Thứ Hai, 9/10/2023, 13:30

Brazil: Sản lượng cá nuôi tăng 48,6% kể từ năm 2014

Brazil: Sản lượng cá nuôi tăng 48,6% kể từ năm 2014

(Aquaculture.vn) – Brazil hiện được đánh giá là quốc gia có điều kiện tốt nhất trên thế giới để tiếp tục duy trì nghề cá và tăng sản lượng.

Brazil: Sản lượng cá nuôi tăng 48,6% kể từ năm 2014

Loài chính là cá rô phi, chiếm 63,9% tổng khối lượng

Nuôi trồng thủy sản có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong số tất cả các ngành chăn nuôi ở Brazil. Theo số liệu mới công bố ngày 27/2/2023, từ năm 2014 đến năm 2022, sản lượng cá của Brazil đã tăng từ 578.800 tấn lên 860.355 tấn, tương đương tăng 48,6%.

So sánh trong cùng kỳ:

  • Sản lượng gia cầm tăng 15%;
  • Sản lượng thịt lợn tăng 44%;
  • Thịt bò giảm 20,3%;

Cá rô phi là loài cá được nuôi chính ở Brazil. Theo PeixeBR (Hiệp hội các nhà sản xuất cá Brazil), năm 2022, tổng sản lượng cá rô phi tại Brazil là 550.060 tấn, tăng 3% so với năm 2021 (534.005 tấn). Chỉ riêng loài này đã chiếm 63,9% tổng sản lượng cá nuôi ở Brazil, khiến quốc gia này trở thành nước sản xuất cá rô phi lớn thứ 4 trên toàn cầu.

Năm 2022, sản lượng cá bản địa là 267.060 tấn (chiếm 31% tổng sản lượng), tăng 1,8% so với năm 2021. Sản lượng cá bản địa tập trung ở miền Bắc, Đông Bắc và Trung Tây. Loài chính là tambaqui.

Các loài ngoại lai khác (cá chép, cá hồi và cá tra) tăng thêm 43.235 tấn và ghi nhận mức giảm 3% so với 44.585 tấn được sản xuất trong năm trước.

Tăng trưởng nuôi trồng thủy sản ở Brazil

Hiện nay, quốc gia này là một trong 15 nước sản xuất cá nuôi lớn nhất trên thế giới và lĩnh vực này đã tạo ra 1,7 tỷ euro mỗi năm, duy trì 1 triệu việc làm trực tiếp và 2 triệu việc làm gián tiếp cho người lao động.

PeixeBR cho biết kể từ khi công bố số liệu thống kê chính thức vào năm 2014, sau 9 năm, sự phát triển của sản lượng cá nuôi đã tăng 281.555 tấn.

Trong đó, năm 2022 được ghi nhận là năm khó khăn cho ngành nuôi cá quốc gia này, bởi nửa đầu năm giá cá sụt giảm, nông dân giảm nuôi dẫn tới nguồn cung cá những tháng cuối năm 2022 bị thiếu hụt.

“Đây là một trong những thách thức chính của ngành. Mặt khác, giá thức ăn vẫn cao, thể hiện chi phí nuôi cá đang là cao nhất trong các loài nuôi”, Giám đốc điều hành của PeixeBR, Francisco Medeiros cho biết.

Paraná vẫn là bang dẫn đầu về sản lượng cá nuôi quốc gia vào năm 2022 với 194.100 tấn (+3,24% so với năm 2021). Tiếp đó là bang São Paulo đứng ở vị trí thứ hai với 83.400 tấn, tức là tăng 2,16% so với năm 2021. Rondônia giữ vị trí thứ ba với 57.200 tấn cá vào năm 2022. Điều đáng nói là bang này chỉ sản xuất các loài cá bản địa.

Xuất khẩu

Thị trường nội địa tiêu thụ hơn 99% sản lượng cá nuôi của Brazil. Tuy nhiên, xuất khẩu đã tăng 15% vào năm 2022, đạt 23,8 triệu USD, mặc dù khối lượng xuất khẩu giảm.

Điểm đến chính là Hoa Kỳ, chiếm 81% trong tổng số và cá rô phi chiếm 98% tổng số lô hàng.

“Sự hiện diện trên thị trường quốc tế vẫn còn nhỏ nhưng có thể tăng nhanh hơn thông qua việc mở cửa thị trường cho các sản phẩm đông lạnh như phi lê hoặc cá rô phi nguyên con. Brazil hiện có điều kiện tốt nhất trên thế giới để tiếp tục và tăng sản lượng”, Medeiros kết luận.

Bên cạnh đó, theo PeixesBR, nghề nuôi cá quốc gia bị ảnh hưởng trực tiếp bởi sự gia tăng đầu vào và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Ngoài các nguyên liệu thô như ngô và bột đậu nành, người ta còn chú trọng đến các nguyên liệu vi mô nhập khẩu, vốn tăng giá tính theo đồng đô la và phải đối mặt với các vấn đề về nguồn cung thường xuyên kể từ sau đại dịch.

Tố Uyên