(Aquaculture.vn) – Ngày 17/5/2022, tại Hà Nội, Công ty Cổ phần Tập đoàn MFC và Công ty Jolink Guangdong đã ký kết bản ghi nhớ thỏa thuận hợp nhằm phát huy tối đa năng lực của mỗi bên, gắn kết trong các hoạt động nâng cao hiệu quả kinh doanh và phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững tại thị trường Việt Nam và Trung Quốc.
Theo thỏa thuận, hai bên sẽ cùng nhau tư vấn giải pháp mới cho khách hàng, nhằm thay thế các nguyên liệu đạm không bền vững như bột cá biển, những nguyên liệu có chứa kim loại nặng như các sản phẩm cao gan mực, bột gan mực bằng các sản phẩm dẫn dụ chiết xuất từ tảo biển của Jolink và các sản phẩm Peptide chức năng (nguồn gốc từ phụ phẩm cá, mực, tôm, côn trùng thủy phân) của MFC Group; Cùng nhau chia sẻ giải pháp và thế mạnh của mỗi bên để tư vấn cho khách hàng, phát triển sản phẩm thức ăn chức năng nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng thức ăn, tăng năng suất vật nuôi, nâng cao tỷ lệ sống, lợi nhuận bền vững cho người chăn nuôi; Hợp tác phát triển kinh doanh tại thị trường Việt Nam và Trung Quốc.
Phát biểu tại lễ ký kết, ông Nguyễn Anh Ngọc, Chủ tịch HĐQT MFC Group cho biết, xuất phát từ nhu cầu thị trường tại Việt Nam và Trung Quốc, hiện hai quốc gia đang cùng phải đối mặt với vấn đề sử dụng nguyên liệu bền vững và an toàn trong thức ăn thủy sản, nhất là bột cá và bột gan mực, cao gan mực. Việt Nam và Trung Quốc đều đang phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu bột cá nhập khẩu. Trong bối cảnh thị trường như hiện nay khiến nguồn cung bị đứt gãy, giá cả leo thang khiến doanh nghiệp gặp vô vàn khó khăn. Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu có nguồn gốc từ mực đang được sử dụng phổ biến như cao mực, dịch mực, bột gan mực…đều đang nhiễm kim loại nặng, điều này ảnh hưởng tới việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nguyên nhân chính dẫn tới tồn dư kim loại nặng trong nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi tôm và làm ảnh hưởng tới uy tín của các công ty xuất khẩu tôm và an toàn thực phẩm, uy tín quốc gia. Do đó, việc tìm các nguyên liệu bền vững sản xuất thay thế đang là cấp thiết hơn bao giờ hết.
Nhu cầu thị trường hiện nay đang đòi hỏi nhiều hơn những sản phẩm thức ăn chức năng, thức ăn bổ sung. Bổ sung thức ăn chức năng trong nuôi trồng thủy sản có thể giúp cải thiện chỉ số FCR của cá về dưới 1.0 như nuôi cá hồi tại Nauy, tối ưu hóa năng suất, lợi nhuận nuôi bền vững. Tuy nhiên, ở Việt Nam và Trung Quốc, việc sử dụng thức ăn chức năng vẫn còn hạn chế. Xuất phát từ thực tế trên, hai công ty đang có chung một mục tiêu là thay thế những nguyên liệu không bền vững trong sản xuất thức ăn thủy sản, và đưa ra những giải pháp quan trọng giúp sản xuất thay thế thành công các sản phẩm dùng trong sản xuất thức ăn chức năng, cung cấp cho vật nuôi sức khỏe tốt, cải thiện chỉ số FCR, tăng năng suất, lợi nhuận, giảm ô nhiễm môi trường, giúp ngành thủy sản phát triển bền vững.
“Jolink là Công ty sản xuất thuộc top đầu thế giới về phụ gia chất dẫn dụ được chiết xuất từ tảo biển dùng trong thức ăn thủy sản, giúp tăng dẫn dụ mạnh khi thức ăn thủy sản giảm nguồn bột cá, cao mực, bột gan mực trong công thức.
