[Aquaculture Việt Nam] – Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, giá tôm Việt Nam hiện nay đang ở mức khoảng 10,2 USD/kg. Mức giá này được coi là một trong những thách thức lớn trong xuất khẩu tôm hiện nay.
Năng lực chế biến
Theo số liệu thống kê của Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Agrotrade Việt Nam), hiện nước ta có trên 300 cơ sở chuyên và có kết hợp chế biến tôm với công suất trên 1,4 triệu tấn/ năm. Tập trung chủ yếu ở miền Trung, Nam Trung Bộ và các tỉnh ĐBSCL. Qua kiểm tra các cơ sở đều đáp ứng tốt các điều kiện xuất khẩu. Sản phẩm chế biến đa dạng, trong đó sản phẩm đông lạnh chiếm khoảng 90% với nhiều dạng sản phẩm khác nhau, 10% còn lại tập trung chủ yếu các sản phẩm khô, tươi sống.
Bên cạnh đó, các cơ sở chế biến hiện nay bắt đầu tập trung nhiều sang mảng phụ phẩm, tận dụng các nguyên liệu đầu, vỏ tôm từ các nhà máy để chế biến thức ăn chăn nuôi và một số sản phẩm có giá trị như: Chitin, chitosan, glucosamin, astaxanthini… Tuy nhiên, do công nghệ xử lý thủy hải sản hạn chế, thành phẩm đa phần là sản phẩm đông lạnh hoặc có hàm lượng chế biến thấp, nên lượng phụ phẩm thải ra trong quá trình sản xuất còn khá cao với tỷ lệ khoảng 35 – 60%, tương đương hơn 2 triệu tấn phụ phẩm thủy hải sản mỗi năm, trong đó có khoảng 250 tấn phụ phẩm tôm.
Công ty Cổ phần Việt Nam Food (VNF) là đơn vị đi đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực chế biến các sản phẩm phụ từ ngành tôm. Theo đánh giá của đại diện VNF, trong quá trình chế biến tôm, chỉ có 55-65% của con tôm được sử dụng, còn lại 35-45% phần còn lại được coi là phụ phẩm, bị bỏ đi. Trong khi đó, phụ phẩm tôm chứa rất nhiều chất dinh dưỡng có giá trị, có thể được chiết xuất và áp dụng trong nhiều lĩnh vực, tạo ra giá trị mới cao hơn nhiều lần.
Gánh nặng chi phí
Tổng cục Trưởng Tổng cục Thủy sản, ông Trần Đình Luân nhận định, cơ cấu giá thành sản xuất thủy sản chiếm khoảng 50-70%, trung bình 60%. Chính vì thế, đây là một trong những yếu tố nhạy cảm khi giá cả biến động, làm tăng chi phí sản xuất, tăng rủi ro và khả năng cạnh tranh thủy sản của Việt Nam. Chi phí sản xuất thủy sản của chúng ta từ trước tới nay vẫn luôn được đánh giá là cao hơn các nước trong khu vực.
Theo ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, hiện nay sản phẩm tôm của Việt Nam vẫn đang đứng trước những thách thức từ trong nước cũng như thị trường xuất khẩu. Ngoài vấn đề chi phí sản xuất thì chất lượng tôm giống, dịch bệnh tiềm ẩn, tôm nguyên liệu phục vụ sản xuất chế biến chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu cũng là những thách thức lớn với chúng ta. Bên cạnh đó, các đối thủ cạnh tranh như Ấn Ðộ, Ê-cu-a-đo, Thái-lan đã tiệm cận trình độ về công nghệ nuôi của Việt Nam, giá thành sản xuất rẻ hơn. Điều này đòi hỏi các nhà quản lý, các doanh nghiệp, người nuôi cần phải có giải pháp đột phá, quyết liệt để nâng cao khả năng cạnh tranh của con tôm của Việt Nam trong thời gian ngắn nhất, ông Quang nhấn mạnh.
