Ông Võ Văn Phục, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam từng đưa ra nhận định: “Sự phát triển của ngành tôm trong những năm gần đây là rất tốt, rất ấn tượng, nhưng cũng rất nghịch lý.
Nghịch lý ở đây chính là sự phát triển của ngành tôm không dựa trên nền tảng nuôi trồng mà nhờ vào trình độ chế biến. Điều này tiềm ẩn rủi ro rất lớn, mà về lâu dài nếu không khắc phục được, ngành tôm sẽ rất khó khăn, thậm chí đánh mất vị thế của mình trên thương trường”.
Nhận định trên của ông Phục đã và đang trở thành hiện thực, khi ngành tôm phải đối mặt với quá nhiều khó khăn đến từ tình trạng lạm phát toàn cầu làm giảm sức mua và đặc biệt là sự cạnh tranh với tôm giá rẻ đến từ Ecuador và Ấn Độ.
Đó cũng là lý do vì sao các ý kiến tham luận của doanh nghiệp ngành tôm tại Hội nghị toàn thể hội viên và kỷ niệm 25 năm thành lập Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), diễn ra vào ngày 12-6-2023, tại TP Hồ Chí Minh, đều có chung đề xuất, VASEP cần có tầm nhìn xa hơn để mở đường cho ngành tôm phát triển, mà trước mắt là cần quan tâm đến cả chuỗi giá trị, đặc biệt là lĩnh vực nuôi để có thể giảm giá thành, ổn định chất lượng, giữ vững vị thế cạnh tranh cho ngành tôm.
Trong bối cảnh ngành tôm Việt Nam phải nhảy vào cuộc đua về chất lượng và giá thành, cả doanh nghiệp và người nuôi sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nên theo ông Trần Văn Phẩm, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thủy sản Sóc Trăng (Stapimex), VASEP cần tính tới việc làm thể nào để có thể tăng được sức mạnh, hay có chung tiếng nói với bên phụ trách lĩnh vực nuôi, để có thể có tiếng nói tác động tới ngành nuôi tôm.
VASEP cần là đầu tàu để tập hợp các tiếng nói đơn lẻ và dựa trên cơ sở đó nghiên cứu và hệ thống lại đưa ra giải pháp dài hạn, rõ ràng, mạnh mẽ, để giải quyết các vấn đề này. Ông Phẩm nhấn mạnh: “Về lâu dài, chúng ta muốn thắng được Ấn Độ và Ecuador, chúng ta cần tập trung ngay vào ngành nuôi từ bây giờ bằng dự án hoặc chiến lược giảm giá thành và ổn định chất lượng”.
Còn theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta, ngành tôm chỉ có con đường làm sao tập trung giảm giá thành tôm nuôi và nỗ lực tạo ra sản phẩm mới thu hút người tiêu dùng. Song song nên coi trọng thực hiện các yêu cầu theo xu thế người tiêu dùng, tập trung cho các tiêu chí phát triển bền vững và phổ biến lúc này là thực thi bộ tiêu chí ESG (môi trường – xã hội – quản trị). Có như vậy mới hy vọng các doanh nghiệp tôm chúng ta thuyết phục được các hệ thống phân phối cao cấp để có được những đơn hàng lớn và dài hạn.
Liên quan đến việc cải thiện giá thành và chất lượng tôm nuôi, theo ông Phục đã đến lúc ngành tôm cần có cuộc cách mạng trong lĩnh vực nuôi, với người đứng đầu là những chủ doanh nghiệp tôm. Ông Phục chia sẻ: “Chính những người này mới có đủ nguồn lực về nhân lực, tài lực và khoa học công nghệ để có thể làm nên một cuộc cách mạng giảm giá thành, tăng năng suất. Do đó, trong thời gian tới doanh nghiệp cần thay đổi suy nghĩ để làm sao có được sự đầu tư mạnh mẽ vào vùng nuôi.
Đây là tiền đề để giải quyết được thách thức về mặt giá thành nguyên liệu và chứng minh cho người mua là các doanh nghiệp Việt Nam làm ăn chân chính, nghiêm túc, vùng nuôi có chứng nhận, có truy xuất nguồn gốc, xuất xứ”. Bên cạnh sự nỗ lực của ngành tôm, theo ông Phục vai trò của Nhà nước trong công tác quy hoạch cơ sở hạ tầng (giao thông, thủy lợi, điện…), chính sách đất đai, cũng như các chính sách hỗ trợ nông dân để tránh mai một nghề nuôi.