Xuất khẩu tôm dự báo tăng mạnh đến cuối năm, các doanh nghiệp (DN) chế biến và xuất khẩu thủy sản “nóng lòng” sớm khôi phục sản xuất. Tuy nhiên, mối lo thiếu tôm nguyên liệu và đảm bảo an toàn phòng ngừa dịch bệnh cho công nhân là trở ngại lớn nhất
Biến động và dự báo
Hơn 2 tháng qua, nhiều tỉnh ở ÐBSCL bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19. Các nhà máy chế biến thủy sản buộc phải cắt giảm sản xuất còn khoảng 1/3 công nhân làm việc “3 tại chỗ” tại nhà máy. Trong khi đó do các địa phương phải tăng cường các biện pháp kiểm soát, chốt chặn dịch bệnh lây lan nên có thời đoạn “đứt gãy” khâu vận chuyển đến vùng nuôi tôm. Chuỗi cung ứng vật tư đầu vào đến hoạt động thu mua, chế biến của nông dân và DN bị đình đốn. Thị trường tôm biến động, giá sụt giảm. Hệ lụy người nuôi tôm khó chủ động sản xuất vào vụ 2 đón thị trường cuối năm.
Theo nhận định của các DN chế biến và xuất khẩu thủy sản, tình hình kinh tế đang hồi phục nhanh ở các nước châu Âu, Mỹ, Nhật Bản sau khi khống chế được dịch COVID-19. Nhu cầu nhập khẩu thủy sản tại thị trường các nước này dự báo sẽ tăng trong quý IV-2021, để chuẩn bị cho mùa Noel và đón năm mới. Trong đó kỳ vọng mặt hàng tôm sẽ tăng cao.
Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HÐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta, nhận định: Hiện nay các cường quốc tôm lớn như Ấn Ðộ, Indonesia bị dịch COVID-19 gây tác hại khá nặng, ít nhiều gãy đổ chuỗi cung ứng tôm. Do đó khiến các thị trường lớn sẽ thiếu hụt số lượng cung không nhỏ. Từ nay đến cuối năm tôm chế biến sẽ tiêu thụ rất thuận lợi.
Tuy nhiên, ông Lực phân tích thêm: Việc tận dụng cơ hội này cũng không phải dễ dàng cho tôm Việt Nam. Nguyên nhân qua 6 tuần hạn chế hoạt động khiến năng lực cung tôm của chúng ta có hạn. Sản xuất “3 tại chỗ” hoặc “một cung đường hai điểm đến” chỉ đủ chỗ cho khoảng 40% lao động có thể tham gia. Các lao động này từ nhiều dây chuyền chế biến các mặt hàng khác nhau, kỹ năng khác nhau, nay dồn về cho ít dây chuyền hơn để bảo đảm đủ vị trí của từng dây chuyền chế biến. Do tay nghề không tương đồng, khiến năng suất bị giảm sút so với mức bình thường. Mặt khác, người lao động vào làm việc tại nhà máy trong giai đoạn này mang tâm trạng luôn âu lo về gia đình, dịch bệnh nên dễ làm tăng lỗi trên sản phẩm và năng suất lại càng giảm hơn. Trong khi đó chi phí DN thì không ngừng gia tăng để bảo đảm tổ chức sản xuất cung cách mới này an toàn, ngăn chặn được dịch lây nhiễm và duy trì tốt sức khỏe người lao động.
Cùng lúc này, người bạn đồng hành là các chủ ao nuôi tôm cũng lâm vào hoàn cảnh khó khăn chưa từng có. Bán được lô tôm khá trúng trong ao mà không thấy đồng lời vẫn cảm thấy an lòng. Lý do, vì thực thi Chỉ thị 16/CT-TTg, đi lại khó khăn, ít người đi mua. Người mua khó vào các khu vực có dịch, phí tổn tăng và thu mua giá sụt giảm không nhỏ.
Chuỗi sản xuất còn gặp khó
Do tình hình dịch bệnh vừa qua kéo dài đến nay khiến nhà máy thu mua nguyên liệu khó khăn, công nhân giảm dẫn đến giảm sút sản lượng chế biến thủy sản. Theo đó doanh số xuất khẩu cũng giảm theo.
Tuy nhiên, điều may mắn qua số liệu xuất khẩu tôm trong 8 tháng đầu năm vẫn tăng trưởng hơn 6% so cùng kỳ năm 2020. Các DN thủy sản Việt Nam không sợ mất thị trường, mất khách hàng, bởi các nước cùng xuất khẩu mặt hàng tôm như nước ta cũng gặp khó khăn, thậm chí còn khó hơn chúng ta.
Trở lại khó khăn đặt ra sắp tới của DN chính là nguồn cung nguyên liệu cho nhà máy chế biến. Vừa qua, giá tôm nguyên liệu sụt giảm khá mạnh, cộng với việc đi lại khó, người nuôi khó khăn tiếp cận các nguồn lực nuôi tôm đã cộng hưởng làm chùn tay người nuôi tôm trong việc thả nuôi vụ 2. Hiện sức tiêu thụ con tôm giống và thức ăn tôm đã giảm sút mạnh. Các cơ sở cung ứng tôm giống đã tăng mức khuyến mại lên tới 50%, chứng tỏ sức cầu đang xuống thấp.
Theo ông Hồ Quốc Lực, người nuôi tôm ngày càng năng động. Có thể ngay sau đợt dịch lần này bị thu hẹp, nhưng khi đi lại dễ dàng, người nuôi sẽ tiếp tục công việc của mình để mưu sinh. Bây giờ thả giống coi như nuôi mùa nghịch, tức là có nhiều yếu tố bất lợi cho ao tôm. Thế nhưng với kỹ thuật nuôi hiện nay phát triển tốt, người nuôi biết làm gì để vượt qua rủi ro và chờ đón tôm sẽ lên giá mạnh sắp tới.
Ðợt nuôi tôm trái vụ tuy chưa biết kết quả nhưng về phía các DN chế biến tôm cũng biết dự liệu, lo xa. Hiện nay các DN lớn đều có bán thành phẩm dự trữ, tích lũy thời gian qua, nhất là 6 tuần sản xuất thu hẹp. Vì do sản xuất thu hẹp để kịp thời không để tôm bị ứ đọng gây hư hỏng, chế biến bán thành phẩm dự trữ là phương án tối ưu giai đoạn này. Do đó, từ quý IV-2021 có thể thiếu nguyên liệu tôm chế biến, nhưng không quá trầm trọng. Ðáng chú ý là giá tôm thương phẩm sẽ phục hồi như trước khi bùng phát dịch, đó là thông tin đáng giá cho người nuôi tôm.
Trong những tháng cuối năm, cơ hội thị trường và tìm giải pháp khắc phục khó khăn để phục hồi sản xuất đang đặt ra thách thức lớn cho các DN xuất khẩu thủy sản. Hy vọng chuỗi sản xuất ngành hàng chuyển biến tích cực, từ nguồn cung nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu đến hoạt động của các nhà máy, qua đó tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động.
Nguồn: Báo Cần Thơ