Thứ Năm, 13/06/2024, 11:00

Tình hình nhập khẩu tôm từ các thị trường lớn trên thế giới

(Aquaculture.vn) – Năm 2023, sự sụt giảm nhập khẩu tôm tại các thị trường lớn nhất thế giới là Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản đã được bù đắp bằng sự gia tăng nhập khẩu tại Trung Quốc. Trong khi tổng khối lượng nhập khẩu tại 4 thị trường lớn nhất thế giới không thay đổi thì giá trị nhập khẩu lại giảm từ 19,7 tỷ USD năm 2022 xuống còn khoảng 17,3 tỷ USD năm 2023.

Sự sụt giảm nhập khẩu tôm tại Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản năm 2023 đã được bù đắp bằng sự gia tăng nhập khẩu tại Trung Quốc

Hoa Kỳ: Nguồn cung tôm chế biến tiếp tục giảm

Năm 2023, tổng nhập khẩu tôm nước ấm của Hoa Kỳ đạt 781.856 tấn (tính tổng mã HS của tôm bóc vỏ, còn vỏ, nấu chín và tôm giá trị gia tăng), con số này giảm 12% so với 889.021 tấn năm 2021 và giảm 6,3% so với 834.735 tấn năm 2022.

Theo phân loại sản phẩm, nhập khẩu tôm bóc vỏ sau khi giảm sâu từ năm 2021- 2022 đã ổn định trở lại vào năm 2023. Tuy nhiên, đối với tôm nguyên vỏ vẫn tiếp tục giảm qua các năm từ 2021-2023. Nhập khẩu tôm tẩm bột tăng từ năm 2021-2022 nhưng lại giảm vào năm 2022-2023. Trong 2 tháng đầu năm 2024, Hoa Kỳ chỉ nhập khẩu tôm nấu chín, tôm tẩm bột giảm so với cùng kỳ năm ngoái (Hình 1).

Ecuador vẫn là quốc gia duy nhất tiếp tục tăng trưởng thị phần tại Hoa Kỳ. Năm 2023 đạt 28% và trong 2 tháng đầu năm 2024, lần đầu tiên Ecuador chạm tới 30% thị phần. Trong giai đoạn 2019-2023 thị phần của Ấn Độ dao động từ 37-43%, trong 2 tháng đầu năm 2024 đạt 38% thị phần. Nguồn cung ngày càng dồn về 2 quốc gia Ecuador và Ấn Độ, thị phần kết hợp của họ đã tăng từ 52% năm 2019 lên 67% trong 2 tháng đầu năm 2024.

Indonesia, Việt Nam và Thái Lan được xem là 3 nhà xuất khẩu lớn của Hoa Kỳ lại cho thấy thị phần giảm nhẹ. Thị phần của Indonesia từ 22% mức cao nhất năm 2022 xuống 18% trong 2 tháng đầu năm 2024; Việt Nam từ 9% (năm 2021) xuống 5% năm 2023; Thái Lan 5-6% năm 2019 xuống 3% trong 2 tháng đầu năm 2024 (Hình 1).

Trong 2 tháng đầu năm 2024, Hoa Kỳ nhập khẩu 118.377 tấn tôm, con số này chỉ thấp hơn 2% so với cùng kỳ năm 2023 nhưng thấp hơn 18% so với năm 2022. Nếu xu hướng này tiếp tục, năm 2024 có thể chứng kiến nhập khẩu giảm nhẹ so với năm 2023. Tuy nhiên, kịch bản chưa rõ ràng do việc bán phá giá và thuế đối kháng có thể làm thay đổi hoàn toàn cục diện sau phán quyết cuối cùng được công bố.

Nếu nhìn vào nguồn cung cho Hoa Kỳ của mỗi quốc gia, trong 2 tháng đầu năm 2023, Ấn Độ giảm 1%, Ecuador tăng 2%, Indonesia giảm 13% và Việt Nam tăng 18%. Mặc dù các vụ kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp có thể đã ảnh hưởng đến nguồn cung sang Hoa Kỳ trong những tháng đầu năm 2023, nhưng rõ ràng vị thế thị trường của Indonesia tại Hoa Kỳ vẫn tiếp tục chịu áp lực. Mặc dù Việt Nam đã hồi phục nhẹ so với năm 2023 nhưng nguồn cung sang Hoa Kỳ năm 2024 sẽ tiếp tục dồn vào tay Ecuador và Ấn Độ.

Hình 1: Các nhà cung cấp tôm nước ấm của Hoa Kỳ từ 2019-2023

Trung Quốc: Nhập khẩu tôm tăng 19%

Khác với Hoa Kỳ, nhập khẩu tôm của Trung Quốc tăng liên tục từ năm 2020- 2023; gần đạt 1 triệu tấn năm 2023. Tuy nhiên, liệu nhập khẩu tôm Trung Quốc có vượt quá 1 triệu tấn vào năm 2024 hay không?

Ecuador và Ấn Độ vẫn là nhà cung cấp tôm lớn nhất tại thị trường Trung Quốc. Năm 2023, Ecuador xuất khẩu gần 700.000 tấn tôm sang Trung Quốc, chủ yếu xuất khẩu tôm HOSO và Ấn Độ gần như quay trở lại mức 150.000 tấn. Tuy nhiên, thị phần của Ấn Độ tại Trung Quốc đã giảm từ 24% năm 2019 xuống còn 14% năm 2023 (Hình 2). Nguồn cung của các quốc gia khác không thu hút nhiều sự chú ý. Trong khi nguồn cung từ Việt Nam sang Trung Quốc rất biến động thì nguồn cung từ Thái Lan, Ả Rập Saudi, Argentina, Indonesia và Peru đều có xu hướng tích cực hậu Covid-19 và được hưởng lợi từ sự phục hồi tiêu dùng của Trung Quốc.

