Chủ Nhật, 15/08/2021, 8:30

Dự báo giảm lượng tiêu thụ tôm, cá trong nửa cuối năm 2021

Ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến các hoạt động thương mại, nhà hàng, dịch vụ tạm ngừng hoạt động, bên cạnh đó người dân cũng có những kế hoạch tích lũy tài chính, thắt chặt chi tiêu thời điểm hiện tại, điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến lượng tiêu thụ thủy sản những tháng cuối năm.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, trong 6 tháng đầu năm 2021, sản lượng thủy sản của cả nước đạt 4,1 triệu tấn, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, sản lượng thủy sản khai thác đạt 2 triệu tấn, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm 2020; sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 2,1 triệu tấn, tăng 4,1%.

Trong đó, sản lượng tôm các loại của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt 392 nghìn tấn: Sản lượng tôm sú đạt 114,3 nghìn tấn, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2020; sản lượng tôm thẻ chân trắng đạt 256,8 nghìn tấn, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2020. 6 tháng đầu năm, giá tôm nguyên liệu trong nước diễn biến theo xu hướng giảm so với đầu năm 2021 do nhu cầu dịp Tết Nguyên đán tăng mạnh, nhưng vẫn tăng so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, giá tôm sú tăng 28-30% so với cùng kỳ năm 2020, giá tôm thẻ tăng 18-20%. Quý III/2021, Bộ NN&PTNT dự báo sản lượng tôm các loại tăng, dù dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại các tỉnh phía Nam.

Cùng với đó, Bộ NN&PTNT cũng dự báo tình hình tiêu thụ tôm, cá trong nửa cuối năm 2021 giảm so với nửa đầu năm. Nguyên nhân chính được cho là do tác động từ dịch Covid-19. Thời điểm hiện tại, dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, sẽ rất khó để chắc chắn rằng chúng ta có thể kiểm soát được trong thời gian ngắn. Việc người dân dần thắt chặt chi tiêu do đang trong thời gian tạm nghỉ dịch sẽ tác động không nhỏ đến việc tiêu thụ các sản phẩm thủy sản trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, các khu chợ đầu mối, nhà hàng, dịch vụ vẫn tiếp tục đóng cửa, ảnh hưởng đến một số địa phương đang vào vụ thu hoạch thủy sản với sản lượng lớn nhưng tiêu thụ chậm. Việc lưu thông các xe hàng từ các thị trường ngoài tỉnh gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến hoạt động thu gom nên nông dân không bán được số lượng lớn thủy sản mà chỉ bán nhỏ lẻ tại chỗ.

Bên cạnh khó khăn trong thị trường tiêu thụ nội địa, Bộ Công thương cũng dự báo, xuất khẩu tôm của Việt Nam trong quý III/2021 sẽ chậm lại do tác động của dịch Covid-19 trong nước. Dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại các tỉnh phía Nam khiến Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh phía Nam phải áp dụng chỉ thị 16, việc sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng, hoạt động xuất khẩu thủy sản cũng tác động. Tuy nhiên, khi dịch được khống chế thành công, xuất khẩu tôm của Việt Nam sẽ phục hồi mạnh trở lại do nhu cầu thị trường thế giới ở mức cao và sản phẩm của Việt Nam có lợi thế cạnh tranh nhất định với những ưu đãi về thuế từ các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới đã có hiệu lực.

Phạm Huệ

Nguồn: Nguoinuoitom.vn