(Aquaculture.vn) – Hiện nay, có rất nhiều các đối tượng cá biển được nuôi mang lại giá trị kinh tế cao, trong đó cá chẽm, cá chim vây vàng, cá giò, cá hồng Mỹ và cá mú là các đối tượng được nuôi phổ biến nhất.
Cá chẽm (cá vược)
Cá chẽm (Lates calcarifer) hay còn gọi là cá vược, là một loài cá dữ điển hình. Cá chẽm là loài rộng muối, sống trong cả nước mặn và nước ngọt, cá trưởng thành sống ngoài khơi, ấu trùng sau khi nở sẽ di chuyển vào bờ, và lớn lên ở vùng đầm, cửa sông nước lợ hay có thể vào sâu trong sông hồ nước ngọt. Ấu trùng mới nở phân bố dọc theo các cửa sông nước lợ. Cá chẽm trưởng thành được xem là loài cá ăn thịt, trong giai đoạn ấu niên chúng vẫn là loài ăn tạp. Trong tự nhiên chúng cũng ăn phiêu sinh, rong, tảo. Cá có tốc độ sinh trưởng nhanh, khả năng thích nghi với môi trường cao thịt ngon và giá trị kinh tế cao.
Cá chẽm tại ao có giá 170.000 đồng/kg (được ghi nhận vào ngày 24/02/2023). Gần đây, cá chẽm đã được nuôi ngày càng rộng rãi bằng các hình thức nuôi lồng và nuôi trong ao đầm nước lợ ở Đồng bằng sông Cửu Long khu vực Sóc Trăng, Bạc Liêu, Khánh Hòa…
Cá chim vây vàng
Cá chim vây vàng (Trachinotus spp) là đối tượng nuôi có tốc độ tăng trưởng nhanh, sau 8-10 tháng nuôi cá đạt kích thước thương phẩm 600-800g/con. Chúng là loài cá nổi, rộng muối, ưa hoạt động, sống chủ yếu ở tầng giữa và tầng mặt. Cá có tập tính ăn tạp, dễ nuôi, có thể phát triển với quy mô công nghiệp với các hình thức nuôi lồng, trong ao đất, trong các thủy vực nước lợ và nước mặn đặc biệt có thể nuôi ghép trong các ao nuôi tôm, có tác dụng ngăn ngừa dịch bệnh cho tôm nuôi.
Cá chim vây vàng dễ nuôi hơn một số loài cá khác do tỷ lệ ương giống cá này đạt 100%, sức đề kháng cao. Cá có tốc độ tăng trưởng nhanh, khả năng chống chịu dịch bệnh tốt, dễ nuôi và có thể nuôi ở nhiều hình thức.
Đây là đối tượng nuôi mới đầy triển vọng với giá trị kinh tế cao 140.000-160.000 đồng/kg. Một số tỉnh nuôi Cá chim vây vàng phổ biến tại Việt Nam bao gồm Thanh Hóa, Ninh Bình, Nghệ An, Khánh Hòa và Ninh Thuận, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng.
Cá mú (cá song)
Cá mú/cá song (Epinephelus spp) là một trong những loài cá đáy, có giá trị kinh tế cao, sống ở vùng biển nhiệt đới và cận nhiệt đới. Nước ta có tới 30 loài cá mú, trong đó có 7 loài được ưa chuộng vì có giá trị cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu là: cá mú vạch (E. brunneus), cá mú chấm tổ ong (E. merra), cá mú đỏ (Epinephelus akaara), cá mú hoa nâu (E. fuscoguttatus), cá mú cáo (E. megachir), cá mú đen (E. heeberi), cá mú mỡ (E. tauvina).