Hình 2. Nhập khẩu tôm của Trung Quốc từ các nhà cung cấp lớn nhất từ 2019-2023

Tháng 01/2024, nhập khẩu tôm của Trung Quốc đạt 97.144 tấn, tăng 59% so với cùng kỳ năm ngoái. Tháng 02/2024, nhập khẩu đạt 60.323 tấn, giảm 15% so với tháng 02/2023. Nhập khẩu 2 tháng đầu năm 2024 tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt kỷ lục 157.377 tấn.

Tháng 3/2023 là kỷ lục nhập khẩu tôm của Trung Quốc, lần đầu tiên vượt 100.000 tấn. Tháng 02/2024 Ecuador xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 20% so với cùng kỳ năm 2023. Điều này có nghĩa là nhập khẩu của Trung Quốc từ Ecuador trong tháng 3/2024 nhiều khả năng cũng sẽ giảm. Với tình hình thị trường hiện tại, bao gồm cả mức giá thấp hiện nay, có khả năng lượng nhập khẩu trong ít nhất vài tháng tới sẽ không vượt quá con số của năm 2023. Nếu đúng như vậy, chúng ta sẽ phải đợi ít nhất một năm nữa để thấy Trung Quốc vượt mức 1 triệu tấn nhập khẩu.

Đối với Ecuador, Trung Quốc tiếp tục tăng nhập khẩu trong 2 tháng đầu năm 2024. Trung Quốc nhập khẩu 114.717 tấn tôm từ Ecuador trong tháng 1 và tháng 2, tăng 20% so với năm 2023. Phần lớn khối lượng này được cung cấp vào tháng 1, trước tết Nguyên Đán, khi nguồn cung đạt 72.484 tấn, tăng 84% so với năm 2023. Trong tháng 2, nhập khẩu của Trung Quốc từ Ecuador giảm xuống 42.233 tấn, thấp hơn 24% so với năm 2023.

Đối với Ấn Độ, trong tháng 1, Trung Quốc nhập khẩu 12.746 tấn tôm từ Ấn Độ, tăng 10% so với năm 2023. Nhập khẩu từ Ấn Độ trong 2 tháng đầu năm 2024 là 21.156 tấn, tăng 25% so với năm 2023.

Liên minh châu Âu: Các nhà nhập khẩu Mỹ Latinh liên tục mở rộng thị phần

Năm 2023, tổng nhập khẩu tôm của EU đạt 527.760 tấn, giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu tôm giá trị gia tăng (bao gồm tất cả các loài) giảm mạnh nhất với 14%. Trong khi đó, xuất khẩu tôm Penaeus nuôi đông lạnh nguyên liệu, tôm đánh bắt tự nhiên (bao gồm tôm sú và tôm thẻ chân trắng) giảm lần lượt 2% và 6%.

Nhập khẩu tôm từ châu Phi, châu Á và châu Mỹ Latinh chiếm 89% tổng lượng nhập khẩu của EU, với 467.157 tấn. Trong đó, Nam EU là thị trường lớn nhất, tiếp theo là Tây EU (bao gồm Scandinavia). Nhập khẩu tôm vào Nam EU chỉ giảm 6%, trong khi xuất khẩu sang Tây EU giảm 18%.

Ecuador tiếp tục thống trị thị trường và tiếp tục tăng xuất khẩu sang khu vực, đồng thời nguồn cung tôm thẻ chân trắng đang dần được củng cố trong tay nước này. Argentina là nhà cung cấp tôm lớn thứ hai cho Nam EU sau Ecuador. Trong khi Ấn Độ tăng cường xuất khẩu sang Nam EU (chủ yếu sang Pháp) từ năm 2020-2022 thì sang năm 2023, xuất khẩu lại sụt giảm. Ngoài ra, các nhà cung cấp châu Á khác như Trung Quốc và Việt Nam lại nhận thấy xu hướng tiêu cực trong nhập khẩu từ Nam EU. Từ Mỹ Latinh, chỉ có Venezuela tăng thị phần, năm 2022-2023, xuất khẩu của nước này đã tăng từ 19.113 lên 29.357 tấn.

Từ châu Phi, châu Á và châu Mỹ Latinh, Tây EU nhập khẩu tôm nguyên liệu đông lạnh và tôm giá trị gia tăng. Phần lớn được bóc vỏ, tôm đông lạnh thô kết hợp chủ yếu là Penaeus nuôi và các loài đánh bắt tự nhiên khác. Tôm giá trị gia tăng chủ yếu bao gồm tôm Penaeus nấu chín. Ấn Độ thống trị nguồn cung tôm đông lạnh nguyên liệu, trong khi Việt Nam thống trị nguồn cung tôm giá trị gia tăng. Năm 2023, Ấn Độ thay Việt Nam trở thành nhà cung cấp tôm lớn nhất cho Tây EU. Ecuador đang dần giành được thị phần vào năm 2023, là nhà cung cấp duy nhất tăng đáng kể lượng nhập khẩu ở Tây EU.

Với mức 3%, vào tháng 01/2024, nhập khẩu tôm của EU từ châu Phi, châu Á và châu Mỹ Latinh tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái, cho thấy nhập khẩu có thể không giảm sâu hơn nhiều trong năm 2024. Điều này phù hợp với dấu hiệu từ nhiều nhà nhập khẩu lớn. Trong tháng 01/2024, nguồn cung hàng năm ở châu Á giảm 18% và nhập khẩu tăng ở châu Mỹ Latinh với 16%. Điều này cũng liên quan đến thực tế là vào tháng 01/2024, nhập khẩu tại Tây EU giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi nhập khẩu tại Nam EU tăng 5%.

Minh Ngọc (Theo Shrimp Insights)