(Aquaculture) – Năm 2022, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ bị thiệt hại là 22.894 ha, chiếm 97,2% trong tổng diện tích thủy sản nuôi bị thiệt hại, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2021 (có tổng diện tích bị thiệt hại là 19.840 ha).
Thông tin trên được nêu rõ tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022, triển khai kế hoạch công tác năm 2023 của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) chiều ngày 19/12.
Báo cáo của Cục Thú y cho biết, năm 2022, thiệt hại trên tôm nước lợ tăng hơn 15,4% so với năm 2021. Nguyên nhân chủ yếu do dịch bệnh bùng phát và biến tình hình biến đổi khí hậu. Cụ thể:
- Thiệt hại do dịch bệnh là 7.027 ha (chiếm 30,7% trong tổng diện tích tôm bị thiệt hại); thiệt hại nhưng không xác định được nguyên nhân là 9.891 ha (chiếm 43,2%trong diện tích tôm bị thiệt hại).
- Thiệt hại do biến đổi môi trường, thời tiết là 5.976 ha (chiếm 26,1% trong diện tích tôm bị thiệt hại); diện tích nuôi thâm canh, bán thâm canh bị thiệt hại là 8.419 ha, quảng canh, quảng canh cải tiến và tôm lúa là 14.475 ha.
- Ngoài ra, có khoảng 30.000 ha diện tích nuôi quảng canh/quảng canh cải tiến – kết hợp thả nuôi tôm sú quảng canh, cua biển, cá biển, nhuyễn thể (nuôi dưới tán rừng, nuôi hình thức tận dụng ao đầm, không đầu tư cải tạo ao nuôi, không cho ăn bổ sung, không sử dụng chế phẩm cải tạo môi trường) tại tỉnh Cà Mau bị thiệt hại với hiện tượng cua bị chết, ốp vỏ,.. trong ao nuôi do bị nhiễm ký sinh trùng giáp xác chân tơ.
Bệnh hoại tử gan tụy cấp tính trên tôm nuôi nước lợ: xảy ra tại 148 xã của 46 huyện, thị xã thuộc 18 tỉnh, thành phố; tổng diện tích tôm bị bệnh là trên1.919 ha. So với cùng kỳ năm 2021, bệnh xảy ra ở phạm vi hẹp hơn 3,3% và diện tích có tôm mắc bệnh giảm 8,8%. Cụ thể: Diện tích nuôi tôm sú bị bệnh là 602 ha; tôm thẻ bị bệnh là 1.317 ha; tôm bệnh có độ tuổi từ 15-120 ngày sau thả. Diện tích nuôi thâm canh và bán thâm canh bị bệnh là 1.727 ha; quảng canh, quảng canh cải tiến và tôm lúa là 192 ha; tỉnh Trà Vinh có diện tích bị bệnh lớn nhất (trên 441 ha, chiếm 23% tổng diện tích bị bệnh của các tỉnh).
Bệnh đốm trắng trên tôm nuôi nước lợ: xảy ra tại 177 xã của 52 huyện, thị xã thuộc 19 tỉnh, thành phố; tổng diện tích thiệt hại do bệnh là 2.374 ha. So với cùng kỳ năm 2021, bệnh xảy ra rộng hơn 14,2% về phạm vi và 31% về diện tích có tôm mắc bệnh. Cụ thể: Diện tích nuôi tôm sú bị bệnh là 855 ha; tôm thẻ bị bệnh là 1.519 ha; tôm bệnh có độ tuổi từ 15-100 ngày sau thả. Diện tích nuôi thâm canh và bán thâm canh bị bệnh là 1.906 ha; quảng canh, quảng canh cải tiến và tôm lúa là 468 ha. Sóc Trăng có diện tích bị bệnh lớn nhất (trên 562 ha), chiếm 23,7% tổng diện tích bị bệnh của các tỉnh.
Bệnh hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan biểu mô trên tôm nuôi nước lợ: xảy ra tại các tỉnh Bến Tre, Bạc Liêu và Kiên Giang, diện tích thiệt hại do bệnh là 137 ha.
Bệnh chậm lớn do còi và vi bào tử trùng: xảy ra tại các tỉnh Quảng Bình, Ninh Thuận, Sóc Trăng và Kiên Giang, diện tích thiệt hại do bệnh là 7,65 ha.
Một số bệnh thông thường khác trên tôm: bệnh Đỏ thân gần 1.708 ha (Bạc Liêu là 281 ha, Trà Vinh là 372 ha và Cà Mau là 1055 ha); bệnh Phân trắng là 719 ha (tại Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh, Cà Mau); bệnh Đường ruột gần 200 ha (tại Quảng Bình, Trà Vinh).
Nguồn số liệu: Cục Thú y
Phạm Huệ