Top các sự kiện nổi bật của ngành thủy sản Việt Nam năm 2021.
1. COVID-19 khiến ngành thủy sản kiệt sức
Ngày 19/7/2021, 16 tỉnh thành phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16, bắt đầu cho 3 tháng giãn cách khiến chuỗi sản xuất toàn ngành kiệt sức. Dưới tác động của COVID-19, cả nuôi trồng – đánh bắt – chế biến thủy sản đều bị tác ảnh hưởng tiêu cực.
Việc siết chặt giãn cách theo Chỉ thị 16 khiến lưu thông hàng hóa liên tỉnh phục vụ sản xuất trong ngành thủy sản gặp khó khăn, người nuôi thiếu giống, thiếu hụt thức ăn, thuốc hóa chất. Giá bán thủy sản đồng loạt giảm sâu, xuất bán chậm, người nuôi thua lỗ nặng.
Thủy sản khai thác cũng gặp ách tắc về khâu tiêu thụ, nhiều cảng cá đóng cửa. Ngư dân không dám cho tàu ra khơi đánh bắt, trên 50% tàu cá phải nằm bờ.
VASEP báo cáo có hơn 70% doanh nghiệp thủy sản ở các tỉnh thành phía Nam không thể duy trì sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” hoặc “1 đường cung – 2 địa điểm”. Nhiều doanh nghiệp lâm nợ ngân hàng, nợ nhà cung cấp, mất khách hàng, mất công nhân để hoạt động trở lại sau dịch.
2. Mỹ hủy bỏ thuế chống phá giá với Minh Phú
Ngày 17/2/2021, ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho biết Cơ quan Hải quan Mỹ (CBP) đã huỷ bỏ quyết định đã ban hành ngày 13-10-2020 về việc áp thuế chống phá giá với tôm Ấn Độ lên sản phẩm tôm xuất khẩu từ Minh Phú vào thị trường Mỹ.
Quyết định này cho phép Minh Phú tiếp tục được xuất khẩu tôm đông lạnh vào Mỹ mà không phải chịu thêm thuế chống phá giá áp dụng cho tôm Ấn Độ hay bất kỳ loại thuế chống phá giá nào khác. Tập đoàn thủy sản này cũng được hoàn lại các khoản thuế chống phá giá đã phải tạm nộp (tiền ký quỹ) trước đó.
3. Xuất khẩu cá tra rơi vào giai đoạn xấu nhất trong lịch sử
Từ đầu năm 2021, xuất khẩu cá tra rơi vào trầm lắng và được đánh giá là giai đoạn xấu nhất trong lịch sử 40 năm nghề nuôi cá tra ở ĐBSCL. Thời điểm này, top 3 thị trường chính gồm Mỹ, khối thị trường CPTPP và Trung Quốc. Duy chỉ có thị trường Mỹ tăng nhẹ, 2 thị trường còn lại đều giảm.
Trong khi đó, Trung Quốc là thị trường điểm của cá tra Việt Nam, nếu tính theo xuất khẩu chính ngạch thị trường này chiếm khoảng 50% tổng khối lượng cá tra xuất khẩu, cộng 10% xuất tiểu ngạch thì thị trường Trung Quốc tiêu thụ khoảng 60% sản lượng cá tra của Việt Nam.
Trong năm, giá cá tra cũng có lúc tăng cao do thiếu hụt nguyên liệu. Người nuôi nhỏ lẻ lẫn vùng nuôi của công ty đều thu hẹp do không còn khả năng duy trì sản xuất, vì vậy tuy giá tăng nhưng lại đáng lo hơn đáng mừng.
4. Kế hoạch quốc gia phòng, chống dịch bệnh thủy sản đến năm 2030
Ngày 24/03/2021, Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch quốc gia phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi, giai đoạn 2021 – 2030.
Theo Kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 434/QĐ-TTg (Quyết định 434). Mục tiêu chung của Kế hoạch là tổ chức phòng bệnh, khống chế và kiểm soát có hiệu quả một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi và xây dựng thành công các vùng, cơ sở, chuỗi sản xuất thủy sản an toàn dịch bệnh để phục vụ tiêu dùng nước nước và đẩy mạnh xuất khẩu.