MFC Group là công ty dẫn đầu tại Việt Nam chuyên cung cấp giải pháp tăng các hoạt chất peptide chức năng giúp hoàn thiện hiệu quả việc thay thay thế bột cá, cao mực, bột gan mực, ngoài tăng tính dẫn dụ cho động vật, còn giúp cải thiện giảm mạnh FCR, tăng năng suất vật nuôi và tăng tỷ lệ sống và là nguyên liệu quan trọng để sản xuất thành công sản phẩm thức ăn chức năng. Đây có thể coi là chìa khóa giúp MFC Group và Jolink thực hiện mục tiêu của mình, thúc đẩy nhanh việc phát triển sản phẩm thức ăn chức năng tại Việt Nam cũng như Trung Quốc và một số quốc gia khác. Hai bên cam kết chia sẻ những bí quyết, tăng sức nặng khi kết hợp chung sản phẩm của hai bên trong việc sản xuất thức ăn thủy sản, đặc biệt là thức ăn chức năng nhằm mục đích cải tiến chất lượng thức ăn, giúp người nuôi thủy sản tối ưu hóa lợi nhuận. Bên cạnh đó, hỗ trợ các nhà quản lý dễ dàng kiểm soát được nhập khẩu nguồn nguyên liệu bền vững, giảm sự phụ thuộc nhập khẩu bột cá và những nguyên liệu có tồn dư kim loại nặng”, ông Nguyễn Anh Ngọc chia sẻ.
Phát biểu tại lễ ký kết, Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, ngành cá hồi NaUy đã cải thiện chỉ số FCR từ 1.5 về dưới 1.0, trong khi đó ngành hàng cá tra của chúng ta lại ghi nhận FRC tăng từ 1.3 lên 1.5-1.7, tăng sản lượng nhưng đồng thời tăng cả FCR. Vậy, vấn đề đặt ra chính là nguồn nguyên liệu đầu vào và yếu tố môi trường. Nguồn nguyên liệu đầu vào dùng trong sản xuất thức ăn thủy sản ngày càng khan hiếm, phụ thuộc lớn từ nguồn tài nguyên biển. Mặt khác, chúng ta hiện đang lãng phí một lượng lớn các nguồn nguyên liệu phụ phẩm trong chăn nuôi, thủy sản, là những nguồn nguyên liệu đầu vào trong nước tiềm năng cho việc sản xuất ra các sản phẩm công nghệ làm nguyên liệu thức ăn thủy sản.
“Sự hợp tác giữa MFC và Jolink rất đáng được mong đợi, cả hai bên đều có những thế mạnh riêng giúp hai quốc gia tận dụng được nguồn nguyên liệu trong nước, giảm sự phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên. Bên cạnh đó, có thể thấy sự kết hợp giữ MFC và Jolink sẽ giúp tác động giảm hệ số FRC, giảm ô nhiễm môi trường, tăng hiệu quả sử dụng thức ăn của đối tượng thủy sản nuôi như tôm, cá. Đây là sự phối hợp tuyệt vời, một cách suy nghĩ mới, một hướng đi mới. Mong rằng, với năng lực của hai bên sẽ giúp Việt Nam có thể tận dụng được nguồn nguyên liệu tại chỗ, phục vụ cho việc phát triển ngành thủy sản một cách bền vững”, ông Trần Đình Luân nhận định.
Hiện nay, tồn dư kim loại nặng trong sản phẩm thủy sản do việc sử dụng cao mực, dịch mực, bột gan mực làm nguyên liệu sản xuất thức ăn thủy sản đang là vấn đề khiến ngành thủy sản lo ngại. Thông qua việc sử dụng các sản phẩm Fish Peptide, Squide Peptide và Insect Peptide (Peptide cá, mực, côn trùng) thông qua công nghệ thủy phân của MFC, cũng như chất dẫn dụ “acttractant” có nguồn gốc tự nhiên (chiết xuất từ rong biển), giúp nâng cao hiệu quả, năng suất sản xuất và phát triển bền vững cho ngành nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, còn giúp các nhà máy sản xuất thức ăn thủy sản tăng hiệu quả sản phẩm khi thay thế nhóm sản phẩm trên, trở thành nguồn nguyên liệu thay thế cho việc sản xuất thức ăn thủy sản.
Sự hợp tác giữa MFC Group và Jolink Group là cơ sở vững chắc nhằm tạo điều kiện cho hai bên phát huy thế mạnh, cùng nhau phát triển và giải quyết vấn đề mà ngành nuôi trồng thủy sản đang phải đối mặt.
Trong tương lai, mục tiêu mà cả hai công ty cùng hướng đến đó là chung tay phát triển ngành thủy sản bền vững, thông qua các giải pháp công nghệ sinh học, các sản phẩm đạm thủy phân chức năng – Peptide hoạt tính sinh học có nguồn gốc từ thủy sản và côn trùng, tảo biển tạo ra các sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng.
Phạm Huệ