nuôi đàn cá này đến Tết Nguyên đán với dự tính thu hoạch sẽ được gấp 2 lần hiện nay. Anh Kiều bộc bạch: Cá chình dễ nuôi, dễ sống, chịu đựng tốt với nguồn nước ô nhiễm, nóng cạn, do vậy đây là nghề làm ăn lâu dài của gia đình anh.
Chúng tôi có mặt trên con đường bê tông bên dòng sông Trà Khúc, chị Tôn Thị Ái, thôn Tây, xã Tịnh Sơn, một trong 2 hộ được chọn thực hiện mô hình nuôi cá chình trong lồng đã tự tay vớt những con cá chình trong lồng Inox được thả chìm sát mép dòng sông. Chị Ái vui vẻ cho biết: “Được Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện hỗ trợ cho tôi thả 150 con cá chình giống trên thể tích 10 m3, trọng lượng bình quân 0,15kg/con. Tôi đã ngăn lồng cá làm 2 ô, mỗi ô nuôi 75 con. Qua 12 tháng nuôi, từ tháng 4 năm 2020 đến tháng 5 năm 2021, tỷ lệ cá sống của tôi đạt trên 83%. Hiện 2 lồng còn 125 con cá, trọng lượng đạt bình quân 1kg/con. Giá cá chình hiện nay khoảng 600.000 đồng/1kg thì 125 con cá chình của tôi sẽ cho thu nhập 75 triệu đồng, trừ chi phí tôi còn lãi trên 16,1 triệu đồng”. Theo chị Ái thì số lượng cá này, chị sẽ tiếp tục nuôi cho đến Tết âm lịch. Dự tính đến Tết trọng lượng cá sẽ tăng lên khoảng 2kg/con, thu nhập của chị sẽ được gấp 2 lần so với thời điểm này.
Kết quả đạt được từ mô hình nuôi cá chình trong lồng, đã giúp nông dân có thêm kinh nghiệm quí để tiếp tục tự mình cũng như khuyến khích nhiều hộ mới làm theo, những hộ đang làm thì mở rộng qui mô nuôi, góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập cho bà con.
Thu Phượng – Kim Cúc