Thứ Tư, 9/11/2022, 6:21

Làm sao để có bầy cá giống chất lượng cao?

Chất lượng cá giống nuôi thả chưa tốt, kéo theo tỷ lệ sống cá nuôi từ khi thả bột, ương cá bột đến cá giống, thả cá giống nuôi đến khi thu hoạch cá thương phẩm, thường rất thấp, ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ lệ sống của cá nuôi suốt vụ thấp.

Yếu tố di truyền ảnh hưởng đến chất lượng cá giống

Có rất nhiều nguyên nhân tác động, ảnh hưởng, làm chất lượng cá giống thả nuôi không tốt. Trong đó, yếu tố di truyền thông qua bầy cá bố mẹ được quan tâm đầu tiên. Thường bầy cá hậu bị được tuyển chọn từ bầy cá nuôi thương phẩm, sau khi tuyển chọn, nuôi vỗ thành cá bố mẹ. Hầu hết cá bố, cá mẹ, được chọn có cùng nguồn gốc ông bà, cùng bầy, cùng gia phả, rất ít cơ sở sản xuất giống quan tâm, chọn cá bố và cá mẹ nguồn gốc xa nhau, khác bầy, khác gia phả. Việc lai tạo gần, lai tạo bầy cá cùng huyết thống, sử dụng bầy cá bố mẹ sinh sản nhiều lần, sẽ làm giảm chất lượng chất lượng cá bột, cá giống. Lai cận huyết dẫn đến hậu quả như giảm đa dạng và chất lượng di truyền của cá giống, mất dần khả năng duy trì tính đa dạng về nguồn gen, làm suy giảm tăng trưởng, tỷ lệ sống thấp, mẫn cảm với bệnh, nhạy cảm với sự thay đổi môi trường…

Chọn cá bố mẹ rất quan trọng khi ương giống cá. Ảnh: baonongnghiep.r.worldssl.net

Bên cạnh đó, sử dụng thức ăn kích thích thành thục, thuốc kích thích lên trứng, trong quá trình nuôi vỗ cá bố mẹ… sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cá giống. Mặt khác, chế độ nuôi vỗ, chất lượng môi trường nuôi vỗ, chất lượng cá bố mẹ chọn lựa sau khi nuôi vỗ…ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả sinh sản và ương nuôi cá con. Việc sử dụng thuốc kích dục tố trong sinh sản nhân tạo, gây chín và rụng trứng, kích thích cá sinh sản theo mong muốn, để lại những ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cá giống.

Làm thế nào để cải thiện chất lượng cá giống?

Nuôi vỗ và chế độ dinh dưỡng cho cá hậu bị, quyết định đến chất lượng cá bố mẹ. Nếu nuôi vỗ không đúng kỹ thuật, không đủ thời gian, chăm sóc không tốt trong quá trình nuôi vỗ, chất lượng môi trường nuôi vỗ không tốt,… sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cá bố mẹ. Nguồn thức ăn cho cá hậu bị, trong quá trình nuôi vỗ cần đảm bảo các hoạt động như bơi lội, hô hấp, hấp thu và tiêu hoá thức ăn, trao đổi năng lượng, quan trọng nhất đủ dinh dưỡng để cá hậu bị tạo sản phẩm trứng, tinh trùng, đảm bảo chất lượng cá bột, cá giống, tốt nhất. Chế độ ăn nên chọn thức ăn có hàm lượng 35% protein thô, trong đó, đậu nành có protein thô cao nhất từ thực vật, dễ tiêu hóa. Mặt khác, bổ sung các loại vitamin A, D, E, vi khoáng vào thành phần dinh dưỡng trong quá trình nuôi vỗ cá, góp phần cải thiện chất lượng bầy cá bố mẹ sau quá trình nuôi vỗ.

Chọn lọc cá giống chất lượng cao. Ảnh: trieuphunongdan.com

Để xóa cận huyết, tăng đa dạng di truyền, cải thiện tăng trưởng và một số đặc điểm kinh tế khác, ngoài việc cải thiện các hạn chế đã đề cập trên, thì giải pháp lai chéo được đánh giá khả thi, áp dụng cho hiệu quả cao. Trong đó, cá bố, cá mẹ, được chọn nuôi vỗ thành cá hậu bị, có nguồn gốc khác nhau, khác bầy, khác gia phả, khác vùng nuôi về mặt địa lý. Tiến hành cho sinh sản chéo, kiểm soát số lần sinh sản. Một giải pháp khác đó là chọn lọc cá thể cho tăng trưởng, phương pháp này đơn giản và hiệu quả, nhưng chỉ áp dụng được một vài thế hệ. Bên cạnh đó, việc trao đổi, bổ sung đàn cá hậu bị khác thường xuyên, cũng như giới hạn thời gian sử dụng đàn cá bố mẹ, giới hạn số lần sinh sản của cá bố mẹ, để giảm số thế hệ gia hóa trong trại giống, vì mức độ cận huyết tăng theo số thế hệ. Có thể áp dụng giải pháp chọn lọc hàng loạt, dựa trên sự khác nhau các tính trạng chọn lọc.

Căn cứ vào mục đích chọn giống, để chọn các tính trạng theo mong muốn. Có thể chọn lọc liên quan tăng trưởng, liên quan trọng lượng, liên quan kích thước cơ thể, hoặc về khả năng đề kháng, khả năng miễn dịch, khả năng chống chịu dịch bệnh… Ngoài ra, các giải pháp khác như chọn lọc gia đình, chọn lọc anh em, chọn lọc hỗn hợp…đều góp phần cải thiện chất lượng cá giống thả nuôi.

Con giống kém chất lượng đã ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả các mô hình nuôi cá thương phẩm như giảm tăng trưởng, FCR cao, cá nuôi phân đàn, tỷ lệ sống thấp, sức đề kháng kém, dễ cảm nhiễm dịch bệnh, không có khả năng chống chọi với điều kiện môi trường bất lợi, tốn nhiều chi phí trong quá trình nuôi, giá thành sản xuất cao. Cải thiện các vấn đề tồn tại trên thông qua việc nâng chất lượng đàn cá hậu bị, cá bố mẹ bằng các giải pháp đã đề cập. Trong đó, lai chéo, chủ động thay mới đàn cá hậu bị, kiểm soát số lần sinh sản cá bố mẹ, góp phần cải thiện hiệu quả chất lượng cá giống thả nuôi, khắc phục những hạn chế kể trên. Một đàn cá giống chất lượng, chắc chắn sẽ cho một kết quả nuôi thương phẩm chi phí thấp, ít rủi ro trong quá trình nuôi, hiệu quả cao, người nuôi lãi nhiều.

Lý Vĩnh Phước
Tép bạc