Cá phân bố rộng rãi ở vùng nước ven bờ, cửa sông, quanh các đảo, các rạn đá san hô cho tới vùng biển sâu 70-80m. Cá mú thường sống đáy hoặc ẩn nấp trong các hang, rạn đá và các rạn san hô để rình mồi. Cá mú thuộc nhóm cá dữ, ăn mồi động vật, thường săn mồi ở nơi yên tĩnh, khi thiếu mồi, có thể con lớn ăn con bé. Cá mú mỡ (E.tauvina) thường sống ở nơi nhiệt độ nước từ 20-300C, độ mặn từ 15-32‰, pH từ 7,5-9 và độ sâu từ 1-300m, cá mú ăn các loài cá Sơn, cá Phèn, cá Thia …; Cá mú đỏ (E.akaara) sống ở vùng nước có nhiều rạn đá, hang hốc, nơi có độ sâu 20-50 m. Cá con (<10 cm) sống chủ yếu ở vùng nước ven bờ.
Cá mú đỏ có khả năng chống chịu lớn lớn đối với sự thay đổi của nhiệt độ, độ mặn và lượng oxy hoà tan. Nhiệt độ thích hợp nhất với loài cá này từ 22-280C, dưới 150C cá ngừng ăn và mọi hoạt động giảm tới mức tối đa.
Cá mú có giá trị kinh tế rất cao. Giá thị trường hiện nay đối với loài cá mú đen và cá mú chấm hoa nâu là 200.000-300.000 đồng/kg đối với cá có kích cỡ từ 800g-1kg. Cá mú đỏ giá 400.000-500.000 đồng/kg. Vùng nuôi cá mú hiện nay ở Việt Nam tập trung ở các vùng biển Quảng Ninh, Hải Phòng, Phú Yên, Khánh Hoà (Nha Trang, Vạn Giã, Cam Ranh), Bình Thuận (huyện đảo Phú Quý), Kiên Giang (huyện đảo Phú Quốc)…
Cá hồng Mỹ (đù đỏ)
Cá hồng Mỹ/đù đỏ (Sciaenops ocellatus) là loài cá sống rộng muối (có thể thích ứng độ mặn từ 0-32‰), rộng nhiệt, phạm vi phân bố rộng, khi trưởng thành thường di cư đến vùng cửa sông và vùng biển nông để sinh sản. Cá có thể sống trong nước ngọt, nước lợ, nước mặn, nhưng thích hợp nhất vẫn là nước lợ và nước mặn, cho tốc độ sinh trưởng nhanh. Thức ăn chủ yếu là giáp xác, nhuyễn thể.
Ưu điểm của loài này là thích nghi tốt với biến động môi trường, chất lượng thịt cá thơm ngon, dễ bán. Cá thương phẩm có giá bán trên thị trường là 100.000-200.000 đồng/kg. Cá hồng Mỹ đã được nuôi phổ biến trong lồng bè ở vùng biển các địa phương Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bà Rịa-Vũng Tàu.
Cá bớp (cá giò)
Cá bớp/cá giò (Rachycentron canadum) là loài rộng nhiệt (1-32oC), rộng muối (5 – 44,5ppt), sống ở nhiều môi trường khác nhau như nền đáy bùn, cát, sỏi, rạn san hô, rạn đá xa bờ và cả vùng rùng ngập mặn. Cá bớp thường đơn độc, ngoại trừ quy tụ để sinh sản hàng năm. Cá thuộc loài cá dữ, thức ăn của chúng là các loài cá tạp và giáp xác, lượng tiêu thụ mồi lớn.
Cá sinh trưởng nhanh, sau 1 năm cá có thể đạt từ 1,5-2,0 kg/con. Mùa sinh sản của cá là tháng 4-6, ấu trùng cá sống phù du. Cá có thể sống trong nước lợ hoặc nuôi ở ao đầm. Cá bớp là đối tượng nuôi có chi phí đầu tư thấp, dễ nuôi (nguồn thức ăn là cá tạp nên dễ tìm và quản lý lồng nuôi), tăng trưởng nhanh, tỷ lệ sống và lợi nhuận cao và ít rủi ro.
Giá cá bớp dao động từ 240.000-260.000 đồng/kg tại cá bè ở Mũi Né (Phan Thiết) vào cuối năm 2022, tăng mạnh so với những năm trước đó. Ở nước ta, cá bớp được nuôi ngày càng nhiều, đặc biệt ở các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ An, Khánh Hoà, Kiên Giang, Phú Yên…
Thu Hiền