5. Siết chặt nhập khẩu cá tầm
Sau khi Hội Nghề cá Việt Nam và Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng liên tục có các văn bản phản ánh về tình hình kinh doanh cá tầm không thuộc danh mục loài thuỷ sản được phép kinh doanh tại Việt Nam đã gây thiệt hại đến nghề nuôi cá tầm trong nước. Tổng cục Hải quan ra văn bản yêu cầu siết chặt nhập khẩu cá tầm, đồng thời, hướng dẫn 3 trường hợp cấm nhập khẩu cá tầm.
Theo đó, các loài cá tầm được phép kinh doanh tại Việt Nam bao gồm: Cá tầm Beluga, cá tầm Nga, cá tầm Sterlet, cá tầm Trung Hoa, cá tầm Xiberi. Trường hợp nhập khẩu loài cá tầm không có tên trong danh mục nêu trên để khảo nghiệm, nghiên cứu khoa học, trưng bày tại hội chợ, triển lãm phải được Tổng cục Thủy sản cấp phép.
6. Hội chợ Triển lãm VietShrimp 2021
Hội chợ Triển lãm Quốc tế ngành tôm Việt Nam lần thứ ba năm 2021 (VietShrimp 2021) diễn ra từ ngày 14 – 16/04/2021 tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc tế Cần Thơ (EFC) là sự kiện triển lãm hiếm hoi của ngành thủy sản được tổ chức trong năm do bùng phát của dịch bệnh COVID-19.
Với mục tiêu cùng hướng tới “Đích đến bền vững” cho ngành thủy sản Việt Nam, VietShrimp 2021 thu hút hơn 200 gian hàng của các doanh nghiệp, tổ chức trong nước và quốc tế cùng nhiều hội thảo chuyên đề với các nội dung thiết thực như: Tổng quan về đích đến bền vững, giải pháp nuôi trồng thủy sản bền vững, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong nuôi trồng thủy sản.
7. Vĩnh Hoàn rót vốn vào startup sản xuất thịt tôm nhân tạo
Tháng 7/2021, Shiok Meats, công ty đầu tiên trên thế giới sản xuất thịt tôm từ các tế bào được nuôi trong phòng thí nghiệm cho biết đã hoàn tất màn gọi vốn từ các công ty hàng đầu trong ngành thực phẩm Hàn Quốc là Woowa Brothers Asia Holdings và CJ CheilJedang Corporation. Ngoài ra thương vụ còn có sự góp mặt của Công ty thủy sản Vĩnh Hoàn.
Như vậy, Vĩnh Hoàn sẽ là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam theo đuổi việc đưa tôm “nuôi” trong phòng thí nghiệm vào bữa ăn các gia đình. Sự kiện này cho thấy Vĩnh Hoàn đang thực hiện cam kết phát triển thủy sản bền vững, cũng như tiếp tục chuyển sang kinh doanh nhiều sản phẩm khác có liên quan đến ngành nghề kinh doanh chính.
8. 3400 tỷ đồng phát triển NTTS bền vững đồng bằng sông Cửu Long
Tháng 8/2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có quyết định phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030.
Đề án nhằm mục tiêu phát triển NTTS vùng ĐBSCL bền vững, phù hợp với điều kiện từng vùng sinh thái và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, nước biển dâng. Nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng, giá trị sản phẩm và hiệu quả sản xuất dựa trên việc tổ chức sản xuất phù hợp, đầu tư đồng bộ và áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào toàn chuỗi giá trị sản phẩm.
Tổng nhu cầu kinh phí thực hiện đề án khoảng 3.400 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách là 1.000 tỷ đồng và vốn từ các nguồn khác là 2.400 tỷ đồng.
9. Kế hoạch trở thành trung tâm chế biến thủy sản thế giới
Ngày 16/8/2021 Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký Quyết định số 1408/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển ngành chế biến thủy sản giai đoạn 2021-2030.
Đề án đặt mục tiêu phấn đấu đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến thủy sản và đứng trong số 5 nước hàng đầu thế giới vào năm 2030. Theo đó, phải phát triển chế biến thủy sản hiện đại, hiệu quả và bền vững, đáp ứng được nhu cầu, quy định của thị trường tiêu thụ; nâng cao năng lực cạnh tranh và tiếp tục hội nhập sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu. Hình thành một số tập đoàn, doanh nghiệp chế biến thủy sản hiện đại, có tiềm lực kinh tế và trình độ quản lý ngang tầm thế giới. Góp phần vào giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 14 -16 tỷ USD.
Thảo
Nguồn: Tepbac.vn