Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) dự báo tiêu thụ thủy sản toàn cầu sẽ đạt mức 21,5 kg/người vào năm 2030. Đến năm 2030 tiêu thụ thủy sản thế giới sẽ tăng 18% (28 triệu tấn) so với năm 2018. Trong đó, khoảng 71% lượng thủy sản làm thực phẩm trong năm 2030 (khoảng 183 triệu tấn) sẽ được tiêu thụ ở châu Á, trong khi châu Đại Dương và châu Mỹ Latinh tiêu thụ ít hơn. Tổng lượng tiêu thụ thủy sản làm thức ăn dự kiến sẽ tăng ở tất cả các khu vực và tiểu vùng trong năm 2030 so với năm 2018, tốc độ tăng trưởng cũng được dự kiến cao hơn: châu Mỹ Latinh tăng 33%, châu Phi tăng 27%, châu Đại Dương tăng 22% và châu Á tăng 19%.
Tại châu Phi, tiêu thụ thủy sản bình quân/người dự kiến sẽ giảm 0,2%/năm cho đến năm 2030, từ 10kg/người trong năm 2018 xuống còn 9,8 kg/người vào năm 2030; tại khu vực châu Phi cận Sahara, tiêu thụ giảm từ 8,9kg/người xuống còn 8,1kg/người. Tiêu thụ của khu vực giảm do dân số châu Phi tăng trưởng vượt xa tốc độ tăng nguồn cung thủy sản.
Theo dự báo của Rabobank, nguồn cung tôm sẽ phục hồi trong năm 2021 sau khi giảm trong năm 2020. Giá tôm sẽ tăng so với mức thấp kỷ lục vào năm 2020 và các nhà sản xuất tôm có khả năng đa dạng hóa thị trường trong năm 2021. Rabobank cũng dự báo giá cá hồi ở mức thấp trong năm 2020 do dịch Covid-19 sẽ khiến nguồn cung cá hồi tại Chile năm 2021 giảm 8-9% so với năm 2020. Trên toàn cầu, nguồn cung cá hồi được dự báo sẽ tăng 0,5-2% trong năm 2021, thấp hơn so với mức tăng nhu cầu. Nhu cầu cá hồi dự báo sẽ được phục hồi khi các dịch vụ ăn uống dần mở cửa trở lại sẽ hỗ trợ giá cá hồi trong năm 2021.
Hoàng Long