Việc ảnh hưởng của giá nguyên liệu dùng trong sản xuất thức ăn thủy sản, chăn nuôi tăng cao liên tiếp trong thời gian dài cũng tác động không nhỏ tới hoạt động sản xuất của ngành tôm Việt Nam, đè nặng thêm về vấn đề chi phí sản xuất.
Giải pháp nào cho xuất khẩu tôm
Theo dự báo của Agrotrade, năm 2021 sẽ là một năm khó khăn, kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, khó lường. Các cuộc cạnh tranh chiến lược, xung đột thương mại, cạnh tranh thị trường, công nghệ, nhân lực chất lượng cao giữa các quốc gia ngày càng quyết liệt.
Bên cạnh đó, chúng ta vẫn nhìn thấy những cơ hội trong khó khăn. Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến các quốc gia cạnh tranh với Việt Nam như Ấn Độ, Ecuador, một số nước Đông Nam Á, làm giảm 30-50% sản lượng sản xuất, xuất khẩu. Thói quen tiêu dùng cũng vì thế mà thay đổi, các sản phẩm tôm chế biến, ăn liền tiện dụng ngày càng được ưa chuộng.
Đại diện cho doanh nghiệp sản xuất, ông Lê Văn Quang (Minh Phú), cho biết năm 2020, so với các nước đối thủ, Việt Nam có lợi thế do kiểm soát tốt hơn dịch Covid-19, các thị trường tiêu thụ chính như Mỹ, EU, Trung Quốc ưu tiên chọn mua tôm của Việt Nam. Trong khi các nước sản xuất tôm chính như Ấn Ðộ, Ecuador, Thái Lan…đều phải chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19 như sản xuất, vận chuyển hàng hóa đình trệ, giá tôm giảm khiến hoạt động thả nuôi chậm, sản lượng tôm giảm. Bên cạnh đó, doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đã tích cực, chủ động xoay chuyển thị trường, tận dụng cơ hội từ những thay đổi tạo ra trên thị trường do dịch Covid-19 và tận dụng các cơ hội có được từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA, CPTPP,… các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam đã đa dạng hóa các sản phẩm phù hợp từng phân khúc khác nhau.
Từ những ngày đầu năm 2021, với hơn 160 tấn tôm do Công ty cổ phần thủy sản Minh Phú Hậu Giang (Khu công nghiệp Sông Hậu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) đã được xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng của Việt Nam là EU, Mỹ và Nhật Bản, chuyến hàng này như tín hiệu dự báo tốt lành cho ngành tôm xuất khẩu trong năm 2021.
Bên cạnh đó, nhằm đưa ra các giải pháp ổn định cho xuất khẩu tôm trong bối cảnh mới hiện tại, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo điều chỉnh kế hoạch sản xuất tôm, dãn cách mật độ, duy trì sản xuất đảm bảo nguồn cung nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu. Các nhà máy chế biến tập trung nhiều hơn cho phân khúc hàng chế biến, ăn liền tiện dụng theo nhu cầu của thị trường hiện tại.
Tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại tại các thị trường trọng điểm, thị trường tiềm năng, phát triển thị trường nội địa, tháo gỡ các khó khăn cho hoạt động bán lẻ, kinh doanh tôm. Kịp thời cập nhật thông báo các quy định và biến động của thị trường xuất khẩu.
Phát triển và nhân rộng các hình thức liên kết sản xuất, tiêu thụ giúp ổn định giá cả và đầu ra cho bà con nông dân. Rà soát giá thành trong tất cả các khâu thức ăn, con giống, nuôi, chế biến để tìm cách giảm giá thành sản phẩm xuất khẩu, tăng sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Đồng thời thay đổi công nghệ sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, đa dạng hóa, tiện lợi hóa, tập trung chế biến sâu để nâng cao giá trị con tôm. Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương tập trung thúc đẩy tiêu thụ nội địa, phân phối bán lẻ, bán trực tuyến. Bộ cũng yêu cầu các đơn vị thực hiện quyết liệt Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam.
Vũ Hải