Cà Mau là tỉnh có tiềm năng rất lớn trong nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là con tôm. Địa phương này cũng định hướng đến năm 2030 phát triển diện tích rộng hơn.
Nhu cầu lớn về nguồn tôm giống phục vụ sản xuất
Theo trang thông tin kinh tế của TTXVN tỉnh Cà Mau định hướng đến năm 2030 phát triển diện tích nuôi tôm sú khoảng 250.810 ha, nuôi tôm thẻ chân trắng khoảng 9.190 ha. Sản lượng cả hai loại hình nuôi kể trên đạt trên 328.000 tấn/năm. Từ thực tế trên cho thấy nhu cầu nguồn tôm giống đảm bảo chất lượng phục vụ sản xuất là rất lớn. Cụ thể tôm sú giống khoảng 27,8 tỷ con và tôm thẻ chân trắng khoảng 23,5 tỷ con.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết, địa phương có diện tích nuôi trồng thủy sản hàng năm khoảng 300.000 ha; trong đó diện tích nuôi tôm trên 280.000 ha, Năm 2022 nhu cầu con giống ở Cà Mau lên đến gần 42 tỷ con thì mới đáp ứng tất cả các loại hình nuôi như: thâm canh, siêu thâm canh, quảng canh cải tiến, quảng canh, tôm – lúa, tôm – rừng.
Trong khi đó, năng lực sản xuất tôm giống của tỉnh chỉ đạt tối đa 21 tỷ con giống, chỉ đáp ứng được gần 50% nhu cầu nuôi của toàn tỉnh. Mặt khác, công tác quản lý tôm giống nhập tỉnh còn nhiều khó khăn do địa bàn rộng và một số tôm giống nhập nguồn gốc không rõ ràng, chất lượng không đảm bảo. Nguồn tôm giống phải nhập từ các tỉnh, chủ yếu là miền Trung với khoảng 20-23 tỷ con/năm; trong đó khoảng 70% là tôm thẻ chân trắng.
Nỗ lực tìm cách vực dậy xuất khẩu thủy sản ở Cà Mau
Theo Nhân Dân, khép lại quý I năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh chỉ đạt 275 triệu USD, bằng 21,15% kế hoạch, giảm đến 26,15% so với cùng kỳ 2022.
Trong đó, xuất khẩu thủy sản đạt hơn 238 triệu USD, bằng 19,88% kế hoạch, giảm 11,88% so với cùng kỳ; xuất khẩu phân bón chỉ đạt 36,45 triệu USD, bằng 38,37% kế hoạch, giảm đến hơn 64% so với cùng kỳ năm trước.
Các thị trường giảm nhiều đối với xuất khẩu của Cà Mau, như: Mỹ giảm 61,9%; EU giảm 31,1%; Nhật Bản giảm 50,2%; Australia giảm 64,2%; Canada giảm 73,5%…
Đặc biệt khó khăn, vướng mắc lớn nhất hiện nay đối với xuất khẩu của Cà Mau, đặc biệt ở lĩnh vực thủy sản là vấn đề tiếp cận vốn. Hiện, các tổ chức tín dụng thắt chặt nguồn vốn do thiếu tài sản đảm bảo; một số tổ chức tín dụng lãi suất cao hơn 9% nên doanh nghiệp khó tiếp cận; hạn mức cho vay thấp nên doanh nghiệp khó chủ động về vốn khi cần thu mua nguyên liệu.
Ngoài ra, một số nguyên nhân khác được cho đã tác động không nhỏ đến xuất khẩu thủy sản của Cà Mau, như: chi phí đầu vào cho sản xuất, nuôi trồng đều tăng cao do ảnh hưởng giá xăng dầu tăng và tình hình lạm phát tại các thị trường lớn còn tăng cao. Thị trường đầu ra còn yếu do kinh tế một số nước chưa phục hồi, đơn hàng thiếu, một số nhà nhập khẩu còn tồn kho lớn…
Nhằm chung tay gỡ khó đối với xuất khẩu thủy sản của Cà Mau, thời gian qua, tỉnh triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước 40.000 tỷ đồng theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn.
Theo Nghị định số 31 thì đến nay, trên địa bàn Cà Mau có 7 doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản được tiếp cận gói hỗ trợ, với tổng vốn vay khoảng 622 tỷ đồng, trong đó tiền lãi đã hỗ trợ gần 3,5 tỷ đồng.
Ngoài sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, nhiều ngân hàng thương mại cũng linh hoạt trong chính sách cho vay đối với hoạt động chế biến, xuất khẩu.
Theo báo cáo từ các ngân hàng thương mại, đến cuối tháng 3/2023, dư nợ cho vay đối với hoạt động trên tại Cà Mau là 113 khách hàng với hơn 6.570 tỷ đồng, mức lãi suất giao động từ 4,5-14%/năm (trung bình 8,48%/năm).
Thời gian tới, các chi nhánh Ngân hàng thương mại ở Cà Mau cần thêm 1.500 tỷ đồng vốn cho vay lĩnh vực chế biến, xuất khẩu thủy sản; dư nợ cần cơ cấu kéo dài thời gian trả nợ gần 200 tỷ đồng…
Trước đó tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản trên địa bàn tỉnh Cà Mau, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt đã chỉ rõ, trong định hướng phát triển thời gian tới, Cà Mau xác định thủy sản vẫn là ngành kinh tế mũi nhọn.
Hiện tỉnh đang quyết liệt các các giải nhằm tăng năng suất, giảm rủi ro từng loại hình nuôi, đồng thời tiếp tục phát huy lợi thế các loại hình nuôi tôm thân thiện với môi trường nhằm cung ứng mặt hàng tôm chất lượng cao.
Trong lĩnh vực xuất khẩu thủy sản, Cà Mau định hướng tập trung khai thác thị trường nội địa và đa dạng các mặt hàng sản phẩm bằng cách tiếp cận sâu những thành phố lớn, những địa phương không có mặt hàng thủy sản.
Đối với lĩnh vực tín dụng, người đứng đầu chính quyền tỉnh yêu cầu các ngân hàng tiến hành rà soát cụ thể, rõ ràng từng doanh nghiệp để xúc tiến nhanh các chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp tiếp cận vốn vay, sử dụng vốn hỗ trợ từ Nhà nước một cách có hiệu quả nhất.
“Lĩnh vực sản xuất, chế biến xuất khẩu và cung ứng vốn phải có sự liên kết chặt chẽ với nhau, không thể tách rời. Sự liên kết này phải trên nguyên tắc lợi nhuận hài hòa, rủi ro cùng chia sẻ” – Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt, gợi mở.
Bên cạn đó thời gian qua, UBND tỉnh Cà Mau cũng đã tăng cường chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị có liên quan tổ chức phối hợp, kết nối với các tỉnh quản lý, kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc con giống nhập tỉnh, đảm bảo về chất lượng, sạch bệnh để cung ứng cho các vùng nuôi nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả nuôi thủy sản ở Cà Mau.
Đặc biệt, UBND tỉnh đã ban hành Đề án Phát triển sản xuất con giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh giai đoạn 2023-2030; trong đó định hướng phát triển sản xuất nguồn giống thủy sản, giống cây nông nghiệp và giống vật nuôi để cung ứng cho vùng nuôi nhằm chủ động nguồn giống phục vụ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, các sở, ngành tỉnh và UBND huyện, thành phố và đơn vị có liên quan có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh triển khai thực hiện đề án đảm bảo mục tiêu đề ra.
Trúc Chi
Nguồn: baomoi.com